Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/1: Cái bẫy FOMO và kỷ lục của FLC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO-Fear of missing out) khiến dòng tiền đổ vào các mã tăng với biên độ 7%/ngày thêm một lớn thời gian qua, thoát kịp sẽ thành công và ngược lại rủi ro tương ứng với cơ hội.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/1: Cái bẫy FOMO và kỷ lục của FLC

FLC hôm nay là điểm nhấn cần phải kể đến, nhưng trước khi nhắc đến cổ phiếu này thì phải nhắc tới vụ HOSE treo bảng, thời gian không dài, chỉ số vẫn nhảy nhưng giá cổ phiếu không theo kịp và nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay với diễn biến này. “Rút phích” lại một lần nữa là từ khóa được nhắc tới ở nhiều diễn đàn chứng khoán.

Với FLC, cổ phiếu này hôm nay lập kỷ lục cho lịch sử giao dịch của mình, hơn 134 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 20% tổng số cổ phiếu lưu hành (710 triệu cổ phiếu) đã được sang tay trong chỉ một ngày. Giá cổ phiếu từ mức trần 24.100 đồng/CP, có thời điểm đã về giá sàn 21.000 đồng/CP, tức là mất tới 14% thị giá cũng trong chỉ 1 phiên.

Câu chuyện chuyển trần về sàn như của FLC trên thị trường chứng khoán Việt Nam không hiếm, việc giao dịch một phiên chiếm gần 20% tổng giá trị cổ phiếu lưu hành cũng không hiếm, cái đáng nhắc nhất chính là kỷ lục về khối lượng cổ phiếu tạo ra. Không chỉ kỷ lục với FLC mà kỷ lục với toàn thị trường tính riêng cho 1 cổ phiếu. Nếu theo kịp FLC có lẽ cũng chỉ là ROS – một cổ phiếu cũng trong nhóm FLC, phiên 16/4/2021, thanh khoản đạt hơn 101 triệu cổ phiếu trao tay.

Những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu FLC giá trần ngày hôm nay có thể phải lo lắng, khối lượng kỷ lục, giá giảm gần hết biên độ là biểu hiện rõ ràng của một phiên phân phối đỉnh. Mở rộng ra thì cả cặp ROS-FLC đều có diễn biến khá tương tự, trong nhóm cổ phiếu này chỉ còn AMD và HAI vẫn còn giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Nếu thực sự là phiên phân phối thì diễn biến các phiên tiếp tới của nhóm cổ phiếu này và riêng FLC sẽ rất “khốc liệt” bởi lượng cổ phiếu nhà đầu tư mua vào 3 phiên gần nhất kể cả phiên hôm nay (cổ phiếu chưa về tài khoản) rất lớn, lên tới con số 200 triệu.

Nhìn rộng ra toàn thị trường, trong 2 tháng vừa qua, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hút dòng tiền rất mạnh, tập trung vào nhóm bất động sản và xây dựng. Ngoài lý do tích cực là gói đầu tư công thì còn có hiệu ứng FOMO, giá cổ phiếu tăng liên tục, nhiều mã phiên nào cũng tím đã khiến những nhà đầu tư đứng ngoài hoặc đang nắm các mã lớn cũng sốt ruột đảo hàng, mua vào.

Cảnh báo rủi ro là có, nhưng như đề cập ở bản tin sáng, ai cũng biết “tiệc vui” nào phải kết thúc, nhưng tâm lý tin vào khả năng mình thoát kịp vẫn chi phối nên dòng tiền không ngừng hút vào nhóm này.

Câu chuyện của FLC phiên chiều nay là một lời cảnh báo nữa, chỉ cần một “giấc mơ trưa” trôi qua, giá cổ phiếu có thể rơi ngoài sức tưởng tượng. Cái bẫy khi sập xuống, có thể rất nhanh.

Nói như vậy cũng chỉ để là nhắc lại nguyên tắc đầu tư đó là quản trị tài chính phải đặt lên trên hết, thay vì “all in” những cuộc phiêu lưu, dù đây là hương vị rất hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Câu chuyện của FLC hay ROS, biết đâu đấy ngày mai giá cổ phiếu lại rực rỡ, huy hoàng như đã từng tăng từ mốc 6.000 đồng/CP đúng một năm trước lên chinh phục các ngưỡng cao hơn!

Mở rộng ra với toàn bộ thị trường, ngày hôm nay, nhiều mã cũng có những biểu hiện xấu hơn so với thị trường chung. Nhóm đạm, với 2 đại diện là DCM và DPM cũng tạo ra những mẫu hình giảm giá điển hình sau khi đồ thị hình thành mẫu hình 3 đỉnh. DCM đã về giá sàn khi chốt phiên và DPM cũng ở mức sát giá sàn.

Nhiều mã tăng nóng thời gian qua cũng chung số phận, CII, VCG, HBC, LDG, LCG, POW… tất cả đều dư bán giá sàn với khối lượng không nhỏ.

Toàn thị trường, phiên giảm điểm hôm nay là khá đáng ngại với thanh khoản cao và điểm số VN-Index mất đi khá lớn. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thị trường chưa quá xấu, VN-Index đang được hỗ trợ ở vùng đỉnh cũ 1.500 điểm, đường giá MA20 chưa bị vi phạm. Nhóm mã lớn, VN30-Index đã xuyên qua đường MA20, nhưng đang nằm ở trên vùng hỗ trợ cứng 1.505 (+/-), nên đà rơi có thể sẽ không còn quá mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 141 mã tăng và 308 mã giảm, VN-Index giảm 24,77 điểm (-1,62%) xuống 1.503,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.381 triệu đơn vị, giá trị hơn 41.813 tỷ đồng, tăng 34,47% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 7/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,15 triệu đơn vị, giá trị 3.027,82 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng nhẹ trên dưới 0,5% gồm VRE, PDR, CTG và VIC; cùng VHM và VJC đứng giá tham chiếu, còn lại có tới 24 mã giảm điểm.

Trong đó, góp mặt vào nhóm cổ phiếu từng tăng nóng là POW cũng có màn cắm đầu vào cuối phiên khi để mất 6,9% và đóng cửa phiên giao dịch tại mức giá sàn 18.750 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng lần lượt giảm sâu và đều tìm về mức giá thấp nhất trong ngày như GAS giảm 5,1%, KDH giảm 4,4%, SSI giảm 4%, NVL giảm 2,9%, PLX giảm 2,3%, GVR giảm 2,1%, BVH giảm 1,6%...

Như đã nói ở trên, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đã chịu áp lực bán tháo về cuối phiên và đóng cửa tại mức giá sàn. Điển hình là ROS, LDG, CII, HBC, FLC….

Đặc biệt, như đã nói ở trên, cặp FLC và ROS là tâm điểm. Cụ thể, FLC sau khi chất trần khá lớn trong phiên sáng đã bị đạp mạnh trong phiên chiều và kết phiên giảm 6,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 21.150 đồng/CP, thanh khoản khủng với gần 134,96 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Trong khi ROS kết phiên giảm 6,9% xuống mức giá sàn 14.900 đồng/CP và khớp 56,46 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn có những mã “cầm cự” thành công như HQC, HNG, ITA, AMD, HAI giữ đà tăng nhẹ, đặc biệt là HAG, dù có chút rung lắc nhưng lực cầu mạnh đã giúp cổ phiếu này giữ được đà tăng trần. Kết phiên, HAG tăng 7% lên 15.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 62,24 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC về thanh khoản.

Xét về nhóm ngành, điểm nóng bất động sản và xây dựng tiếp tục gây chú ý trên thị trường nhưng với sắc thái trái ngược với phiên sáng. Hàng loạt mã lớn bé đua nhau đảo chiều giảm do áp lực bán chốt lời mạnh. Đáng kể như BCM lao thẳng xuống mức giá sàn khi để mất 6,89%, hay các mã khác như VCG, CII, LDG, HBC, LCG… đồng loạt nằm sàn. Ngoài ra, NLG cũng giảm sát sàn, các mã DIG, KBC, KDH, DXG cũng lần lượt để mất hơn 4-5%.

Mặt khác, vẫn có những mã trong ngành thể hiện sức mạnh khá tốt như BCG, sau phiên tăng trần cuối tuần trước, cổ phiếu này tiếp tục tăng 2,5% và kết phiên hôm nay đứng tại mức giá 26.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,08 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn duy nhất CTG nhích nhẹ khi tăng chưa tới 0,5%, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ với một số mã giảm sâu điển hình như SSB giảm 4%, SHB giảm 3,62%, EIB, OCB, MSB, HDB đều giảm hơn 2%, TCB giảm 1,62%...

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc đỏ cũng phủ kín khi không có mã nào giữ được mốc tham chiếu, đáng kể có CTS nằm sàn, các mã lớn hơn đều đứng ở mức giá thấp nhất trong ngày như SSI giảm 4% xuống 49.550 đồng/CP, HCM giảm 3,1% xuống 43.450 đồng/CP, VND giảm 3,5% xuống 77.200 đồng/CP, VCI giảm 5,7% xuống mức 68.000 đồng/CQ…

Nhóm cổ phiếu thép không mấy khả quan hơn khi chỉ còn HSG và SMC giữ mốc tham chiếu, còn HPG, NLG, TLH, POM vẫn điều chỉnh nhẹ và nhiều mã tiếp tục xác lập vùng đáy.

Trên sàn HNX, áp lực bán tháo cũng diễn ra trong phiên chiều khiến HNX-Index lao dốc và bốc hơi gần 11 điểm cùng thanh khoản lập mốc kỷ lục.

Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 155 mã giảm, HNX-Index giảm 10,95 điểm (-2,22%) xuống 482,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 185,62 triệu đơn vị, giá trị 5.231,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,5 triệu đơn vị, giá trị 137,75 tỷ đồng.

Ở nhóm HNX30, áp lực bán ồ ạt cùng xảy ra trong phiên chiều. Điển hình là cổ phiếu nóng CEO ghi nhận mức giảm 9,9% và kết phiên đứng tại mức giá sàn 83.300 đồng/CP.

Một số mã giảm sâu khác trong rổ này như LAS giảm 8,4%, VMC giảm 6,6%, các mã TNG, TVC, TAR, HUT đều giảm hơn 5%...

Một trong những mã lớn thuộc nhóm bất động sản cũng tác động chi phối tới chỉ số chung của thị trường là KSF khi giảm tới 9,8% và kết phiên sát mức giá sàn và cũng là mức giá thấp nhất ngày 81.200 đồng/CP.

Ngoài ra, mã lớn khác như THD giảm 1,7%, BAB cũng giảm hơn 1%, NVB giảm 2,1%...

Một số mã khác trong nhóm bất động sản và xây dựng cũng chịu áp lực bán ra nhưng vẫn may mắn giữ được đà tăng điểm, điển hình như IDC tăng 2,4%, L14 mất sắc tím và chỉ còn tăng 1,6%, LHC có thời điểm đảo chiều giảm và kết phiên tăng 1,8%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đều nới rộng đà giảm trong phiên chiều, như SHS giảm 4,7% xuống 49.100 đồng/CP, MBS giảm 4,5%, BVS giảm 4,1%, VIG giảm 1,1%, APS giảm 4%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên nhà FLC là KLF cũng để mất sắc tím và chỉ còn tăng 1,9%, kết phiên đứng tại mức giá 10.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 23 triệu đơn vị. Hay ART đảo chiều giảm 7,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 16.800 đồng/CP và khớp hơn 9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán mạnh cũng khiến thị trường đổ đèo và chỉ số UPCoM-Index cũng kết phiên ở mức giá thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,13 điểm ) xuống 114,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 141,5 triệu đơn vị, giá trị 2.899,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị 35,7 tỷ đồng.

Hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng không còn giữ được sức nóng, điển hình như VHG mất sắc tím và kết phiên tăng 5,7% lên mức 13.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với gần 24,5 triệu đơn vị khớp lệnh; thậm chí nhiều mã mất điểm như PAS giảm 8,5%, SBS giảm 3,9%, QTP giảm 2,5%, C4G và G36 cũng điều chỉnh...

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn gia tăng sức ép lên thị trường như BSR giảm 4,9%, OIL giảm 4,2%, VGT giảm 4,7%, MSR giảm 2,1%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ, với VN30F2201 giảm 26,5 điểm (-1,7%), xuống 1.513,1 điểm, khớp lệnh gần 103.770 đơn vị, khối lượng mở gần 27.640 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là CVHM2115 lại kết phiên tăng 3,3% lên mức 1.270 đồng/CQ và khớp 277.060 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục