Giao dịch chứng khoán phiên chiều 12/4: Dấu hiệu call margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà bán tháo ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã lan rộng ra cả thị trường khiến VN-Index lao dốc phiên thứ 3 ba liên tiếp. Thậm chí, phiên hôm nay tình trạng còn tồi tệ hơn khi có tới 850 mã giảm trên toàn thị trường, với gần 100 mã giảm sàn.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 12/4: Dấu hiệu call margin

Thị trường bất ngờ bật lên ngay sau giờ nghỉ trưa, khi một số bluechip thu hẹp đáng kể đà giảm, thậm chí một số còn trồi lên trên tham chiếu, giúp VN-Index tăng 13 điểm từ mức đáy lên 1.475 điểm, và VN30-Index còn chạm tham chiếu.

Dù vậy, nhịp kéo trụ này dường như đã không thành, khi không kích thích được lực cầu tham gia, nên bên nắm giữ cổ phiếu đã mất kiên nhẫn. Lệnh bán ra ngày một lớn hơn, trong khi bên nắm giữ tiền mặt không dám mạo hiểm.

Tình hình một lúc một tệ khi "cú test" tăng điểm bất thành, lệnh bán tháo ồ ạt diễn ra ở các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao, sau đó lây lan sang cả các nhóm bluechip, kéo VN-Index lao dốc mạnh trở lại. Thêm cú bồi nữa trong đợt ATC với lượng khớp lên tới 45 triệu đơn vị, đẩy VN-Index xuống mức thấp nhất ngày khi đóng cửa, ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp, lùi về thử thách vùng đáy cũ 1.420 - 1.440 điểm.

Lệnh bán ra trong phiên chiều nay ở các mã có tính đầu cơ cao có dấu hiệu của call margin.

Chốt phiên số mã giảm trên HOSE lên tới trên 400, không ít trong số đó là các mã vừa và nhỏ lao về mức giá sàn, đặc biệt chiếm phần lớn là bất động sản, xây dựng. Với diễn biến xấu thêm trong phiên hôm nay, nhóm này khó có khả năng có được nhịp hồi sớm vì lực bắt đáy thậm chí chưa xuất hiện khi một loạt cổ phiếu rơi vào tình trạng "múa bên trăng".

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang đi về vùng hỗ trợ mạnh ở khu vực 1.440 điểm (+/-), đây là khu vực khả năng sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, còn với nhóm cổ phiếu lớn thì khả dĩ hơn khi VN30-Index sau khi xuyên thủng đường MA20 tại khu vực 1.507 điểm đã được kéo lên và kết thúc phiên nằm trên đường này, xu hướng tăng vẫn chưa kết thúc.

Điểm tích cực là lực bán ra có dấu hiệu tiếp tục suy yếu khi thanh khoản toàn thị trường giảm, đặc biệt là các mã lớn thuộc nhóm trụ gồm ngân hàng, chứng khoán và thép đa số không quá tiêu cực. Đây là cơ sở kỳ vọng nhóm trụ sẽ sớm phục hồi tốt, có thể ngay trong phiên ngày mai.

Đóng cửa, sàn HOSE có 67 mã tăng và 409 mã giảm (63 mã giảm sàn), VN-Index giảm 26,75 điểm (-1,80%), xuống 1.455,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 680 triệu đơn vị, giá trị 21.282,1 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,8 triệu đơn vị, giá trị 1.130,8 tỷ đồng.

Các bluechip chỉ còn 4 mã tăng là MWG +1,8%, MSN +1,3%, FPT +1,2%, VPB hạ độ cao, chỉ còn +0,5% lên 39.000 đồng, với khối lượng khớp lệnh phiên này cao nhất nhóm và dẫn đầu HOSE với 25,2 triệu đơn vị.

Còn lại 26 mã trong rổ VN30 đều giảm, với đa số nới rộng đà giảm so với cuối phiên sáng, trong đó, BVH giảm sâu nhất -5,5% xuống 60.000 đồng, trong khi VHM là gánh nặng lớn nhất khi tác động gần 2,2 điểm tiêu cực đến VN-Index với mức giảm 2,8% xuống 73.000 đồng.

Các mã khác như GVR -5,3% xuống 33.000 đồng, TPB -5,3% xuống 38.050 đồng, POW -3,7% xuống 15.600 đồng, BID -3,5% xuống 40.450 đồng, VRE -3,4% xuống 31.100 đồng, CTG -3,3% xuống 31.000 đồng, MBB -2,9% 32.250 đồng.

Các cổ phiếu SSI, PLX, HPG đều mất 2,8%, các cổ phiếu PDR, GAS, ACB KDH, HDB, TCB, PNJ giảm từ 1,1% đến 1,8%, còn lại giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nằm sàn la liệt, chủ yếu là các mã bất động sản, xây dựng với nhóm FLC, ROS, AMD, HAI cùng HQC, DXG, SCR, DLG, KSB, NBB, CTD, LGL, TGG, PXI, HQC, CII, DIG, HAR, HDC…và ở các nhóm ngành khác là JVC, VOS, DQC, NKG, SKG, HAX, YEG, FTS, VIP, ASP, HAG… Trong đó, HQC và HAG khớp lệnh chỉ đứng sau VPB trên sàn với 23,94 triệu và 23 triệu đơn vị.

Chỉ cách giá sàn không xa là SHB -5% xuống 19.000 đồng, TTF -5,1% xuống 14.000 đồng, HHS -5,4% xuống 9.700 đồng, TLD -5,6% xuống 9.860 đồng, VND -6% xuống 33.000 đồng, PTC -6,3% xuống 40.500 đồng, HTN -6,3% xuống 49.100 đồng, HCM -6,4% xuống 32.300 đồng, TLH -6,7% xuống 17.500 đồng, PC1 -6,7% xuống 41.050 đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác như GEX, STB, ITA, BCG, APH, HSG, LCG, TSC, AAA, FIT, TCH…cũng đều chìm trong sắc đỏ, với mức giảm phần lớn trên dưới 3%, khớp từ 4,94 triệu đến hơn 14 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu le lói sắc xanh như VIX, FCN, KBC, DPM, SSB, khớp từ 2 triệu đến 5,6 triệu đơn vị.

Cặp đôi ASM-IDI phiên này gần như là điểm sáng duy nhất, với ASM có thời điểm tăng trần, trước khi kết phiên +3,7% lên 22.600 đồng, trong khi IDI giữ vững sắc tím +6,9% lên 26.500 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị.

Ngoài ra là CMX và ACL, khi cũng có giá trần tại 22.750 đồng và 24.350 đồng, với CMX khớp 2,22 triệu đơn vị, ACL khớp 0,22 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng bật lên sau giờ nghỉ trưa, nhưng diễn biến sau đó cũng giống VN-Index, khi đổ đèo dần và lùi về mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 49 mã tăng và 192 mã giảm (32 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 11,01 điểm (-2,55%), xuống 421,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92,82 triệu đơn vị, giá trị 2.528,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,62 triệu đơn vị, giá trị 56,9 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu như PVS, KLF, ART, BII, KVC, PVL, TVD, DVG, NBC, DST HHG, TC6…đã giảm về mức giá sàn.

Các cổ phiếu CEO -9,4% xuống 54.000 đồng, TAR -9% xuống 31.300 đồng, APS -7,7% xuống 26.300 đồng, IDJ -7,6% xuống 25.500 đồng…

May mắn nhất có lẽ là SHS, khi tránh được đà giảm sâu, chỉ mất 1% xuống 38.000 đồng.

Một vài cổ phiếu tăng là IDC +0,3% lên 65.100 đồng, TNG +0,5% lên 37.100 đồng, NVB +0,3% lên 39.300 đồng.

Thanh khoản phiên này PVS cao nhất với 9,6 triệu đơn vị khớp lệnh, SHS khớp 9,32 triệu đơn vị, KLF khớp 6,6 triệu đơn vị, IDC khớp 5,72 triệu đơn vị…

Trên UpcoM, không khác hai chỉ số chính, UpCoM-Index cũng nhích nhẹ sau giờ nghỉ trưa và lùi dần và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày.

Bảng điện tử ngập sắc đỏ, với BSR, C4G, VGT, OIL, SBS, DDV, BOT giảm trên dưới 5%, PFL -11,9% xuống 8.900 đồng, VHG -10% xuống 8.100 đồng, G36 -8% xuống 18.300 đồng…

Trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 7,46 triệu đơn vị VHG khớp 5,91 triệu đơn vị, ABB khớp 4,27 triệu đơn vị, C4G khớp 3,85 triệu đơn vị…

Đóng cửa, thị trường UpCoM có 89 mã tăng và 258 mã giảm, UpCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,15%), xuống 112,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,2 triệu đơn vị, giá trị 1.242,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,32 triệu đơn vị, giá trị 17,9 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 14,5 điểm (-0,95%), xuống 1.509,4 điểm, khớp lệnh hơn 167.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, dù sắc đỏ bao phủ phần lớn, nhưng điểm sáng lại thuộc về 2 mã thanh khoản cao nhất là CFPT2202 với mức tăng 7,1% lên 2.700 đồng/cq, khớp 1,29 triệu đơn vị.

Còn lại là CVIC2202, khi tăng hết biên độ +38% lên 1.280 đồng/cq, khớp lệnh hơn 1,01 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục