Sau phiên tăng khá tốt trước đó, tâm lý thận trọng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay 28/6. Thị trường giao dịch khá nhàm chán khi 2 bên mua bán chủ yếu mang động thái thăm dò, khiến chỉ số VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua bắt đầu tăng mạnh, tập trung vào 2 nhóm cổ phiếu trụ đỡ chính là ngân hàng và bất động sản - xây dựng, giúp đa phần cổ phiếu tăng tốt. Theo đó, kéo VN-Index lên vùng giá 1.220 điểm, trước khi lùi nhẹ vào cuối phiên khi áp lực bán gia tăng.
Những nhà đầu tư bắt đáy trong phiên 23/6 đã có thể thu hoạch quả ngọt đầu tiên, nhất là ở nhóm cổ phiếu có tính thị trường như nhóm FLC, bất động sản thị giá nhỏ..., tăng nhiều cây trần liên tiếp. Một số nhóm lớn có sức ỳ như ngân hàng, hay thép, nhà đầu tư cũng có lợi nhuận.
Trong phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư đã hiện thực hóa lợi nhuận sớm, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư vẫn giữ, một số vẫn vào tiền vì tin tưởng đà hồi phục của thị trường chưa thể dừng lại, bởi gap giảm tạo ra trong phiên 13/10 vẫn chưa được lấp. Nếu thị trường lập hết gap này, VN-Index phải tăng thêm khoảng 65 điểm nữa, như thế cơ hội vẫn còn lớn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thị trường luôn có những biến động khó lường và để lấp gap này, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của dòng tiền.
Đóng cửa, với 326 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 15,28 điểm (+1,27%) lên 1.218,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 588,38 triệu đơn vị, giá trị 14.245,7 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 27/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54 triệu đơn vị, giá trị gần 1.905 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, nhóm cổ phiếu giao dịch rất tích cực, là động lực chính đẩy tăng VN-Index. Trên sàn HOSE, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều tăng điểm, trong đó VIB tăng kịch biên độ 6,8% lên 22.100 đồng.
Các mã LPB, CTG, BID có thời điểm đã tăng trần, trước khi mất sắc tím đáng tiếc về cuối phiên. LPG +6,3% lên 13.400 đồng, BID + 6% lên 33.650 đồng, CTG 4,3% lên 26.700 đồng. EIB tăng sát trần 6,7% lên 33.550 đồng.
Về thanh khoản, STB dẫn đầu thị trường với 24,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 22.550 đồng. LPB khớp 18,9 triệu đơn vị. MBB và VPB cùng khớp hơn 12 triệu đơn vị, MBB tăng 2,5% lên 24.700 đồng và VPB tăng 3,8% lên 30.000 đồng. CTG khớp 8,8 triệu đơn vị, VIB khớp 1,75 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng cũng đa phần tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng trần như DIG, LDG, HAR, FLC, ROS, TGG, DPG… song thanh khoản không quá mạnh, từ 1-7 triệu đơn vị.
Bộ đôi KBC-ITA diễn biến trái chiều, trong khi KBC tăng nhẹ 1,4% lên 32.450 đồng, thì ITA tiếp tục giảm sàn về 7.720 đồng, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 22,3 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép bị chốt lời mạnh nên đồng loạt giảm điểm, song mức giảm không quá mạnh. Trong đó, VND -0,5% về 18.300 đồng, khớp lệnh 23,85 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE. SSI -1,3% về 19.600 đồng, khớp lệnh 13,21 triệu đơn vị.
HPG -1,7% về 22.500 đồng, khớp lệnh 17,8 triệu đơn vị. HSG và NKG cùng giảm hơn 1%, khớp lệnh 4-5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sắc xanh được duy trì vững trong suốt phiên giao dịch khi giao dịch khởi sắc và kết phiên ở mức gần cao nhất ngày.
Đóng cửa, với 130 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 345,73 điểm (+1,23%) lên 283,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 72,47 triệu đơn vị, giá trị gần 1.492 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên 27/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 16 triệu đơn vị, giá trị 864 tỷ đồng.
Việc CEO tăng trần 9,9% lên 29.900 đồng, khớp lệnh 6,38 triệu đơn vị, đã đóng góp không nhỏ vào đà tăng của HNX-Index.
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechips khác cũng tăng tốt như PVS +3,3% lên 25.400 đồng, khớp lệnh 8,16 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn; TNG +2,9% lên 31.500 đồng, khớp lệnh 6,37 triệu đơn vị…
Ngoài CEO, các mã BII, LIG, SDA, API, SPI, VC9… cũng tăng trần, nhưng chỉ BII và LIG khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, theo đà 2 chỉ số chính, UPCoM-Index cũng tăng thẳng đứng từ đầu phiên chiều lên mức cao nhất ngày, sau phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ ở phiên sáng.
Đóng cửa, với 203 mã tăng và 99 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,98%) lên 89,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,99 triệu đơn vị, giá trị gần 991 tỷ đồng, tăng 89% về khối lượng và 45% về giá trị so với phiên 27/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 22,6 triệu đơn vị, giá trị 2 tỷ đồng.
Trong các mã thanh khoản cao, BSR vẫn là cổ phiếu hút tiền mạnh nhất với hơn 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,8% lên 29.800 đồng.
Ngoài BSR, mã VHG cũng ghi dấu ấn với mức tăng trần 12,1% lên 3.700 đồng, khớp lệnh thứ 2 sàn với 4,78 triệu đơn vị.
Những mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khác như PAS, SBS, VGT, ABB, C4G và OIL cũng đều tăng điểm, trong đó OIL tăng 5,2% lên 10.100 đồng. ABB tăng 2,9% lên 10.600 đồng.
Một số mã tăng trần khác là FTM, CDO, BOT, PFL, PXI, VE9…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2207 tăng 13,1 điểm (+1%) lên 1.261 điểm, khớp lệnh hơn 258.194 đơn vị, khối lượng mở 40.993 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng 2 mã thanh khoản cao nhất lại đứng giá tham chiếu, đó là CVHM2113 với 2.449.500 đơn vị khớp lệnh và CACB2102 với 1.956.900 đơn vị, kết phiên cùng đứng giá 10 đồng/CQ.