Thị trường bước vào phiên chiều với tâm lý hưng phấn hơn, chỉ sau hơn 40 phút giằng co, lực cầu nhập cuộc mạnh mẽ kéo VN-Index lên gần 1.170 điểm.
Với dòng tiền mạnh kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp thị trường bứt phá, tuy nhiên giao dịch lại chậm dần, tình trạng “tắc nghẽn” của năm cũ quay trở lại ám ảnh nhà đầu tư, khiến giao dịch chậm lại đáng kể sau khi thanh khoản leo dần lên 15.000 tỷ đồng, và chỉ số gần như chỉ đi ngang cho đến đợt khớp lệnh ATC.
Như dự báo của một số công ty chứng khoán, phiên đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh tháng 2 hôm nay có thể sẽ có bất ngờ. Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra là với tình trạng "tắc đường" hiển hiện, thì phiên ATC liệu có còn đáng kể chờ đợi sự bất ngờ?
Tuy nhiên, điều "kỳ lạ" đã diễn ra, một lượng hàng lớn không rõ “từ đâu đến” được khớp trong phiên ATC này, khiến VN-Index tăng thẳng đứng lên gần 1.175 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách hội đồng quản trị HOSE cho biết, công suất thiết kế xử lý lệnh tối đa của sàn HOSE là 900.000 lệnh/ngày.
Mỗi công ty chứng khoán được phân bổ đều nhau 3.000 lệnh dự trữ một ngày. Phần còn lại được phân bổ dựa trên số lượng lệnh bình quân của từng công ty trong vòng giao dịch.
Nếu HOSE hoạt động hết công suất, hệ thống ngưng, không xử lý được nữa. Lệnh vào sau chất đống sẽ “để đấy”.
Chốt phiên, sàn HOSE có 277 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 18,60 điểm (+1,61%), lên 1.174,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 614,8 triệu đơn vị, giá trị 15.130,2 tỷ đồng, tăng hơn 8% về khối lượng và gần 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,77 triệu đơn vị, giá trị 1.139 tỷ đồng.
Rổ VN30 cuối phiên sáng còn phân hóa thì về cuối ngày đã được kéo mạnh, chỉ còn SSI và STB giảm nhẹ và CTG, BVH, SBT đứng tham chiếu, còn lại đều tăng điểm.
Trong đó, tăng mạnh nhất là TCH, có thời điểm chạm mức giá trần, trước khi đóng cửa +6,1% lên 23.500 đồng, khớp hơn 9 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu tiếp theo có mức tăng tốt là GAS +3,7% lên 90.100 đồng, MSN +3,4% lên 95.100 đồng, VRE +3,3% lên 34.850 đồng, BID +3,1% lên 43.400 đồng.
Nhóm MBB, VIC, VCB, VHM, KDH tăng từ 1,6% đến 2,4%, trong khi MWG, PNJ, TCB nhích từ 1,1% đến 1,3%. Còn lại tăng nhẹ như HPG +0,9%, PDR +0,8%, REE +0,8%, POW +0,4%, HDB +0,4%, FPT +0,4%...
Thanh khoản trong nhóm dẫn đầu là MBB với 23,3 triệu đơn vị khớp lệnh. STB có hơn 22,5 triệu đơn vị, HPG có 21,3 triệu đơn vị. Nhóm tiếp theo là CTG, POW, SSI, TCB khi khớp từ 10 triệu đến 15,7 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí ngoài GAS tăng tốt thì phần còn lại mặc dù đánh mất sắc tím nhưng vẫn đứng vững, trong đó PVD đã lấy lại sức bật, +3,3% lên 23.400 đồng, PVT +2,3% lên 17.900 đồng, CNG +5,9% lên 24.350 đồng, PSH +4,4% lên 20.250 đồng, PGC +6,5% lên 18.000 đồng. Trong khi hai mã nhỏ PXS và PXT giữ được mức giá trần tại 7.080 đồng và 2.990 đồng.
Đáng kể khác trên bảng là GVR, DCM, FIT, TDH, khi cũng có được sắc tím khi đóng cửa, trong đó, DCM khớp 5,59 triệu đơn vị, GVR khớp 3,27 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 0,97 triệu đơn vị.
Đi ngược xu hướng thị trường, đóng cửa dưới tham chiếu là FLC, ROS, HSG, DXG, LPB, HCM, VND, HAI, SCR, AMD, VOS, NKG...Trong đó, FLC vươn lên dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HOSE với hơn 30,3 triệu đơn vị khớp lệnh, mất tới 6% xuống 6.300 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu khác đáng chú ý như STK +6,3%, FTM +6,3%, NLG +5,7%, TVS +5,6%, SGT +5,6%, DRC +4,8%, QCG +2,7%, ITA +2,2%, AGG +2%, cổ phiếu TDP đảo chiều, tằng 1,2% lên 25.500 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đuối sức trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm còn rơi xuống dưới tham chiếu, trước khi nảy trở lại và giằng co nhẹ sau đó cho đến khi đóng cửa.
Đóng cửa, sàn HNX có 56 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,17%), lên 230,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124,7 triệu đơn vị, giá trị 2.115,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 112 tỷ đồng.
Toàn sàn giữ được một vài điểm sáng như CEO, VIG, PLV và VGS khi đều kết phiên trong sắc tím.
Tích cực khá còn có các cổ phiếu dầu khí PVS +5,8% lên 21.800 đồng, PVC +7,1% lên 9.100 đồng, PVB +4,3% lên 19.500 đòng, PLC +3,5% lên 26.900 đồng, cùng IDJ +3,8% lên 16.200 đồng, LAS +3,9% lên 7.900 đồng.
Ở chiều ngược lại, ACM giảm sàn, KLF giảm 3,8%, MBG giảm 3,1%, MBS giảm 2%, ART giảm 3,8%, trong khi SHB -1,9% xuống 15.800 đồng, SHS -1,1% xuống 25.800 đồng, TNG -2,2% xuống 21.900 đồng, BVS -2,8% xuống 20.500 đồng, MBS -2% xuống 19.900 đồng...
Thanh khoản trên HNX thì PVS vẫn lớn nhất với hơn 26,4 triệu đơn vị khớp lệnh. SHB theo sau với hơn 19 triệu đơn vị, CEO có hơn 7,7 triệu đơn vị, IDC có hơn 7,1 triệu đơn vị...
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index bất ngờ có nhịp giảm sâu và rơi thẳng đứng trong phiên chiều và đi ngang sau đó cho đến khi đóng cửa.
Mặc dù chỉ số giảm điểm, nhưng phần lớn các cổ phiếu có thanh khoản cao đều kết phiên trong sắc xanh như BSR, G36, VGT, OIL, LTG, MSR, VGI, AAS, BVB, DVN, ABB, CTR...
Trong đó, BSR +2,5% lên 12.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 23 triệu đơn vị.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,51%), xuống 75,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,2 triệu đơn vị, giá trị gần 798 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,31 triệu đơn vị, giá trị 16,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai tháng 2 đáo hạn hôm nay là VN30F2102 là mã duy nhất tăng, +0,91% lên 1.187,3 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 20.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã TCH2001 hôm nay khớp lệnh cao nhất với hơn 0,85 triệu đơn vị, kết phiên tăng mạnh 16,8% lên 1.950 đồng/cq.
Hai mã tiếp theo có 0,82 triệu và 0,81 triệu đơn vị đều có cơ sở VRE là CVRE2102 và CVRE2011 đều tăng điểm lên 2.890 đồng/cq và 1.820 đồng/cq.