Trong phiên giao dịch sáng, sau 12 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 7 phiên giảm sàn liên tiếp (tính cả giá mở cửa ở mức sàn hôm nay), khiến thị giá của cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) mất hơn 44%, với 6 phiên liền “múa bên trăng” lực cầu giải cứu đã xuất hiện, kéo VNE hồi phục khá tốt từ mức sàn 6.470 đồng lên mức 7.200 đồng. Tuy nhiên, lực dòng tiền không đủ để chiến thắng bên bán, khiến cổ phiếu này quay đầu giảm trở lại khi đóng cửa phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, bên nắm giữ đã ra những đòn mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cú bồi trong đợt ATC khiến VNE một lần nữa bị “knockout” - nằm sàn trở lại, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp, dù không còn dư bán sàn như các phiên trước.
Như vậy có thể nói, công cuộc “giải cứu” VNE trong phiên hôm nay đã bất thành, thậm chí những nhà đầu tư nhỏ lẻ chạy theo bắt đáy có thể bị mắc kẹt nếu trong các phiên tới, bên tham gia giải cứu nhụt chí, hoặc bên bán quá mạnh.
Trở lại với thị trường chung, sau khi hạ nhiệt cuối phiên sáng, thị trường nhúc nhắc trở lại khi mở cửa phiên chiều, nhưng lực cầu quá yếu khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại và lùi hẳn về dưới tham chiếu. Trong khi đó, lực bán một lại gia tăng sau thời điểm 14h, dù không mạnh như các phiên trước đó, khiến VN-Index nới đà giảm trước khi bị chặn lại ở ngưỡng 1.100 điểm. Thanh khoản dù cải thiện so với phiên hôm qua, nhưng vẫn đứng ở mức thấp, chỉ hơn 11.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,24 điểm (-0,38%), xuống 1.101,66 điểm với 190 mã tăng (giảm hơn 100 mã so với phiên sáng), trong khi số mã giảm là 274 mã (tăng thêm 131 mã so với phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 539,3 triệu đơn vị, giá trị 11.011,9 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,3 triệu đơn vị, giá trị 1.337,8 tỷ đồng.
Gần như toàn bộ các nhóm dẫn dắt đều yếu lực trong phiên chiều.
Nhóm ngân hàng chỉ còn 3 sắc xanh nhạt tại TPB, SSB và MSB, cùng ACB đứng tham chiếu, còn lại đều giảm với 6 mã giảm trên 1%. Trong đó, CTG là mã giảm mạnh nhất khi mất 1,69% xuống 29.000 đồng, trong khi STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 8,07 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,5% xuống 29.550 đồng.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn 3 sắc xanh nhạt tại TVB, BSI và APG, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, ORS giảm mạnh nhất khi mất 3,05% xuống 15.900 đồng; 3 mã giảm hơn 2% là FTS (-2,7% xuống 39.600 đồng), HCM (-2,71% xuống 28.700 đồng) và CTS (-2,92% xuống 23.300 đồng).
Trong khi đó, bộ 3 VIX, VND và SSI vẫn là nhóm nằm trong top thanh khoản cao nhất thị trường. Trong đó, VIX vẫn giữ được vị trí quán quân với 24,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,34% xuống 14.650 đồng, SSI giảm 0,81% xuống, khớp 14,38 triệu đơn vị, đứng thứ 4 và VND giảm 0,51% xuống 19.650 đồng, khớp 14,19 triệu đơn vị, đứng ngay sau SSI.
Dù cũng có nhiều mã quay đầu giảm, nhưng sắc xanh trong nhóm bất động sản, xây dựng vẫn còn khá nhiều. Trong đó, CTD vẫn tăng 3,97% lên 55.000 đồng, PDR tăng 2,1% lên 24.300 đồng, NVL tăng 1,47% lên 13.850 đồng. Về thanh khoản, nhóm bất động sản cũng có giao dịch sôi động như nhóm chứng khoán hôm nay. Trong đó, DIG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và chỉ đứng sau VIX trên sàn HOSE với 19,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,41% xuống 21.000 đồng, ngay sau là NVL với 16 triệu đơn vị, còn PDR với 13,05 triệu đơn vị và DXG với 12,89 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,11% xuống 17.150 đồng là các mã có thanh khoản ở vị trí thứ 6 và 7.
Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm thép giữ được phong độ tốt nhất khi chỉ có NKG giảm nhẹ, cùng 4 mã đứng giá, còn lại các mã đáng chú ý đều duy trì được sắc xanh, dù mức tăng bị thu hẹp đáng kể so với phiên sáng. Trong đó, HPG tăng 0,21% lên 24.050 đồng, khớp cao nhất nhóm 12,06 triệu đơn vị. Tiếp đến là HSG khớp 6,12 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,56% lên 17.800 đồng.
Đáng chú ý trong phiên chiều nay là VIC khi bất ngờ được kéo tăng khá mạnh ngay đầu phiên chiều, trước khi hạ nhiệt nhẹ sau đó, nhưng vẫn giữ được mức tăng tốt hơn trong phiên sáng. Đóng cửa, VIC tăng 2,88% lên 44.700 đồng, mức cao nhất trong nhóm VN30, thanh khoản đạt 6,23 triệu đơn vị. Ngoài ra, người anh em VHM cũng có mức tăng 0,67% lên 44.900 đồng, khớp 3,92 triệu đơn vị. Ngoài VIC, VHM, SSB, HPG, nhóm VN30 còn có thêm MWG, BVH, GVR, SAB tăng, trong đó MWG tăng 1,16% lên 43.500 đồng, còn lại chỉ tăng nhẹ.
Đây chính là các “má phanh” giúp hãm đà giảm của VN-Index và VN30-Index trong phiên hôm nay. VN30-Index đóng cửa giảm 3,80 điểm (-0,34%), xuống 1.113,32 điểm.
Trong khi đó, trên sàn HNX, không có được sự hỗ trợ của mã trụ như trên HOSE, nên chỉ số chính của sàn này đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, dù có thời điểm nỗ lực hồi lại.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,83%), xuống 227,01 điểm với 65 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,3 triệu đơn vị, giá trị 1.636,9 tỷ đồng, tăng 34% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 283,7 tỷ đồng.
Trên sàn này, tất cả các mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 1,82% xuống 16.200 đồng, khớp cao nhất là 24,66 triệu đơn vị. Tiếp đến là CEO giảm 3,81% xuống 20.200 đồng, khớp 9,57 triệu đơn vị; IDC giảm 1,57% xuống 50.000 đồng, khớp 3,85 triệu đơn vị; MBS giảm 2,45% xuống 19.900 đồng, khớp 3,35 triệu đơn vị; PVS cũng đảo chiều giảm 0,79% xuống 37.800 đồng, khớp 3,18 triệu đơn vị; HUT giảm 2,31% xuống 21.100 đồng, khớp 2,43 triệu đơn vị.
IDJ và PVC là các mã có thanh khoản tốt tiếp theo và đà vẫn giữ được sắc xanh, nhưng tăng đã hãm đi nhiều so với phiên sáng, trong đó IDJ tăng 5,17% lên 6.100 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị, PVC tăng 7,69% lên 14.000 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị.
Thị trường UPCoM lại có phiên có biến động khi chỉ số chính của thị trường này có lúc cũng lao mạnh theo 2 sàn niêm yết, thiết lập mức đáy của ngày trong phiên chiều, nhưng trong nửa cuối phiên đã bật mạnh trở lại giữ được sắc xanh nhạt lúc đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 85,57 điểm với 138 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31 triệu đơn vị, giá trị 554,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 12,2 tỷ đồng.
Chiều nay chỉ có thêm 2 mã tham gia nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị cùng BSR và VGI của phiên sáng là SBS và VTP. Trong đó, BSR vẫn đứng đầu với 11,34 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3% xuống 19.400 đồng; VGI khớp 2,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,57% lên 29.000 đồng; SBS khớp 1,33 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 7.000 đồng; VTP khớp 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,04% xuống 47.700 đồng.
Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 12 tăng, các hợp đồng tương lai còn lại của VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 (VN30F2311) giảm 2,8 điểm (-0,25%) xuống 1.109,2 điểm với 242.088 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch 27.054,4 tỷ đồng; khối lượng mở 43.914 hợp đồng.
Thị trường chứng quyền hôm nay lại giao dịch khá sôi động với 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu do SSI và KIS phát hành, cùng 1 mã do HSC phát hành, nhưng chỉ có 1 mã đứng giá, còn lại đều đóng cửa giảm. Trong đó, CVPB2307 do SSI phát hành có thanh khoản tốt nhất với 4,31 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 17,86% xuống 230 đồng; tiếp đến là CHPG2326 cũng do SSI phát hành với 3,14 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,08% xuống 470 đồng; CSTB2310 do KIS phát hành với 2,51 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,33% xuống 710 đồng…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay cũng giao dịch khá sôi động khi có 26 mã có giao dịch với tổng khối lượng 10,43 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.268,8 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là BID12203 của BIDV với 3 triệu trái phiếu, giá trị 309 tỷ đồng; tiếp đến là HIC12103 của Helios với gần 2,99 triệu trái phiếu, giá trị 301,16 tỷ đồng; BID12205 của BIDV với 2,5 triệu trái phiếu, giá trị 254,94 tỷ đồng; NLG12102 của Nam Long với 1 triệu trái phiếu, giá trị gần 102 tỷ đồng.