Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/3: Kéo giá phái sinh, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm nhưng chưa lập kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khoảng thời gian dài 'lay lắt' với những phiên kéo xả, tăng giảm đan xen, cuối cùng VN-Index cũng đã chinh phục thành công mốc tâm lý 1.200 trong phiên đáo hạn phái sinh.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/3: Kéo giá phái sinh, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm nhưng chưa lập kỷ lục

Sau phiên sáng để tuột 1.200 điểm, nhiều nhà đầu tư không nghĩ đến kịch bản chinh phục mốc tâm lý này một lần nữa do nghẽn lệnh đã thành bệnh mãn tính.

Quả thực, chỉ 30 phút sau khi trở lại giao dịch phiên chiều, lệnh khớp bắt đầu chững lại và như thường lệ, VN-Index chỉ gần như đi ngang quanh 1.195 điểm.

Khi nhiều người nghĩ kịch hay trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh đã diễn ra trong phiên sáng do phiên chiều lệnh bị nghẽn, khó có thể tác động gì thêm, thì bất ngờ đã xảy ra trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).

Trong đợt ATC, nhiều lệnh khớp tại các mã lớn như VNM, VCB, TCB đã lọt qua khe cửa hẹp, kéo các mã này nới rộng đà tăng, đẩy VN30-Index tăng vọt, san lấp cách biệt về điểm số so với hợp đồng đáo hạn hôm nay, đạt 1.121,54 điểm, cũng là mức đỉnh lịch sử mới của chỉ số này. Đồng thời, góp phần lớn đưa VN-Index vượt 1.200 điểm đầy kịch tính.

Tuy đã chạm đến ngưỡng tâm lý 1.200 điểm mà bây lâu ao ước, nhưng VN-Index vẫn chưa thể trở lại đỉnh lịch sử 1.204 điểm thiết lập vào 29/4/2018.

Đóng cửa, sàn HOSE có 250 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index tăng 14,85 điểm (+1,25%), lên 1.200,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 628,6 triệu đơn vị, giá trị 15.406,8 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 58,3 triệu đơn vị, giá trị 1.875 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, nhóm cổ phiếu ngân hàng là đầu tàu dẫn dắt thị trường và chậm chí một số còn nới biên độ tăng trong phiên chiều.

Theo đó, tăng mạnh nhất là TCB +4,1% lên 41.950 đồng. Tiếp theo là BID +3,9% lên 45.000 đồng, VPB +2,8% lên 45.850 đồng, CTG +2,4% lên 40.500 đồng, VCB +2% lên 97.500 đồng. Các mã còn lại trong nhóm như MSB +1,4%, ACB +1,3% TPB +1%, MBB +0,7% STB +0,5%, LPB +0,3%.

Nhiều bluechip khác cũng góp sức cho thị trường là KDH +2,2% lên 32.200 đồng, VNM +2% lên 102.500 đồng, MSN +1,9% lên 89.700 đồng, BVH +1,8% lên 60.700 đồng, VIC +1,8% lên 106.600 đồng. Nhóm HPG, NVL, VJC, PDR, PNJ tăng từ 0,6% đến 1,6%.

Giảm điểm chỉ còn GAS, POW, TCH và PLX, nhưng chỉ giảm nhẹ cùng HDB và SBT dừng chân ở tham chiếu.

Thanh khoản cao cũng tập trung ở nhóm ngân hàng với STB khớp gần 20 triệu đơn vị, TCB khớp 16,4 triệu đơn vị, CTG khớp 16 triệu đơn vị, MBB khớp 13 triệu đơn vị, MSB khớp 11,3 triệu đơn vị, ACB khớp hơn 10,2 triệu đơn vị, LPB khớp hơn 8 triệu đơn vị và các mã BID, TPB, VPB, HDB khớp từ 5,66 triệu đến 7,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, diễn biến không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi cặp đôi có khối lượng khớp lệnh cao nhất HOSE là HQC và HNG vẫn ở dưới tham chiếu.

Theo đó, HQC giảm 2,3% xuống 2.900 đồng, khớp gần 25 triệu đơn vị, HNG giảm 2,8% xuống 12.000 đồng, khớp 23,3 triệu đơn vị.

Sắc đỏ khác còn tại ROS, ITA, VIX, LDG, PVD, PET, LCG, FCN, DCM…trong đó, ROS khớp hơn 16,4 triệu đơn vị.

Phần còn lại khởi sắc hơn với hàng loạt cổ phiếu như FLC, DXG, IJC, GEX, VND, DIG, ASM, HBC, HSG...đều đóng cửa tăng điểm, cùng với HAP, TGG, TSC, PAN, ELC, VNE tăng kịch trần, khớp từ 1,33 triệu đến 22,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác còn có NHA, SGR, SAV, TVB khi cũng có sắc tím, mặc dù thanh khoản không cao, từ vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, RIC vẫn là đại diện ở nhóm giảm sâu, khi nằm sàn phiên thứ 10 liên tiếp xuống 22.500 đồng, chỉ khớp được 5.300 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 400.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã dần dần leo lên được tham chiếu sau nửa phiên chiều và nhích thêm đôi chút cho đến khi đóng cửa nhờ SHB nới đà tăng.

Đóng cửa, sàn HNX có 87 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,93 điểm (+0,34%), lên 277,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143 triệu đơn vị, giá trị 1.643,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5 triệu đơn vị, giá trị 72 tỷ đồng.

Theo đó, SHB là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong các mã lớn, +3,2% lên 19.500 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến SHS, tăng 2,9% lên 28.800 đồng.

Đây cũng là 2 cổ phiếu chiếm phần lớn thanh khoản trên sàn, thậm chí SHB còn lớn nhất thị trường và bỏ xa phần còn lại với hơn 62,4 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Các cổ phiếu khác hồi phục cũng đóng góp chung chi chỉ số còn có NVB +2% lên 15.100 đồng, TNG +4,2% lên 25.000 đồng, MBS +1,8% lên 23.100 đồng, S99 +1,8% lên 29.000 đồng, TVC +7,9% lên 12.300 đồng, CVN +5,8% lên 11.000 đồng.

Giảm điểm đáng tiếc có PVS -1,6% xuống 24.200 đồng, CEO -0,8% xuống 12.400 đồng, BAB -3% xuống 31.900 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chung xu hướng hồi phục, tuy nhiên, chỉ số này chỉ kịp về sát tham chiếu vào những phút cuối, chứ chưa bật hẳn lên như 2 chỉ số chính.

Nhóm các cổ phiếu tập trung giao dịch có BSR, AAS, KSH và SBS còn tăng, trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất với hơn 8,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 16.400 đồng.

Tâm điểm chú ý là cổ phiếu VNB của CTCP Sách Việt Nam, khi khối lượng khớp lệnh đột biến với hơn 1,1 triệu đơn vị và tăng kịch trần +14,5% lên 19.800 đồng.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%), xuống 81,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,2 triệu đơn vị, giá trị 824,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hôm nay là phiên đáo hạn của VN30F2103, và mã này đã tăng vọt 13,7 điểm, tương ứng +1,14% lên 1.211,5 điểm, khớp lệnh có hơn 82.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 23.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm thế áp đảo, trong đó, CHPG2018 giao dịch sôi động nhất với hơn 570.000 đơn vị được khớp, nhưng chỉ tăng gần 1,7% lên 4.280 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục