Thị trường trong nước dường như đang chờ đợi những thông tin mới ở bên ngoài, khi Fed và hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ có những động thái tăng lãi suất mới, trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thúc đẩy xu hướng mới nào đáng kể.
Trong phiên hôm qua, sau 8 phiên tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh, kết phiên rơi xuống mức thấp nhất ngày, về sát ngưỡng 1.100 điểm khi để mất gần 15 điểm với gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường tăng vọt, lên mức cao nhất trong khoảng 1 tháng qua.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 31/1, nhịp điều chỉnh tiếp diễn từ sớm, VN-Index theo đó lùi về dưới tham chiếu ngay khi mở cửa và mất mốc 1.100 điểm khá nhanh, dù vậy, diễn biến thị trường nhìn chung không quá tiêu cực khi biên độ giảm của phần lớn các cổ phiếu chỉ ở mức thấp, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi theo dõi các thông tin từ bên ngoài.
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp đã dần xuất hiện nhiều hơn, với những khoản lợi nhuận suy giảm mạnh, nhưng dường như thị trường đã phản ứng thông tin này từ trước và không gây bất ngờ.
Giao dịch trên bảng điện tử vẫn tập trung chủ yếu vào những cái tên quen thuộc với thị giá vừa và nhỏ ở các nhóm nguyên vật liệu, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, như HPG, SHB, STB, VPB, VND, HSG, NVL, DIG, GEX, HQC…
Trong khi đó, nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực là ngân hàng với hàng loạt ngân hàng vừa báo cáo số lãi nghìn tỷ, thậm chí cả chục nghìn tỷ, tăng mạnh so với năm 2021, nhưng cổ phiếu của nhóm này trên sàn lại tiếp tục bị bán mạnh. Trong phiên hôm qua, chỉ duy nhất HDB tăng giá trong nhóm ngân hàng, trong phiên sáng nay, thì đã đồng loạt chìm trong sắc đỏ, chỉ còn VAB trên UPCoM còn le lói sắc xanh nhạt.
Càng về cuối phiên, VN-Index càng đuối sức do sức ép khi sắc đỏ tức nhóm ngân hàng lan sang nhiều mã bluechip khác như chứng khoán, thép, dầu khí, thậm chí nhiều cổ phiếu bất động sản lớn cũng quay đầu giảm, khiến chỉ số này đánh rơi hơn 12 điểm về dưới 1.090 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 114 mã tăng và 284 mã giảm, VN-Index giảm 12,69 điểm (-1,15%), xuống 1.089,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 351,7 triệu đơn vị, giá trị 6.331,9 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39 triệu đơn vị, giá trị 850,3 tỷ đồng.
Các bluechip trong rổ VN30 chỉ còn PDR, HPG, KDH và NVL tăng nhẹ từ 0,4% đến 1,4%, cùng VJC đứng tham chiếu. Trong đó, HPG nổi bật khi khớp lệnh cao nhất với hơn 12,3 triệu đơn vị.
Còn lại đều giảm, dù phần lớn chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%, trừ một vài cái tên như VCB -2,1% xuống 88.000 đồng, TCB -2,1% xuống 28.100 đồng, VNM -2,6% xuống 77.300 đồng, GVR -3% xuống 16.000 đồng.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đồng loạt đi xuống, ngoài VCB và TCB nêu trên thì các mã CTG, OCB, SHB, LPB, VIB, STB, MBB, BID giảm từ 0,7% đến 1,9%, với SHB vươn lên dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với hơn 14,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở những nơi khác, một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm đáng chú ý như QCG, LGL, TCB, KBC, DRH, CTD với mức giảm hơn 3%.
Trái lại, KHG là cổ phiếu sáng nhất sàn, khi tăng kịch trần +6,9% lên 4.950 đồng, khớp hơn 1,7 triệu đơn vị. Tiếp theo là HAH +4,1% lên 37.900 đồng, ADS +3,3% lên 11.000 đồng, khớp 0,34 triệu đơn vị, VPG +3,1% lên 14.950 đồng, khớp 3,12 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, các mã SBT, DPM, DLG, PVD, FCN, SCR, LCG, HPX, ITA, DIG, DXG, VCG nhích nhẹ, trong khi HBC, CII, DRH, HNG, BCG, IDI, ASM, DBC, HCM, NKG, HQC, VND, HAG, VIX giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%, khớp từ 1,2 triệu đến gần 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng không giữ được sắc xanh ở nửa sau của phiên do áp lực gia tăng khiến nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm hoặc hạ độ cao.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 1,51 điểm (-0,68%), xuống 219,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,95 triệu đơn vị, giá trị 537,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64 triệu đơn vị, giá trị 19,1 tỷ đồng.
Một vài cổ phiếu còn tăng như DVG, DL1, TIG, TVD, HUT, MBG, AMV, PVS với mức tăng đa số trên 2%, và TC6 tăng trần +9,5% lên 6.900 đồng.
Các cổ phiếu giảm cũng phần lớn chỉ giảm nhẹ như MBS -2% xuống 14.600 đồng, IDJ -2,1% xuống 9.400 đồng, MST -2,1% xuống 4.600 đồng…
Trong khi đó, hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn là SHS và CEO đều dừng chân ở tham chiếu tại 9.700 đồng và 22.800 đồng, khớp lần lượt 7,19 triệu và 3,06 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau phần lớn thời gian giao dịch trên tham chiếu cũng đã bị đẩy xuống sắc đỏ ở những phút cuối.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,2%), xuống 75,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,3 triệu đơn vị, giá trị 232,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Nhóm cổ phiếu hút giao dịch nhất với BSR khớp hơn 6,08 triệu đơn vị, giảm 2,9% xuống 16.500 đồng, C4G khớp 1,42 triệu đơn vị, giảm 3,2% xuống 12.000 đồng và VHG khớp 1,2 triệu đơn vị, giảm 3,8% xuống 2.500 đồng.
Le lói vài cổ phiếu xanh như LMH, PXS, LTG, TVN, CEN, VEA và cổ phiếu PPH tăng trần lên 24.100 đồng, khớp 0,19 triệu đơn vị.