Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/3: Tăng trong thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức cầu tốt ở hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu giúp VN-Index tăng trở lại, song việc thanh khoản giảm mạnh cho thấy thị trường vẫn rất thận trọng.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/3: Tăng trong thận trọng

Trong phiên hôm qua 28/3, việc bán “quá đà” khiến nhiều nhóm cổ phiếu khác giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn đã kích thích cầu bắt đáy hoạt động mạnh giúp VN-Index hạn chế đáng kể đà giảm về cuối phiên.

Diễn biến cho thấy phiên giảm mạnh này không quá tiêu cực và nhiều khả năng thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại.

Đúng như dự báo, trong phiên hôm nay 29/3, hoạt động giao dịch đã khởi sắc ngay khi mở cửa, sắc xanh phủ rộng ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu, kéo VN-Index bật tăng áp sát mốc 1.500 điểm.

Tại ngưỡng cản mạnh này, VN-Index gặp đôi chút rung lắc, song việc dòng tiền bắt đáy hoạt động khá tích cực giúp ổn định đà tăng và chỉ số kết phiên ở mức cao gần nhất ngày.

Dẫu vậy, nhóm cổ phiếu FLC vẫn chịu áp lực lớn khi tiếp tục nằm sàn với lượng dư bán giá sàn chất đống.

Sức cầu tốt ở hầu hết các nhóm cổ phiếu giúp VN-Index tăng trở lại, song việc thanh khoản giảm mạnh phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.

Đóng cửa, với 346 mã tăng và 108 mã giảm, VN-Index tăng 14,85 điểm (+0,98%, lên 1.497,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 736,7 triệu đơn vị, giá trị 23.456 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên 28/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44 triệu đơn vị, giá trị gần 1.593 tỷ đồng.

Rổ VN30 có 24 mã tăng, trong đó một vài mã thực sự bứt phá như FPT tăng trần 6,9% lên 104.000 đồng, BVH +5% lên 61.400 đồng, hay TPB, VHM, VNM, PNJ tăng trên 2%, còn lại đều tăng dưới 1%.

Trong rổ chỉ 4 mã giảm và đều từ 1% trở xuống, song HPG chịu áp lực chốt lời mạnh cuối phiên nên quay đầu giảm 0,1% về 45.850 đồng.

Đáng chú ý, giao dịch tại rổ VN30 phiên này khá hạn chế, giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng lượng giao dịch trên HOSE. Mã thanh khoản tốt nhất là HPG cũng chỉ đạt xấp xỉ 13 triệu đơn vị và STB đạt 12,6 triệu đơn vị, còn lại đều khớp dưới 9 triệu đơn vị. FPT khớp lệnh 8,22 triệu đơn vị và trắng bên bán.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch sôi động với tâm điểm là ngành bất động sản, xây dựng. HQC là điểm nóng nhất khi khớp lệnh 36,7 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, kết phiên tăng trần 6,9% lên 10.050 đồng và còn dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị.

Các mã DIG, CTD, CIG, C47, MCG, TGG… cũng tăng kịch biên độ.

Ngoài ra, các mã khác trong nhóm này như DXG, CII, LDG, DLG, GEX, SCR, BCG, HBC, NLG, TCH, VCG, HHC, KBC, FCN, KHG, CRE… đều giữ sắc xanh, khớp lệnh từ 1 triệu đến hơn 13 triệu đơn vị,

Cặp đôi nhà An Phát tăng vững, với APH +4,1% lên 30.500 đồng, khớp 9,27 triệu đơn vị, AAA +2,1% lên 19.400 đồng, khớp 9,97 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu logistics cũng tăng hết biên độ như VOS lên 22.350 đồng, khớp hơn 5,57 triệu đơn vị, TMS lên 120.300 đồng, VNL +6% lên 27.550 đồng, trong khi GMD +4,8% lên 58.900 đồng, TCO +4,6% lên 20.650 đồng, VSC +3,5% lên 47.200 đồng…

Ở chiều ngược lại, họ cổ phiếu FLC vẫn nằm sàn la liệt, bất chấp cầu bắt đáy hoạt động khá tích cực. Cụ thể, AMD lùi về 6.190 đồng, khớp lệnh 24,28 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE và dư bán 3,3 triệu đơn vị. HAI về 5.880 đồng, khớp lệnh 22,28 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE.

FLC về 12.650 đồng, khớp lệnh 3,24 triệu đơn vị và và dư bán sàn 69,8 triệu đơn vị. ROS về 8.160 đồng và khớp 8,25 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 48 triệu đơn vị,

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục nới đà tăng trong phiên chiều và dù lực bán có gia tăng đôi chút sau đó nhưng chỉ số này vẫn kết phiên không xa mức đỉnh đạt được trong ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 159 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 6,35 điểm (+1,4%), lên 461,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 141,1 triệu đơn vị, giá trị 3.604,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8 triệu đơn vị, giá trị 386,5 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, hai cổ phiếu giảm đáng kể nhất đều liên quan đến FLC là KLF và ART, với KLF -7,8% xuống 5.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại với 28,5 triệu đơn vị, trong khi ART -5,8% xuống 9.700 đồng, khớp 12,1 triệu đơn vị.

Sắc đỏ khác chỉ còn tại TNG -1% xuống 37.800 đồng và TVC -3,2% xuống 21.500 đồng, khớp hơn 3,7 triệu đơn vị mỗi cổ phiếu.

Phần còn lại ở nhóm thanh khoản cao đều kết phiên trong sắc xanh, với những cái tên nổi bật như PVC +7,3% lên 32.200 đồng, MAC +6,7% lên CEO +6,2% lên 70.100 đồng, BII +6% lên 14.200 đồng.

Sắc xanh khác còn tại HUT, TAR, SHS, BCC, MBG, DVG, KVC, LAS, DL1, OCH…

Ngoài ra là hai CTC và SVN, khi đều tăng trần lên 11.800 đồng và 9.100 đồng, khớp lần lượt 0,82 triệu và 0,61 triệu đơn vị

Các mã lớn như VCS +4,4% lên 120.000 đồng, IDC +2,5% lên 74.800 đồng, L14 +4,1% lên 367.200 đồng, PVS +3,1% lên 37.200 đồng.

Trên UPCoM, với sắc xanh tại hơn 30 cổ phiếu thanh khoản cao nhất đã giúp UPCoM-Index tiếp tục tiến bước và chạm mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Đóng cửa, với 275 mã tăng và 113 mã giảm, UPCoM-Index tăng 1,36 điểm (+1,17%), lên 117,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,68 triệu đơn vị, giá trị 1.562 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,07 triệu đơn vị, giá trị 131,7 tỷ đồng.

Như đã đề cập, hàng loạt cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều tăng, với những cái tên nổi bật như CEN +13% lên 20.800 đồng, LTG +7,7% lên 45.900 đồng, MSR +6,8% lên 32.900 đồng, DDV +6,8% lên 32.900 đồng, DVN +6,2% lên 25.800 đồng…

Trong khi đó, cặp đôi dầu khí BSR và OIL chỉ nhích nhẹ, với BSR +1,1% lên 27.000 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 6,3 triệu đơn vị và OIL +0,5% lên 18.700 đồng, khớp 2,18 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó hợp đồng VN30F2204 tăng 9,9 điểm (+0,7%) lên 1.493,4 điểm, khớp lệnh hơn 98.973 đơn vị, khối lượng mở gần 28.955 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng mã có thanh khoản tốt nhất lại giảm điểm đó là CMSN2110 với 1.974.600 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 7,9% xuống 700 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục