Giao dịch chứng khoán phiên chiều 23/9: Kéo trụ để xả penny

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index duy trì sắc xanh, nhưng số mã giảm giá chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử cho thấy, đà tăng này nhờ kéo các trụ, trong khi đa số mã cổ phiếu penny bị xả mạnh.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 23/9: Kéo trụ để xả penny

Tiếp nối đà tăng của phiên hôm qua, thị trường hồi phục khá tốt trong phiên sáng khi VN-Index leo lên sát ngưỡng 1.360 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng đẩy chỉ số này thoái lui xuống dưới tham chiếu và chỉ bật nhẹ trở lại cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của một số mã trụ.

Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu penny tạo sóng hôm qua, phiên sáng nay đã bị chốt lời đồng loạt khiến nhiều mã hạ nhiệt.

Bước vào phiên giao dịch chiều, kịch bản cũ lại được lặp lại khi VN-Index đầu phiên được kéo lên, thậm chí lần này còn vượt qua ngưỡng 1.360 điểm khi cặp đôi cổ phiếu Vingroup VHM-VIC, cùng một số mã như MWG, GAS được sử dụng làm trụ đỡ kéo VN-Index đi lên.

Khi VN-Index vượt đỉnh của phiên sáng, qua ngưỡng 1.360 điểm, lực bán xả hàng đã ồ ạt diễn ra ở các mã penny, khiến sắc tím trên sàn thưa dần khi giảm từ 41 mã của phiên sáng, chỉ còn 17 mã khi đóng cửa phiên chiều, trong khi số mã giảm sàn là 18 mã trong tổng số 254 mã giảm.

Có thể nói phiên hôm nay là kéo xả điển hình. Trong các phiên trước, cặp đôi cổ phiếu nhà Vingroup, nhất là VHM là "quả tạ" cản bước của VN-Index, thì trong 2 phiên gần đây, nhất là phiên hôm nay, cổ phiếu này được "sử dụng" để đỡ VN-Index luôn giữ được sắc xanh trong phiên chiều trước đợt xả mạnh ở các mã penny.

Trên bảng điện tử, nhiều loạt mã cổ phiếu vừa và nhỏ tăng trần hôm qua đã giảm mạnh hôm nay, thậm chí có nhiều mã giảm sàn như HQC, JVC, nhất là nhóm cổ phiếu họ Louis với APG, TGG, AGM đều giảm sàn. Trong khi đó, dù không giảm sàn, nhưng nhóm cổ phiếu họ FLC cũng bị chốt lời và đóng cửa giảm mạnh, dù đầu phiên còn được kéo lên mức giá trần.

Về mặt kỹ thuật thì VN-Index dường như chưa có nhiều vấn đề, nhưng đi vào chi tiết thì cảnh báo rủi ro đã ở mức khá cao. Thị trường tăng điểm và giá trị giao dịch đạt mức tốt trên 23.300 tỷ đồng, tuy nhiên khối lượng giao dịch tăng cao nhất trong 1 tháng trở lại đây khi đạt gần 1 tỷ cổ phiếu, cho thấy giao dịch tiếp tục tập trung ở mã vốn hóa nhỏ theo hướng ngược với phiên hôm qua là thoát hàng giá trị lớn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 143 mã tăng và 254 mã giảm (18 mã giảm sàn), VN-Index tăng 2,08 điểm (+0,15%), lên 1.352,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 997,6 triệu đơn vị, giá trị 23.304,5 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,3 triệu đơn vị, giá trị 1.533,9 tỷ đồng.

Phiên này chia làm hai diễn biến, một là các trụ cột MWG, GAS được kéo mạnh làm trụ đỡ cho chỉ số và hai là áp lực bán chốt lời ồ ạt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Theo đó, MWG đóng cửa +5% lên 132.000 đồng, GAS +2,5% lên 90.600 đồng, đóng góp của cả hai mã này cũng lớn nhất đối với hơn 2,5 điểm tích cực cho VN-Index.

Bên cạnh đó là TPB +3,6% lên 41.550 đồng và nhóm Vingroup với VHM +1,7% lên 79.300 đồng, VRE +1,6% lên 28.900 đồng và VIC +1,2% lên 87.100 đồng.

Ngược lại thì BVH là bluechip giảm sâu nhất, nhưng cũng chỉ -2% xuống 57.800 đồng và MSN -1,4% xuống 145.000 đồng, không tác động quá mạnh đến VN-Index.

Áp lực đến thực sự ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với nhiều nhóm ngành. Trong phiên sáng khi mở cửa, HOSE dù có tới 41 mã tăng kịch trần, nhưng đóng cửa con số này chỉ còn 17, trong đó, giảm sâu với biên độ dao động giá rất lớn, từ mức giá trần lùi về giá sàn khi đóng cửa là BMC, JVC, CSV và PLP.

Các cổ phiếu giảm sàn khác và đều trắng bên mua còn có HQC, DAH, GSP, HRC, TDG, VMD, LCM TMT, VOS, VIP, DGC và nhóm cổ phiếu Louis với TGG, AGM, APG.

Thanh khoản HQC cao nhất với hơn 39,3 triệu đơn vị khớp lệnh, JVC khớp 15,7 triệu đơn vị, VOS khớp 4,83 triệu đơn vị…

Cũng đã từng chạm tới mức giá trần, nhưng nhóm FLC cũng đã kết phiên giảm sâu, với ROS -3,5% xuống 5.500 đồng, FLC -4,2% xuống 11.300 đồng, AMD -3,7% xuống 5.270 đồng, HAI -3,8% xuống 4.800 đồng, khớp lệnh cặp đôi ROS – FLC trên dưới 40 triệu đơn vị.

Tương tự là DLG, giảm từ mức giá trần, đóng cửa mất 2,9% xuống 4.030 đồng và là cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất HOSE với hơn 51,67 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chìm trong sắc đỏ còn tại không ít các cổ phiếu quen thuộc như TEG, CRC, HAH, TCD, HAG, YBM, TSC, EVG, HAR, VTO, TLD, HNG, DAG, PXS, DRH…với mức giảm mạnh từ hơn 4% đến hơn 6%.

Ở chiều ngược lại, một vài mã còn giữ được sắc tím là ABS, VPH, FCM khi khớp hơn 1 triệu đơn vị, cùng TDH khớp được hơn 20,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 5,3 triệu đơn vị.

Cùng với đó là FTM +6,7% lên 4.920 đồng, ITC +5,6% lên 16.900 đồng, PXI +6,2% lên 4.300 đồng, BKG +4,6% lên 11.450 đồng, KBC +3,6% lên 44.550 đồng, IJC +3% lên 29.650 đồng…

Trên sàn HNX, một mình SHB nhích lên là không đủ để giúp HNX-Index chống lại lực bán dâng cao tại phần còn lại và tương tự trên HOSE, đích đến cũng là ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Theo đó, DL1, VIG, MBG, DST, KVC, HHG, FID, ITQ, SVN cùng hai mã anh em nhà louis BII, SMT và VKC, tất cả đều giảm về mức giá sàn.

Giảm từ mức giá trần về sắc đỏ là KLF, ART, ACM, TTH, PVL, VHE, NRC và mức giảm khá sâu, tất cả đều trên dưới 5%, trong đó KLF -5,8% xuống 4.900 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 19,7 triệu đơn vị.

Các mã lớn cũng không thoát khỏi sức ép chung với PVS, SHS, CEO, TVS, IDC, NDN, VCS, NVB, TNG đều chìm trong sắc đỏ, với VCS -4,3% xuống 125.100 đồng, TNG -4,1% xuống 28.400 đồng, NVB -3,6% xuống 29.500 đồng…

Chỉ còn SHB giúp cho chỉ số giảm không sâu thêm, khi +1,1% lên 26.800 đồng và các mã nhỏ có giao dịch đáng chú ý là TTZ, KDM, VTV khi đều may mắn giữ được sắc tím.

Đóng cửa, sàn HNX có 75 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 2,4 điểm (-0,66%), xuống 361,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 198,8 triệu đơn vị, giá trị 3.373 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,7 triệu đơn vị, giá trị 333,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index may mắn hơn, khi kết phiên tăng điểm mặc dù cũng có thời điểm rung lắc trên vùng giá cao.

Giao dịch đáng kể cũng là ở các mã nhỏ với VHG, KSH, KHB khi đều bị bán mạnh, thậm chí KHB còn giảm sàn -14,7% xuống 8.700 đồng, trong khi VHG có khối lượng khớp lệnh cao nhất UpCoM với 11,33 triệu đơn vị.

Nâng đỡ chỉ số là bộ ba đôi ngân hàng BVB +7,7% lên 22.300 đồng và ABB +3,3% lên 21.800 đồng, KLB +14,3% lên 25.600 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,72 điểm (+0,74%), lên 98,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 136,3 triệu đơn vị, giá trị 2.308,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,54 triệu đơn vị, giá trị 119,2 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2110 tăng 9,2 điểm (+0,64%), lên 1.450 điểm, khớp lệnh đạt hơn 142.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CVNM2109 hôm nay có khối lượng giao dịch cao nhất khi khớp hơn 1,63 triệu đơn vị và giảm 2,78% xuống 1.750 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục