Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/1: Nhóm xây dựng, đầu tư công bất ngờ nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường dù giao dịch vẫn rất ảm đạm và nhàm chán, nhưng đà tăng mạnh mẽ của một vài cái tên ở nhóm xây dựng, đầu tư công đã phần nào giúp nhà đầu tư ở lại theo dõi bảng điện tử lâu hơn.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/1: Nhóm xây dựng, đầu tư công bất ngờ nổi sóng

Sau phiên sáng giảm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với bảng điện tử cân bằng hơn, áp lực kéo xả diễn ra liên tục khiến VN-Index giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và kéo dài cho đến khi kết phiên.

Như vậy thị trường đã có tròn một tuần VN-Index đi ngang sau khi phục hồi từ ngưỡng dưới 1.000 điểm trong từ cuối tháng 12/2022. Trong những giai đoạn thế này, việc đoán định xu hướng tiếp theo không dễ đặc biệt khi thanh khoản đã có thắt. Tuy nhiên có thể thấy rằng rủi ro chung của toàn thị trường đã giảm xuống mức thấp dù các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa tiếp tục trong thời gian tới.

Thông tin có thể tác động đến thị trường tiếp theo có lẽ nhà đầu tư cần phải chờ sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vì quãng thời gian trước Tết như đa số các năm ít có những đột biến mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 210 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index giảm 0,86 điểm (-0,08%), xuống 1.053,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 546,2 triệu đơn vị, giá trị 9.710,7 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 122,8 triệu đơn vị, giá trị 2.544,5 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có hơn 22,32 triệu cổ phiếu EIB, trị giá 607,6 tỷ đồng và hơn 38 triệu cổ phiếu LPB, trị giá hơn 544 tỷ đồng.

Các bluechip giao dịch mờ nhạt và phân hóa cao, với rổ VN30 có 13 mã tăng, 11 mã giảm, cùng các cổ phiếu VRE, VIB, TPB, PDR, HDB, GVR đứng tham chiếu.

Trong đó, ở các mã tăng, nổi trội hơn hẳn chỉ còn PLX +3,8% lên 36.850 đồng, ở phía sau, ACB nhích 1,5%, STB tăng 1,2%, HPG tăng 1%, BID tăng 0,7%...

Trái lại, không cổ phiếu nào giảm quá sâu, với CTG và SAB là hai mã kém tích cực nhất cũng chỉ mất 1,9%, MSN -1,1%, TCB -1,1%, VHM -0,9%...

Giao dịch đáng kể nhất ở HPG với khối lượng khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường với hơn 26,85 triệu đơn vị, theo sau là STB với 14,76 triệu đơn vị, VPB khớp 13,4 triệu đơn vị, SSI khớp 11,62 triệu đơn vị, NVL khớp 8,57 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu xây dựng, đầu tư công đã đồng loạt tăng, với cổ phiếu VCG, HHV, LCG, FCN và nguyên vật liệu KSB, HT1, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, CTI +5% lên 13.750 đồng, CTD +4,6% lên 35.350 đồng, HBC +3,9% lên 8.900 đồng, VNE +3,8% lên 9.600 đồng, C47 +3,3% lên 8.500 đồng, TCD +3,3% lên 6.210 đồng, CII +2,6% lên 14.000 đồng.

Trong đó, cổ phiếu VCG vươn lên với thanh khoản đứng thứ hai trên sàn khi khớp hơn 15,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 19.350 đồng hơn 1,14 triệu đơn vị, HHV khớp hơn 7,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,85 triệu đơn vị, LCG khớp 6,93 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị, FCN khớp 5,63 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,61 triệu đơn vị...

Một số cổ phiếu bất động sản cũng bay cao như DRH, HPX, LGL khi cũng đóng cửa ở mức giá trần, KHG +4,3% lên 4.380 đồng, NHA +3,1% lên 11.700 đồng, TDH +3% lên 2.780 đồng, HAR +2,9% lên 3.860 đồng…

Nhóm cổ phiếu thép cũng hồi phục khá, ngoài HPG đảo chiều nêu trên thì NKG +3,1% lên 13.500 đồng, khớp hơn 9 triệu đơn vị, HSG +2,8% lên 12.850 đồng, khớp 13,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cũng như phiên sáng khi không nhiều cổ phiếu giảm sâu. Sắc đỏ khác còn tại các cổ phiếu thanh khoản cao như ANV, ITA, LDG, KBC, HQC, DGC, PC1, DXG, VIX, khớp từ 1,46 triệu đến hơn 6,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng từ sắc đỏ leo lên trên tham chiếu và duy trì sắc xanh cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 90 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,46%), lên 210,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,3 triệu đơn vị, giá trị 632,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,69 triệu đơn vị, giá trị 260,8 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nổi bật là NRC và BCC, khi đều tăng trần lên 4.800 đồng và 10.700 đồng, khớp lệnh lần lượt 3,05 triệu và 1,28 triệu đơn vị.

Còn tăng điểm khác có L14 +6,4% lên 53.400 đồng, PLC +6,1% lên 26.200 đồng, IPA +4,9% lên 12.900 đồng, CEO +4,7% lên 20.200 đồng, TVC +4,4% lên 4.700 đồng, các mã MBS, PVC, HUT, VGS tăng từ hơn 2% đến hơn 3%...

Các cổ phiếu SHS, PVS, MST, BII, PVL, TIG, MBG đứng tham chiếu, trong đó, SHS phiên này thanh khoản cao nhất sàn với 10,43 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gần như chỉ đi ngang quanh vùng giá thấp cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,34%), xuống 72,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,84 triệu đơn vị, giá trị 302,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,82 triệu đơn vị, giá trị 78,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nổi bật có GPC, khi giữ vững giá trần +14,8% lên 10.100 đồng, khớp 0,32 triệu đơn vị và NHV giảm sàn -15% xuống 11.900 đồng, khớp 0,89 triệu đơn vị.

Phần còn lại, BSR, AFX, VGI, QTP, TCI, BVB chìm trong sắc đỏ, với BSR -0,7% xuống 14.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với gần 7 triệu đơn vị.

Tăng mạnh đáng kể có C4G +6,6% lên 11.300 đồng, khớp 5,76 triệu đơn vị, G36 +6,2% lên 6.900 đồng, PFL +7,1% lên 3.000 đồng và MSR +5,2% lên 12.100 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều nhích nhẹ, với VN30F2301 đáo hạn gần nhất tăng 3 điểm, tương đương +0,28% lên 1.056,6 điểm, khớp lệnh hơn 290.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phần lớn các mã thanh khoản cao đều tăng, ngoại trừ CHPG2221 đứng tham chiếu tại 110 đồng/cq, khớp lệnh cao nhất với 2,46 triệu đơn vị.

Các mã CTSB2215 khớp 1,4 triệu đơn vị, tăng 4,3% lên 980 đồng/cq, CSTB2218 khớp 1,18 triệu đơn vị, tăng 11,4% lên 390 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục