Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/7: Áp lực gia tăng, VN-Index về gần 1.180 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán dâng cao ở nhiều nhóm mã đầu ngành đẩy VN-Index lao mạnh cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/7: Áp lực gia tăng, VN-Index về gần 1.180 điểm

Trong phiên sáng, thị trường được hãm phanh nhờ một số cổ phiếu ngân hàng lớn như BID, TCB, VIB, MBB, CTG khi mà bảng điện tử bị sắc đỏ lấn át.

Ngay khi bước vào phiên chiều, các mã TCB, BID, MBB nới đà đi lên đã kéo dần VN-Index trồi lên trên tham chiếu, dù vậy, khi gần chạm tới kháng cự mạnh 1.200 điểm, lực bán đã gia tăng và tập trung ở một số bluechip, cổ phiếu lớn như PNJ, MWG, MSN, GAS và áp lực bán dứt khoát ở nhóm cổ phiếu điện, phân bón, bán lẻ, thủy sản đã khiến VN-Index lao dốc đột ngột và về sát 1.180 điểm khi đóng cửa.

Lực cung hôm nay có sự đóng góp tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài với lực bán chính ở các mã lớn như VHM, VCB, BID, VNM, GAS, MSN, NVL, MWG, SAB, DCM... Trong các mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh này, chỉ duy nhất BID tăng giá, còn lại đều giảm, trong đó có nhiều mã giảm mạnh như MSN, GAS giảm hơn 5%, DCM giảm gần 6%, FRT giảm sàn, MWG giảm hơn 3%. SAB và SSI giảm trên dưới 2%. Riêng nhóm này đã lấy đi của VN-Index khoảng 8 điểm trong phiên hôm nay.

Nhìn trên đồ thị, VN-Index dường như đã tạo 2 đáy và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ bật trở lại để lấp gap giảm được tạo ra trong phiên 13/6. Kỳ vọng này dường như đã đúng khi thị trường có chuỗi hồi tích cực từ 23/6. Tuy nhiên, sự thiếu vắng sự hỗ trợ của dòng tiền lớn khiến VN-Index không thể vượt qua được ngưỡng cản 1.210 điểm, mà quay đầu đi xuống.

Phiên hôm nay cũng đánh dấu phiên thứ 17 liên tiếp VN-Index đóng cửa dưới đường MA20 và gap giảm giá được tạo ra trong phiên 13/6 vẫn chưa được lấp.

Chốt phiên, sàn HOSE có 120 mã tăng và 347 mã giảm, VN-Index giảm 14,24 điểm (-1,19%), xuống 1.181,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 612 triệu đơn vị, giá trị 13.806,6 tỷ đồng, tăng hơn 38% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52,2 triệu đơn vị, giá trị 1.4427,4 tỷ đồng.

Các trụ đỡ cho thị trường chỉ còn tại một số cổ phiếu ngân hàng, với TCB +3,9% lên 37.750 đồng, BID có thời điểm chạm giá trần, nhưng đóng cửa chỉ còn +3,6% lên 36.300 đồng, MBB +3,5% lên 25.450 đồng, STB +3,1% lên 23.050 đồng, trong khi CTG, SHB, MSB, VPB, ACB, HDB nhích nhẹ trên dưới 1% và VCB vẫn giảm nhẹ.

Thanh khoản phiên này STB nổi bật với hơn 30 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất trong VN30 và dẫn đầu HOSE, MBB khớp hơn 16,4 triệu đơn vị, VPB khớp 11,4 triệu đơn vị, TCB khớp 10,88 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 8,6 triệu đơn vị...

Trong khi đó, một số bluechip nới đà giảm, đáng kể là PNJ khi có thời điểm lùi về mức giá sàn, trước khi hãm đà rơi, mất 4,2% xuống 118.600 đồng khi đóng cửa.

Các mã gây áp lực lớn đến thị trường còn có MSN -5,3% xuống 102.000 đồng, GAS -5,2% xuống 103.000 đồng.

Phần lớn các bluechip khác cũng nới rộng đà giảm như POW -3,7% xuống 13.000 đồng, GVR -3,6% xuống 21.600 đồng, MWG -3,4% xuống 65.500 đồng, VJC -2,9% xuống 125.900 đồng, VNM -2,7% xuống 73.100 đồng, SSI -2,5% xuống 19.700 đồng, VRE -1,9%, SAB -1,8%, BVH và KDH giảm 1,7%...

Như đã đề cập, sức ép lớn khác trên bảng điện từ còn hướng đến các cổ phiếu điện như VSH, NT2, REE, GEG’ phân bón, hóa chất với DPM, CSV, DGC; thủy sản có ACL, ANV, VHC, IDI; bán lẻ với DGW, FRT; vận tải với HAH, VOS... khiến tất cả đều giảm về mức giá sàn.

Số lượng các cổ phiếu giảm sâu ở các nhóm trên và nhiều nhóm ngành khác cũng gia tăng, với JVC, TDH, CIG, BCG, CTF, ASM, OGC, DCM, MSH, MIG, PC1, PET, VGC giảm từ 5% đến 6,8%.

Ở chiều ngược lại, họ cổ phiếu FLC vẫn là điểm nóng, khi có thời điểm đều tăng kịch trần nhưng cũng đã có dấu hiệu rung lắc sau đó và chỉ duy nhất ROS giữ được sắc tím +6,9% lên 3.270 đồng, FLC +5,6% lên 6.550 đồng, AMD +5,3% lên 3.360 đồng, HAI +4,2% lên 2.740 đồng.

Trong đó, FLC khớp tới hơn 23,5 triệu đơn vị, ROS khớp 18,8 triệu đơn vị, AMD khớp hơn6,46 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu đơn lẻ khác có mức tăng khá là LCM tăng trần +6,8% lên 3.300 đồng, SKG +4,6% lên 15.800 đồng, HCD +3,8% lên 8.250 đồng...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp nảy nhẹ ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng chưa chạm tới tham chiếu, chỉ số này đã bị đẩy ngược lại và đóng cửa ở gần mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 159 mã giảm, HNX-Index giảm 3,25 điểm (-1,16%), xuống 277,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,2 triệu đơn vị, giá trị 983,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,2 triệu đơn vị, giá trị 305,3 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, chỉ còn vài mã tăng đáng kể là HHG giữ giá trần +6,9% lên 3.100 đồng, ART +6% lên 5.300 đồng, KLF +2,9% lên 3.500 đồng, trong khi IDJ và DVG chỉ còn nhích nhẹ.

Không ít các cổ phiếu đã nới đà giảm, như TNG -7,1% xuống 27.500 đồng, CEO -5,4% xuống 26.200 đồng, TAR -5,3% xuống 25.200 đồng, PVC -4% xuống 16.800 đồng, APS -3,6% xuống 13.400 đồng, SHS -3,3% xuống 14.500 đồng...

Thanh khoản phiên này PVS cao nhất sàn với 6,43 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm 3,2% xuống 24.000 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi bước thêm đôi chút ngay khi giao dịch trở lại và hồi phục đôi chút sau đó và đi ngang quanh vùng giá thấp cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,81%), xuống 87,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 731,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,98 triệu đơn vị, giá trị 28,7 tỷ đồng.

Bảng điện tử chỉ còn OIL, SSH, LMH, TIS nhích nhẹ, cùng VHG, ABB, BVB, SDD, VAB, NED đứng tham chiếu.

Các cổ phiếu khác đều chìm trong sắc đỏ, với BSR nới rộng đà đi xuống, để mất 6,1% xuống 26.000 đồng, khớp lệnh vẫn cao nhất UpCoM với hơn 15 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2207 đáo hạn gần nhất giảm 7,1 điểm, tương đương -0,57% xuống 1.234,9 điểm, khớp lệnh hơn 332.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CPOW2203 hút giao dịch nhất với 1,37 triệu đơn vị khớp lệnh, giá giảm 19,1% xuống 550 đồng/cq.

Trong khi giảm mạnh nhất là CTSB2209, khi mất hơn 90% xuống 40 đồng/cq, khớp hơn 34.000 đơn vị và ở chiều ngược lại là CMBB2203 +60% lên 240 đồng/cq, khớp 44.700 đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục