Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/3: HOSE nghẽn lệnh, dòng tiền chuyển hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bệnh nghẽn lệnh tái diễn khiến VN-Index giao dịch trên HOSE trong phiên chiều khá ảm đạm, nên dòng tiền chuyển hướng tìm kiếm cơ hội trên HNX và UPCoM.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/3: HOSE nghẽn lệnh, dòng tiền chuyển hướng

Mở cửa phiên sáng nay 16/3, thị trường chịu áp lực bán mạnh nên nhanh chóng giảm điểm, thậm chí có lúc VN-Index đã lùi sâu về vùng 1.170 điểm. Dù vậy, tại mỗi nhịp giảm, cầu bắt đáy đều hoạt động tích cực giúp VN-Index không giảm quá sau, thanh khoản theo đó cũng tăng lên rất nhanh.

Mặc dù chưa đủ sức để đưa VN-Index về tham chiếu, nhưng không thể phủ nhận hiệu ứng tích cực mà lực cầu này mang lại, giúp hoạt động dao dịch trong nửa cuối phiên sáng trở nên sôi động hơn.

Bước vào phiên chiều, sức cầu tiếp tục được duy trì và kéo VN-Index đi lên ngay sau nhịp giảm đầu phiên. Tuy nhiên, kể từ thời điểm 14h, tình trạng lệnh nghẽn lệnh tái diễn nên giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt. Điều này ảnh hưởng tới lớn tới đà phục hồi của VN-Index khi chỉ ì ạch bò dưới tham chiếu.

Việc HOSE nghẽn lệnh đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm kiếm cơ hội trên sàn HNX và UPCoM, giúp giao dịch của 2 sàn này sôi động trong phiên chiều, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng dần hồi phục và bứt qua tham chiếu.

Đóng cửa, với 162 mã tăng và 297 mã giảm, VN-Index giảm 4,66 điểm (-0,39%) xuống 1.179,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 683,85 triệu đơn vị, giá trị 15.313,76 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên 15/3 (676,96 triệu đơn vị khớp lệnh, giá trị 15.105 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.792,5 tỷ đồng.

Trong phiên chiều, trong nhóm VN30, nhiều mã đã thu hẹp đáng kể đà giảm. Số lượng mã giảm từ 1-1,8% chỉ còn 6 mã là REE, NVL, BID, VNM, VPB và SSI. Các mã giảm còn lại đều dưới mức 1%, trong số này POW khớp hơn 20 triệu đơn vị, còn HPG, SSI MBB và TCB khớp được 11-14 triệu đơn vị.

Số mã tăng cũng được nâng lên dù không nhiều với 7 mã, trong đó tích cực nhất là FPT khi tăng 5,9% lên 81.000 đồng, khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị. TCH +4% lên 23.600 đồng, khớp lệnh 9,2 triệu đơn vị. VRE và PLX tăng 1% và 1,2% lên mức 34.800 đồng và 57.800 đồng, khớp lệnh 5-6 triệu đơn vị.

STB đã về được tham chiếu 18.900 đồng, khớp lệnh gần 23,8 triệu đơn vị, cao nhất rổ VN30.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi ROS và FLC hút mạnh dòng tiền, khối lượng giao dịch đứng đầu HOSE với lần lượt 46,2 triệu và 33,3 triệu đơn vị, chốt phiên ROS +5,7% lên 4.100 đồng, FLC +4,3% lên 7.700 đồng.

Còn giữ được mức tăng là DXG, HHS, FIT, HSG, FCN, VPI, NKG, DBC, AAA, IDI, DRH…, khớp từ 3,6-8,6 triệu đơn vị.

Các mã HAP, DAH, TGG, SBV, SHI… vẫn giữ sắc tím, nhưng chỉ HAP có thanh khoản mạnh với lượng khớp được gần 3,1 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.

HQC đã lùi về tham chiếu 3.290 đồng, khớp được hơn 26,42 triệu đơn vị, đứng thứ 3 HOSE.

Phần còn lại chìm trong sắc đỏ như ITA, PVD, LPB, DLG, HAG, LCG, VIX, HNG, LDG, VND… trong đó, VIX về gần mức giá sàn 39.000 đồng (-5,9%), khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.

Một mã khác là TDP tuy giao dịch không quá sôi động và có rung lắc, nhưng cũng đảm bảo được sắc xanh khi đóng cửa tăng 0,4% lên 27.400 đồng, khớp hơn 100.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, dòng tiền hoạt động tích cực ở một số mã lớn giúp chỉ số HNX-Index dần hồi phục và kịp vượt qua tham chiếu khi chốt phiên chiều.

Đóng cửa, với 54 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,9%) lên 275,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 161,5 triệu đơn vị, giá trị gần 2.669 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 15/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 100,6 tỷ đồng.

Trong rổ HNX30, SHB bật tăng mạnh 5,1% lên 18.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 63,2 triệu đơn vị và vượt trội so với các mã còn lại, qua đó đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số, bên cạnh một số mã tăng tốt khác là TVC, NRC, SJE, DP3 hay LHG.

NVB và CEO đứng giá tham chiếu, trong khi PVS, HUT, KLF, SHS… giảm điểm. Trong đó, PVS -1,7% xuống 23.700 đồng, khớp lệnh 11,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng có diễn biến tương tự HNX và đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Đóng cửa, với 161 mã tăng và 94 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 80,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 93,88 triệu đơn vị, giá trị 1.143,2 tỷ đồng, tăng 91% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên 15/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,9 triệu đơn vị, giá trị 341,3 tỷ đồng.

Diễn biến phân hóa tiếp tục được duy trì tại nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, với sắc xanh ghi nhận tại các mã ABB, SBS, VHG, DDV, QTP, PVM, VOC, MSR... và ngược lại là sắc đỏ tại BSR, OIL, C4G, VGT, AAS, VGI...

Trong đó, BSR vẫn là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 2,4% xuống 16.000 đồng. ABB khớp nhiều thứ 2 với 6,3 triệu đơn vị, tăng 4,3% lên 14.600 đồng.

VHG tăng trần lên 2.300 đồng (15%), khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị.

OIL giảm 3,4% xuống 14.300 đòng, khớp 4,5 triệu đơn vị.

BAB đứng giá tham chiếu 34.000 đồng, khớp lệnh 32.100 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, VN30F2103 đáo hạn gần nhất giảm 0,22% xuống 1.186,2 điểm, khớp lệnh gần 97.666 đơn vị, khối lượng mở gần 27.303 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 21 mã tăng điểm trong phiên này, trong đó CVRE2007 tăng 11,11% lên 600 đồng/CQ và khớp lệnh nhiều nhất với 1.106.600 đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục