Giao dịch chứng khoán: Khó “đánh” T+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đi ngang trong biên độ hẹp, nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” khó kiếm lãi hơn.
Thị trường đang trong trạng thái đi ngang, nhiều cổ phiếu “tiến một bước, lùi hai bước”. Thị trường đang trong trạng thái đi ngang, nhiều cổ phiếu “tiến một bước, lùi hai bước”.

Nhà đầu tư Anh Tuấn kể, ngày 7/3, anh mua vào cổ phiếu MSN ở mức giá 158.200 đồng/cổ phiếu khi thấy có nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này giảm mạnh và đến 22/3, anh phải thực hiện cắt lỗ ở mức giá 148.500 đồng/cổ phiếu.

Chị Hoài, một nhà đầu tư khác cho biết, ngày 17/3, chị quyết định mua VJC với mức giá 145.000 đồng/cổ phiếu khi cổ phiếu này có 2 phiên điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, đến ngày 23/3, chị cắt lỗ ở mức 141.000 đồng/cổ phiếu, vì nhận thấy khả năng tăng giá không như kỳ vọng.

“Tôi biết nếu cầm dài hạn, VJC vẫn có thể mang lại lợi nhuận, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi lựa chọn đánh nhanh thắng nhanh. Nếu không đạt kỳ vọng, tôi sẽ cắt lỗ để chuyển sang cổ phiếu khác tiềm năng hơn”, chị Hoài cho biết.

Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, hiện tại là giai đoạn khó kiếm tiền hơn trên thị trường chứng khoán, nhất là với các nhà đầu tư lướt sóng, bởi ngoại trừ một số cổ phiếu “có game”, còn lại ít có sóng, "cứ nhích một bước lại lùi hai bước”.

Thậm chí, có nhà đầu tư còn cho rằng, hiện đang là giai đoạn thị trường bước vào nhịp “xẻ thịt” nhà đầu tư, các cổ phiếu tăng giảm bất thường đi kèm với rủi ro lớn.

Trưởng nhóm phân tích một công ty chứng khoán nêu quan điểm, thị trường chứng khoán đã có 2 năm tăng trưởng mạnh, nên năm 2022 sẽ khó tránh được những điều chỉnh về kỹ thuật. Hiện tại, thị trường đang giao dịch ở vùng giá cao, dư địa tăng trưởng không còn nhiều, các nhà đầu tư rất dễ bị rơi vào tình trạng có lợi nhuận trong một vài phiên nhưng gặp điều chỉnh lớn và “lỗ hết phần lãi”, thậm chí lỗ nhiều hơn lãi.

“Tôi thấy lo lắng cho các nhà đầu tư cá nhân khi đang say mê quá. Theo quan sát của tôi, nhiều người giao dịch trên đỉnh nên chỉ thắng được một, hai nhịp nhưng khi xảy ra điều chỉnh thì rất dễ “dính đòn”, vị này nói.

Cũng giữ quan điểm cần cẩn trọng trong giai đoạn hiện tại, đại diện AIS Research cho rằng, thanh khoản của thị trường đang ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Với những diễn biến như hiện tại, VN-Index sẽ chủ yếu giao dịch quanh mốc 1.500 điểm, khả quan hơn thì có thể lên được tối đa ở mức 1.600 điểm, đồng nghĩa với cơ hội kiếm lời từ thị trường sẽ bị thu hẹp dần.

“Để an toàn hơn, nhà đầu tư cần tập trung vào cổ phiếu những nhóm ngành nghề được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, phục hồi kinh tế và chính sách tiền tệ. Cùng với đó, nên ưu tiên cho việc đầu tư trung, dài hạn thay vì lướt sóng”, chuyên gia của AIS Research khuyến nghị.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đang thực hiện chiến thuật lướt sóng cổ phiếu theo tin tức từ mùa đại hội và các nhà đầu tư nhóm này thường đánh theo T+. Tuy nhiên, cách đầu tư này cũng được cho là tiềm ẩn không ít rủi ro.

Anh Nguyễn Công, một nhà đầu tư Fn cho biết, anh từng có giai đoạn "đánh" T+ trong mùa đại hội, nhưng đó là thời điểm từ cách đây cả chục năm, khi mà việc tiếp cận thông tin doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

“Tôi cũng khá thành công với cách đánh này trong khoảng 2 năm, nhưng ngày đó cũng chủ yếu dựa vào tin nội gián, biết trước, đánh sớm và rút nhanh. Còn hiện tại, tôi cho rằng, cách đánh này có quá nhiều rủi ro”, anh Công nói.

Cùng chung quan điểm, anh Toàn, một nhà đầu tư cho hay, theo quan sát của anh, cơ bản thì mùa đại hội thường là thông tin tốt, kiểu như kết quả kinh doanh tăng trưởng, lợi nhuận tốt, chia cổ tức cao… nhưng những thông tin này gần như chỉ phản ánh lên giá cổ phiếu trong vài phiên, nếu nhà đầu tư vào ra không đúng thời điểm dễ bị lỗ.

Theo khuyến nghị từ chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán BSC, trong một thị trường chưa rõ xu hướng và sự phân hóa khá mạnh hiện tại, hoạt động giao dịch nhanh theo các phương pháp khác nhau đều có thể sử dụng, tuy nhiên, điều này cần dựa trên khẩu vị rủi ro và khả năng quản trị danh mục của mỗi nhà đầu tư.

Trong đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến nhóm ngành hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và gói phục hồi kinh tế (vật liệu xây dựng; xây lắp; bất động sản).

Ngoài ra, còn có các nhóm ngành hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine như dầu khí, phân bón, thép, logistics và cuối cùng là nhóm ngành hưởng lợi từ phục hồi kinh tế như ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục