Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/7: Dòng bank kéo VN-Index giảm mạnh, dòng tiền lớn chưa nhập cuộc

(ĐTCK) Dù VN-Index đã bật trở lại khi chạm ngưỡng 1.265 điểm, nhưng lực cầu bắt ở vùng này khá thấp cho thấy dòng tiền lớn chưa nhập cuộc và đang đợi thị trường có một nhịp giảm sâu nữa.

Trong phiên giao dịch sáng, sau khi lên thử thách vùng 1.300 điểm thất bại, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.276 - 1.280 điểm, với thanh khoản có sự cải thiện so với phiên sáng qua, dù không quá lớn.

Bước vào phiên chiều, lực cung gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đẩy nhiều mã của nhóm dẫn dắt này giảm mạnh, qua đó kéo VN-Index lao thẳng xuống ngưỡng 1.265 điểm, trước khi bất trở lại. Dù chỉ số nảy trở lại, nhưng lực cầu bắt đáy ở các nhịp thị trường giảm rất thấp và thanh khoản chung thị trường dù tăng so với phiên hôm qua, nhưng vẫn ở mức dưới 20.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi điều gì đó. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang tỏ ra thận trọng, chờ đợi các tay to hành động, nhất là thời điểm chốt phái sinh đang đến gần (ngày mai 15/7).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, những “người hùng” dẫn dắt đà tăng mạnh mẽ của thị trường từ sau Tết Nguyên đán hôm nay đã trở thành lực cản lớn nhất của thị trường khi nhóm này khiến chỉ số chung mất hơn 10 điểm.

Trong khi đó, tưởng chừng con sóng của nhóm FLC đã qua nhanh thì đột biến lại đến trong phiên chiều khi dòng tiền lớn bất ngờ được tung vào ồ ạt đỡ giá, kéo nhóm này nóng trở lại.

Thêm một phiên giảm điểm khá mạnh, nhưng thanh khoản thấp vẫn chưa nói lên điều gì về xu hướng sắp tới của thị trường và cho thấy thị trường giai đoạn này rất khó để kiếm lời. Do đó, những con sóng bất ngờ như tại nhóm FLC cũng tạo ra sự thích thú cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lướt T+.

Chốt phiên, VN-Index giảm 17,6 điểm (-1,36%), xuống 1.279,91 điểm với 138 mã tăng và 234 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 592,8 triệu đơn vị, giá trị 19.324,8 tỷ đồng, tăng gần 10% về khối lượng và 24,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,8 triệu đơn vị, giá trị 2.272,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là tác nhân chính cho phiên giảm mạnh của VN-Index hôm nay khi chỉ còn BID có sắc xanh nhạt 0,47% lên 42.600 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Trong 8 mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số hôm nay, nhóm ngân hàng đóng góp tới 6 cái tên là TCB, VPB, VIB, VCB, CTG và MBB. Trong đó, VCB giảm 1,55% xuống 101.800 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị. TCB giảm tới 5,38% xuống 51.000 đồng, khớp 33,44 triệu đơn vị, tăng gần 67% so với phiên hôm qua, nhưng vẫn thấp hơn 2 phiên trước đó. VPB giảm 3,91% xuống 61.500 đồng, khớp 22,4 triệu đơn vị. CTG giảm 2,6% xuống 33.700 đồng, khớp 16,35 triệu đơn vị. VIB giảm mạnh nhất khi giảm kịch sàn 6,9% xuống 44.400 đồng, khớp 4,39 triệu đơn vị, cao hơn 2 phiên liền trước và “múa bên trăng”. MBB giảm 3,19% xuống 28.850 đồng, khớp 19,97 triệu đơn vị.

Ngoài ra, ACB giảm 3,5% xuống 31.750 đồng, khớp 3,15 triệu đơn vị; HDB giảm 3,83% xuống 32.650 đồng, khớp 2,83 triệu đơn vị; STB giảm 4,53% xuống 27.400 đồng, khớp 25,27 triệu đơn vị; TPB giảm 5,17% xuống 33.000 đồng, khớp 5,21 triệu đơn vị; EIB giảm 5,69% xuống 26.500 đồng, khớp chưa tới 0,4 triệu đơn vị; OCB giảm 4,73% xuống 26.200 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị. SSB, MSB và LPB giảm hơn 1%.

Cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số hôm nay là BCM khi giảm kịch sàn xuống 48.650 đồng và còn dư bán sàn. MWG giảm 4,9% xuống 166.500 đồng, khớp gần 1,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VIC vẫn yên vị ở mức tham chiếu, VHM cũng bị đẩy lại vạch xuất phát, các mã lớn khác tăng giá như VNM, VRE, MSN, PDR, SAB cũng chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 1%.

Điều đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ FLC tưởng chừng con sóng chỉ lướt qua trong phiên chiều qua, thì chiều nay lại gây đột biến khi bất ngờ có dòng tiền đỡ giá chảy vào khá mạnh, kéo FLC có lúc lên mức trần 11.850 đồng trước khi đóng cửa ở mức 11.800 đồng, tăng 6,3% với thanh khoản 43,49 triệu đơn vị, mức cao nhất trong 3 tuần.

ROS cũng nới rộng đà tăng lên 5.350 đồng, tăng 3,68%, thanh khoản 22,24 triệu đơn vị, thấp hơn so với phiên hôm qua.

HAI cũng tăng 2,92% lên 3.530 đồng, khớp 4,18 triệu đơn vị, AMD thậm chí tăng 6,2% lên 4.280 đồng, sát mức cao nhất ngày, khớp hơn 6 triệu đơn vị, tăng mạnh so với phiên hôm qua.

Các cổ phiếu khác trong nhóm vừa và nhỏ có sự phân hóa, nhưng mức biến động giá không quá mạnh.

Ngoài ra, còn phải kể đến BCG hôm nay cũng đi ngược sóng thị trường với mức tăng 3,1% lên 11.650 đồng, thanh khoản hơn 0,8 triệu đơn vị.

Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,15 điểm (+0,05%), lên 296,84 điểm với 97 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,6 triệu đơn vị, giá trị 2.006,7 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 148,7 tỷ đồng.

Việc HNX-Index thoát phiên giảm điểm nhờ SHB nới rộng đà tăng, trong khi THD vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Theo đó, THD tăng nhẹ 0,2% lên 203.800 đồng, thanh khoản đạt 690.900 đơn vị, còn SHB tăng 2,47% lên 24.900 đồng, khớp hơn 17,2 triệu đơn vị, nhưng đây là mức thấp nhất hơn 2 tuần.

Ngoài ra, cũng chỉ có thêm NTP, PAN, CDC, PTI tăng giá, hỗ trợ cho chỉ số chung, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, mã giảm mạnh nhất là MBS mất 5% xuống 28.500 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị. Các mã SHS giảm 2,5% xuống 38.700 đồng, khớp 6 triệu đơn vị, VND giảm 2% xuống 38.900 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị, BVS giảm 2,9% xuống 26.500 đồng…

Mã có thanh khoản tốt thứ 2 sàn là PVS giảm 1,6% xuống 25.300 đồng, khớp gần 10,9 triệu đơn vị. Hai mã ngân hàng khác là NVB và BAB vận động trái chiều với SHB khi đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó BAB giảm nhẹ 0,4% xuống 22.800 đồng, còn NVB giảm 3,6% xuống 18.500 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, 2 cổ phiếu họ FLC trên sàn này bắt theo nhịp của họ hàng trên HOSE cũng nổi sóng trở lại, nhưng lực cầu vẫn chưa đủ để giữ lại sắc tím. Chốt phiên, KLF tăng 5,1% lên 4.100 đồng, khớp 8,1 triệu đơn vị, còn ART tăng 8,1% lên 9.300 đồng, khớp 6,1 triệu đơn vị, đi ngược lại nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,8 điểm (-0,93%), xuống 84,56 điểm với 144 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,7 triệu đơn vị, giá trị 938 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,2 triệu đơn vị, giá trị 207,6 tỷ đồng.

BSR nới rộng đà tăng so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,7% lên 17.600 đồng, thanh khoản cũng gần bằng phiên sáng, nâng tổng khối lượng giao dịch cả ngày lên gần 11,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, ABB lại nới rộng đà giảm khi đóng cửa ở mức 20.700 đồng, giảm 4,6% với thanh khoản 3,1 triệu đơn vị. Một mã ngân hàng đáng chú ý khác là BVB cũng giảm mạnh 3,2% xuống 18.200 đồng, thanh khoản 2,17 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VGT vẫn duy trì sắc xanh, nới rộng đà tăng so với phiên sáng khi tăng 2,6% lên 16.000 đồng, thanh khoản đạt hơn 3 triệu đơn vị. SBS cũng có được sắc xanh khi chốt phiên với mức tăng 2,5% lên 12.500 đồng, thanh khoản 1,77 triệu đơn vị. Hai mã chứng khoán khác cũng đóng cửa tăng giá và có giao dịch tốt, trên 1 triệu đơn vị hôm nay là AAS và ORS với mức tăng 2,5% và 1,4%.

Mã có tác động tích cực nhất tới UPCoM-Index là ACV đóng cửa tăng 3,2% lên 75.000 đồng, mức cao nhất ngày, nhưng thanh khoản thấp, chưa tới 100.000 đơn vị. Trong khi đó, mã có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số là MCH đóng cửa giảm 3,6% xuống 114.000 đồng, thanh khoản chỉ 3.100 đơn vị.

Chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cũng đồng loạt giảm mạnh (ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 9 giảm nhẹ) như chứng khoán cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 2,12% xuống 1.410,3 điểm với 6 mã tăng, trong khi có 22 mã giảm và 2 mã đứng giá. Hợp đồng đáo hạn ngày mai (15/7) giảm 2,62% xuống 1.409 điểm với 320.253 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 32.282 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, cũng giống như thị trường cơ sở, sắc đỏ chiếm thế áp đảo với chỉ 11 mã tăng đều do MBS và KIS phát hành, trong khi có tới 32 mã giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là CPNJ2102 do VCSC phát hành với mức giảm 22,6% xuống 3.900 đồng, thanh khoản đạt 124.700 đơn vị. Ở chiều ngược lại, mã tăng mạnh nhất là CVIC2101 do KIS phát hành, nhưng cũng chỉ tăng 8,8% lên 1.490 đồng, thanh khoản đạt 57.000 đơn vị. Về thanh khoản, 2 mã có thanh khoản tốt nhất đều là chứng quyền của 2 mã ngân hàng TCB và STB đều do HSC phát hành với khối lượng trên dưới 500.000 đơn vị là CTCB2103 và CSTB2103.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục