Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/9: Lực cầu nâng đỡ, VN-Index hãm đà rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức cầu đỡ giá chảy khá tốt trong phiên chiều, giúp VN-Index hãm đà rơi và thanh khoản duy trì ở mức cao.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/9: Lực cầu nâng đỡ, VN-Index hãm đà rơi

Trong phiên giao dịch sáng, chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy bán tháo của chứng khoán thế giới trước lo ngại về "cú sụp Evergrande", có thời điểm VN-Index bị đẩy xuống vùng 1.325 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu tham gia đỡ giá đã giúp VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Cú sụt mạnh phiên sáng đã mở một Gap giảm giá khá lớn, lên tới khoảng 10 điểm, nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ hồi trở lại để lấp khoảng trống này và điều đó đã không thực hiện được phiên chiều. Tất nhiên đây chỉ là kỳ vọng bởi không phải lúc nào chỉ số tạo gap và sẽ lấp gap thành công, chẳng hạn như phiên gần nhất ngày 30/8, thị trường mở cửa tạo gap khá lớn so với phiên trước đó là ngày 27/8, nhưng sau đó không quay trở lại mà tăng một mạch đến ngày hôm qua.

Trở lại với phiên chiều nay, ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch, lực cầu đỡ giá hoạt động tích cực hơn đã kéo nhiều mã hồi phục, các mã giảm cũng hãm đà rơi, qua đó kéo VN-Index hồi dần về gần giá tham chiếu.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không an tâm, nên tận dụng nhịp hồi đã ra hàng, khiến VN-Index bị đẩy lùi trở lại cuối phiên khi về gần ngưỡng 1.345 điểm. Dù đóng cửa giảm hơn 10 điểm, nhưng phiên hôm nay vẫn cho một số tín hiệu tích cực khi ngưỡng 1.330 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ vững cho thị trường. Trong khi thanh khoản duy trì ở mức cao cho thấy thị trường nhận được lực cầu đỡ giá, tạo kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp hồi trong phiên ngày mai để lấp hết Gap đã tạo ra hôm nay.

Nhìn lại phiên giao dịch đầy cảm xúc có thể thấy, thị trường là xấu nhưng chưa quá xấu. Rõ ràng là lực bán mạnh nhưng không quá quyết liệt, tương tự lực mua là có nhưng không bằng mọi giá. Thị trường đang trong giai đoạn trống thông tin hỗ trợ nên sự biến động từ bên ngoài đã tạo tác động tâm lý, và trở thành cái cớ để thị trường tăng giảm. Điều này không phải lần đầu xảy ra.

Đóng cửa, với 136 mã tăng và 275 mã giảm, VN-Index giảm 10,64 điểm (-0,79%) xuống 1.339,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 856,63 triệu đơn vị, giá trị 23.297,47 tỷ đồng, giảm hơn 4% về khối lượng và hơn 5% về giá trị so với phiên 20/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,65 triệu đơn vị, giá trị gần 1.364 tỷ đồng.

Tại nhóm VN30, áp lực bán mạnh khiến 25 mã giảm điểm, trong đó VHM và VRE giảm mạnh nhất với 3% về tương ứng 77.500 đồng và 28.40 đồng, thanh khoản mạnh khi khớp lệnh lần lượt 13,43 triệu và 8,4 triệu đơn vị. VIC cũng giảm 1,3% về 85.600 đồng, khớp lệnh 4,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ VIB và OCB tăng điểm, còn lại đều giảm điểm, song mức giảm không quá mạnh, trong đó EIB, LPB, MSB, SHB giảm mạnh mất cũng chỉ khoảng 2%, các mã ACB, BID, TCB, CTG, VCB giảm trên dưới 1%. Thanh khoản cao có CTG, MBB, TCB, STB và SHB với mức khớp từ 8-17 triệu đơn vị.

Trong rổ này chỉ có 4 mã tăng là VNM, BVH, MSN và MWG, trong đó BVH tăng mạnh 3,3% lên 55.700 đồng, khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản của rổ VN30 cũng như toàn sàn HOSE là HPG với 28,84 triệu đơn vị, nhưng cũng giảm 1% về 50.800 đồng.

Tâm điểm thị trường phiên này vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Các mã DLG, SCR, SJF, DRH, JVC, OGC… đồng loạt tăng trần, trong đó DLG và SCR giao dịch rất mạnh, cùng khớp khoảng 26 triệu đơn vị, tăng lên tương ứng 3.880 đồng và 13.350 đồng,vượt trội so với các mã còn lại khi khớp từ 5-8 triệu đơn vị.

Không tăng trần, nhưng các mã ITA, HNG, HQC, HSG, PVD, KBC, FLC, DIG, NKG, HAI, LCG, IJC, PVT… đều có thanh khoản mạnh, trong đó HNG, HQC, HSG, PVD, KBC, FLC, DIG khớp từ 11-21 triệu đơn vị, NKG, HAI, LCG, IJC, PVT khớp từ 7-9 triệu đơn vị. Riêng ITA khớp 25,8 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE và tăng 3,8% lên 7.900 đồng.

Đáng chú ý, 2 mã trong nhóm Louis là TGG và TDH tiếp tục tăng hết biên độ, trong đó TGG tăng lên 73.800 đồng và cũng là phiên trần thứ 15 trong chuỗi 18 phiên tăng liên tiếp, khớp lệnh hơn 0,7 triệu đơn vị, còn TDH tăng trần phiên thứ 8 liên tục lên 13.200 đồng và khớp 3,27 triệu đơn vị.

Trong khi đó, AGM lại giảm sàn về 38.650 đồng, khớp lệnh hơn 0,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng diễn biến tương tự như HOSE, song đà hồi phục tốt hơn. Tuy nhiên, khá đáng tiếc là chỉ số này không về tham chiếu cho dù số mã tăng vượt qua số mã giảm.

Đóng cửa, với 129 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,1%) xuống 358,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 201,8 triệu đơn vị, giá trị 4.030,76 tỷ đồng, tăng gần 10% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 20/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,87 triệu đơn vị, giá trị gần 410 tỷ đồng.

Các mã PVS, TVC, HUT, PVC, DTD, VCS, KLF… nới rộng hơn đà tăng giúp chỉ số hồi phục nhanh hơn, trong đó PVS +4,1% lên 28.100 đồng và khớp 14,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn. TVC, HUT và KLF tăng từ 4,3-59%, khớp lệnh từ 7,7-8,4 triệu đơn vị.

SHB dẫn đầu thanh khoản với 16,9 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,9% về 16.900 đồng. Ngoài ra, một số mã trong rổ HNX30 còn giảm mạnh gây áp lực lên chỉ số có CEO -1,9% về 10.500 đồng và khớp 7,79 triệu đơn vị, TNG -3,9% về 29.800 đồng và khớp 4,96 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã DL1, VIG, MBG, TTH giữ vững sắc tím, khớp lệnh từ 3-7 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu Louis khác như VKC ghi nhận phiên trần thứ 13 liên tiếp lên 27.100 đồng, khớp lệnh gần 0,66 triệu đơn vị, APS tăng 3,9% lên 20.700 đồng và khớp 4,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số sàn này ghi nhận sự hồi phục tích cực trong phiên chiều, song cũng không đủ lực về đến tham chiếu.

Đóng cửa, với 135 mã tăng và 190 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (-0,71%) xuống 96,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 122,16 triệu đơn vị, giá trị 2.193,11 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 20/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 232 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu giao dịch mạnh nhất sàn là VGT và BSR với lần lượt đạt 12,28 triệu đơn vị và 11,18 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm, trong đó VGT -5,6% xuống 20.400 đồng, còn BSR -1,1% xuống 18.400 đồng.

Ở chiều ngược lại, VHG tăng mạnh 8,6% lên 3.800 đồng, khớp lệnh thứ 3 sàn với 6,95 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng phái sinh giảm điểm và 1 hợp đồng không có giao dịch, trong đó VN30F2110 dẫn đầu thanh khoản với 225.424 đơn vị được khớp lệnh, khối lượng mở 33.038 đơn vị và đóng cửa giảm 12 điểm (-0,8%) xuống 1.440 điểm.

Trên thị chứng quyền, phiên này, mã VVRE2106 giao dịch mạnh nhất với gần 2,826 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 7,6% về 2.060 đồng/cq.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ