Giao dịch chứng khoán phiên chiều 25/1: Bluechip đảo chiều ngoạn mục, VN-Index tăng gần 40 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền bắt đáy hoạt động mạnh trở lại ở nhóm vừa và nhỏ, trong khi các bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng trở lại đầy mạnh mẽ đã giúp thị trường có phiên tăng mạnh nhất trong gần 1 năm qua.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 25/1: Bluechip đảo chiều ngoạn mục, VN-Index tăng gần 40 điểm

Sau phiên sáng giảm điểm với áp lực bán luôn trực chờ, thị trường bước vào phiên chiều đã đột ngột đổi sắc. Dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực giúp bảng điện tử đổi màu với sắc xanh chiếm ưu thế nhanh chóng.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra ở nhóm bluechip giúp VN-Index tăng nhanh lên trên 1.470 điểm trước phiên ATC và nới đà đi lên và đóng cửa áp sát ngưỡng 1.480 điểm, tương ứng tăng gần 40 điểm, phiên tăng mạnh nhất về điểm số kể từ phiên 17/2/2021, phiên đó, VN-Index tăng 40,85 điểm.

Hình ảnh chứng khoán Việt Nam hôm nay khá tương đồng với chứng khoán Mỹ đêm qua, khi mọi điều gần như sắp sụp đổ báo hiệu con sóng giảm còn tiếp diễn thì dòng tiền nhập cuộc thay đổi tất cả, phiên sụp đổ hôm qua và sáng nay như chưa từng xảy ra.

Về mặt kỹ thuật, cây nến tăng ngày hôm nay đã phủ định hoàn toàn cây nến giảm ngày hôm qua, chỉ có một chút tiếc nuối là khối lượng giao dịch chưa đủ độ thuyết phục.

Mặt tích cực là đường trung bình giá 100 ngày (MA100) ở vùng 1.430 điểm đã trở thành ngưỡng hỗ trợ rất mạnh cho VN-Index khi có tới 4 phiên được thử thách thành công. Chỉ số chung ngày hôm nay cũng vượt thành công đường xu hướng giảm từ đỉnh 10/1, và vượt luôn đường MA50, chờ thử thách tiếp theo ở đường MA20 ở khu vực 1.488 điểm trong các phiên tới.

Biểu đồ kỹ thuật ngày hôm nay 25-1

Biểu đồ kỹ thuật ngày hôm nay 25-1

Nhờ phiên tăng điểm tốt ngày hôm nay, các chỉ báo kỹ thuật đã trở lên tích cực hơn khi đường MACD và RSI đều cắt lên cho thấy động lực thị trường đang được cải thiện. Kỳ vọng ngắn hạn là lạc quan khi thị trường có khả năng tạo đáy thành công ở khu vực 1.425-1.430 điểm và tạo thành mô hình 2 đáy trung hạn với đáy 1 hình thành ngày 6/12/2020.

Như đề cập ở bản tin sáng, hiện thị trường chưa hoàn toàn tích cực mà đang giằng xé bởi sức ép 2 chiều giữa rủi ro Fed tăng lãi suất tác động xấu tới chứng khoán toàn cầu, và ngược lại là các thông tin tích cực là mặt bằng lãi suất trong nước tiếp tục duy trì ở mức thấp, gói kích thích kinh tế chuẩn bị triển khai, nhiều doanh nghiệp lớn đang báo cáo kết quả kinh doanh 2021 khả quan,... Chính vì vậy, việc có các phiên biến động mạnh không phải là điều quá bất ngờ, mà thậm chí tích cực để ổn định lại thị trường sau nhịp giảm trước khi hình thành xu hướng mới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 304 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index tăng 39,87 điểm (+2,77%), lên 1.479,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 751,3 triệu đơn vị, giá trị 22.212,3 tỷ đồng, giảm hơn 7% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,2 triệu đơn vị, giá trị 1.750,8 tỷ đồng.

Cuối phiên sáng, sắc đỏ còn áp đảo, nhưng đóng cửa rổ VN30 có tới 28 mã tăng, chỉ còn VNM -2,2% xuống 79.200 đồng và SAB đứng tham chiếu.

Với những mã tăng, điểm nhấn đáng chú ý tại MSN, VRE và POW, khi cùng kết phiên ở mức giá trần, với POW khớp hơn 14,5 triệu đơn vị, VRE khớp hơn 6,1 triệu đơn vị, MSN khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ở các mã khác, không những tăng điểm mà còn tăng mạnh với những mã lớn như HPG +6,3% lên 43.250 đồng, VHM +6,3% lên 81.000 đồng, PDR để mất sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh 5,4% lên 90.000 đồng.

Tiếp theo là các cổ phiếu thuộc nhóm trụ cột ngân hàng, với TPB +5,3% lên 39.750 đồng, BID +4,5% lên 49.000 đồng, VPB +4,3% lên 34.900 đồng, STB +4,2% lên 34.700 đồng, CTG +3,8% lên 37.000 đồng, HDB +3,6% lên 30.050 đồng, TCB +3,2% lên 51.900 đồng, VCB đảo chiều ngoạn mục, từ mức giảm hơn 2% cuối phiên sáng đã +3% lên 95.800 đồng khi đóng cửa. Các mã MBB +1,6%, ACB +1,5%.

Nhìn rộng ra ở nhóm ngân hàng, thì các mã khác còn lại cũng đều tăng với SHB +3,9% lên 21.400 đồng, MSB +4,2% lên 27.000 đồng, EIB +3,3% lên 34.900 đồng OCB +3% lên 27.200 đồng, SSB +1,9% lên 39.950 đồng, VIB +1,1% và đáng chú ý nhất là LPB tăng kịch trần +7% lên 23.000 đồng.

Thanh khoản nhóm ngân hàng cũng tăng vọt với STB khớp hơn 24 triệu đơn vị, LPB khớp hơn 22 triệu, MBB khớp 19,83 triệu đơn vị, CTG khớp 18,8 triệu đơn vị, TCB khớp 14,46 triệu đơn vị, VPB khớp 11,7 triệu đơn vị, SHB khớp 10,55 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu cũng đã đổi chiều tăng, thậm chí tăng mạnh như SZC, BCM, GEG, NHA, DGW, SKG, TGG, PHR khi đều đứng ở mức giá trần.

Các cổ phiếu ACC, VNE, SHI, BCG, TLH, DPM, IJC, NLG, CTD, PC1, GMD, VHC, HBC, DXS, VGC, KBC tăng từ hơn 3% đến 6,8%.

Sắc xanh cũng đã trở lại với GEX, ITA, DIG, TCH, VCG, APH, DLG, DRH, KDC, JVC…dù mức tăng khiêm tốn hơn, phần lớn chỉ trên dưới 1%, khớp từ 1,4 triệu đến hơn 19,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn bị xả không tiếc tay và nằm sàn như HAG, CII, LDG, FCN, TSC, QCG, MBB, TTB, HID và bốn cổ phiếu nhà FLC là FLC, ROS, AMD và HAI.

Trong đó, HAG phiên này khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 37,2 triệu đơn vị, FLC đứng ngay sau với 25,7 triệu đơn vị, CII khớp 18,3 triệu đơn vị, LDG khớp 16,7 triệu đơn vị…

Giảm sâu khác đáng kể có HHV -3,8% xuống 24.000 đồng, khớp 12,4 triệu đơn vị dù đã có thời điểm về giá sàn. Cổ phiếu HNG -4,5% xuống 9.200 đồng, khớp 12,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, IDI, AGR, DPG, KHG, DHC, MDG, VPH, CTS, FTM, SJF, HAR giảm từ 2,5% đến hơn 6%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nhích dần lên các mức cao hơn và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ sự tích cực chung trên thị trường.

Chốt phiên, sàn HNX có 134 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 9,47 điểm (+2,36%), lên 410,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,6 triệu đơn vị, giá trị 1.873,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,32 triệu đơn vị, giá 291,8 tỷ đồng.

Phiên chiều này, cổ phiếu CEO tăng tốc mạnh mẽ, vọt lên mức giá trần +10% lên 62.700 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.

Ngoài CEO, các mã lớn khác cũng đã ủng hộ thị trường là SHS +4,1% lên 38.400 đồng, IDC +3,2% lên 61.400 đồng, NVB +8,1% lên 31.900 đồng, và L14 khi cũng tìm được giá trần +10% lên 393.800 đồng.

Ở phần còn lại, các cổ phiếu trong top thanh khoản đáng chú ý có PVL +5,4%, MBG +6,8%, TTH +8,1%, NDN +3,4% và các mã HHG, CMS, ITQ, VC7, L18 khi cũng tăng kịch trần.

Một vài cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ là PVS, ART, VKC, DL1, APS, BB, trong đó, PVS khớp lệnh chỉ đứng sau CEO với 7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tịnh tiến dần và chạm mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Dù vậy, các cổ phiếu thanh khoản cao phân hóa mạnh, với BSR, C4G, ABB, BVB, PAS, G36, QTP nhích lên, trong khi VHG, OIL, VGT, DDV, DTE, VAB chìm trong sắc đỏ.

Phiên này, BSR khớp lệnh vượt trội với 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,8% lên 25.000 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,32 điểm (+1,24%), lên 108,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,3 triệu đơn vị, giá trị 958,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,8 triệu đơn vị, giá trị 189,7 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều tăng, với VN30F2202 tăng 35,7 điểm (+2,43%), lên 1.503,9 điểm, khớp lệnh hơn 197.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm thế áp đảo, với phiên này CMSN2110 khớp lệnh cao nhất với hơn 1,78 triệu đơn vị và có thời điểm tăng kịch trần, trước khi đóng cửa tăng hơn 28% lên 1.860 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục