Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/6: Sức cầu yếu, VN-Index tiếp tục giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh sức ép gia tăng còn lực cầu suy yếu trong phiên chiều khiến VN-Index có thêm phiên giảm điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/6: Sức cầu yếu, VN-Index tiếp tục giảm điểm

Dư âm từ phiên lao dốc trước đó khiến thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay 21/6 với mức giảm mạnh, VN-Index tiếp tục lùi sâu về ngưỡng 1.260 điểm. Lúc này, cầu bắt đáy được khởi động, đẩy chỉ số vượt qua tham chiếu. Dẫu vậy, do tâm lý thận trọng vẫn rất lớn nên chỉ số chủ yếu diễn biến giằng co trên tham chiếu mà không thể bứt phá.

Sau giờ nghỉ trưa, trong khi áp lực bán gia tăng, mà tâm lý cầm chừng vẫn chiếm ưu thế nên đà tăng của VN-Index nhanh chóng suy yếu và chỉ số nhanh chóng lùi qua tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, với 138 mã tăng và 323 mã giảm, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%) về 1.172,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 694,9 triệu đơn vị, giá trị 15.769,1 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 2% giá trị so với phiên 20/6 . Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 87 triệu đơn vị, giá trị gần 2.183 tỷ đồng.

Rổ VN30 diễn biến cân bằng hơn về cuối phiên, nhưng việc POW giảm sàn về 13.950 đồng (-7%), các mã HPG, GAS đều giảm mạnh hơn 4%, còn SSI, FPT và VRE giảm từ 2-3% đã gây sức ép lớn.

Ở chiều ngược lại, nhiều mã tăng tốt để nâng đỡ chỉ số, đáng kể nhất là VNM là khi tăng sát giá trần 6,8% lên 73.700, đồng thời CTG, TPB, BID, BVH, VCB, SAB… đều tăng trên 2%.

Về thanh khoản, HPG khớp lệnh xấp xỉ 40 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp theo là POW với hơn 32 triệu đơn vị, SSI là gần 25 triệu đơn vị. VNM phiên này khớp được hơn 4,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bộ đôi HAG-HNG giữ vững sắc tím tại mức giá 7.700 đồng và 4.980 đồng, khớp lệnh lần lượt 9,6 triệu và 2,14 triệu đơn vị, mà còn dư mua trần hàng triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã cũng tăng trần trong phiên như HBC (lên 16.500 đồng và khớp 6,57 triệu đơn vị), HCM (lên 17.750 đồng và khớp 5,7 triệu đơn vị), AAA (lên 11.000 đồng và khớp 4 triệu đơn vị)…

Trong khi đó, ngoài POW, sàn HOSE còn có 71 mã khác giảm sàn, đáng chú ý là các mã HQC (về 3.630 đồng và khớp 14,1 triệu đơn vị), ITA (về 8.410 đồng và khớp 11,83 triệu đơn vị), DIG (về 31.500 đồng và 9,5 khớp triệu đơn vị), PVD (về 17.300 đồng và 9,36 khớp triệu đơn vị), DCM (về 36.800 đồng và 7,1 khớp triệu đơn vị), BCG (về 13.300 đồng và 6,79 khớp triệu đơn vị), NT2 (về 25.150 đồng và 5,56 khớp triệu đơn vị)...

Các mã PC1, ASM, DPM, LDG, IDI, HDG, REE, ANV, BDC, CMX, VHC… cũng nằm sàn, khớp lệnh từ 2-5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến có phần tiêu cực hơn trong phiên chiều khi nhiều mã lớn giảm điểm mạnh và chỉ số HNX-Index giảm ở mức gần thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 63 mã tăng và 133 mã giảm, HNX-Index giảm 3,3 điểm (+1,23%) về 264,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 82,03 triệu đơn vị, giá trị 1.597,25 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên 20/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 11 triệu đơn vị, giá trị gần 583 tỷ đồng.

Trong rổ HNX30, một loạt mã giảm sàn như PVS (về 24.700 đồng), CEO (về 23.100 đồng), PVC (về 16.500 đồng), TIG (về 11.800 đồng), L14 (về 98.500 đồng), L18 (về 22.600 đồng) và IDJ (về 11.600 đồng).

Trong đó, PVS khớp 16,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. CEO khớp 5,68 triệu đơn vị. Các mã PVC, IDJ khớp hơn 2,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã nhỏ khác cũng nằm sàn như LIG, TTH, AAV, HHG, SDA, MAC, PV2, MST…

Ngược lại, một số mã tăng mạnh, qua đó giảm áp lực cho chỉ số như SHS (+9% lên 13.300 đồng), HUT (+6,3% lên 23.500 đồng), MBS (+6,2% lên 15.500 đồng), BCC (+4,5% lên 13.800 đồng)…, trong đó SHS khớp thứ 2 sàn với 8,12 triệu đơn vị, HUT khớp 5,15 triệu đơn vị…

Các mã VKC, BII, KSQ… tăng trần, nhưng thanh khoản không mạnh.

Trên UPCoM, chỉ số UpCoM-Index chìm trong sắc đỏ trong hầu hết phiên giao dịch và kết phiên ở mức gần thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 118 mã tăng và 193 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,48%) về 85,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,1 triệu đơn vị, giá trị 1.374 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 20/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,84 triệu đơn vị, giá trị 233,6 tỷ đồng.

Trong 8 mã thanh khoản tốt nhất sàn, chỉ VGT đứng giá tham chiếu 18.200 đồng, còn lại đều giảm. Trong đó, mã thanh khoản tốt nhất là BSR 23,85 triệu đơn vị giảm mạnh 7,9% về 28.000 đồng.

VHG khớp lệnh thứ 2 với 3,6 triệu đơn vị, giảm 9,4% về 2.900 đồng.

VGT khớp 1,64 triệu đơn vị.

OIL giảm 5,6% về 11.700 đồng và khớp 1,22 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng điểm, trong đó hợp đồng VN30F2206 đáo hạn hôm nay tăng 16 điểm (+1,3%) lên 1.228 điểm, khớp lệnh 504.516 đơn vị, khối lượng mở 40.913 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó mã CSTB2210 giao dịch sôi động nhất với gần 1,872 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 320 đồng/CQ.

Tiếp theo là CPOW2202 khớp hơn 1,845 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 22,4% về 380 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục