Giao dịch chứng khoán chiều 9/8: Bùng nổ toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên sáng diễn biến thăm dò, phiên chiều nay (9/8) thị trường chứng khoán đã bùng nổ toàn diện với điểm số tăng mạnh, thanh khoản mức tốt và quan trọng hơn là dòng tiền lan tỏa toàn thị trường.
Giao dịch chứng khoán chiều 9/8: Bùng nổ toàn diện

Nếu có điều gì cần phải nói cho đợt phục hồi của thị trường chứng khoán đang bước sang tuần thứ ba này thì đó chính là sự đồng thuận của cả thị trường.

Trong nửa đầu năm, dòng "bank, chứng, thép" giữ vai trò kéo cả thị trường đi lên lập mốc kỷ lục mọi thời đại cho VN-Index ở ngưỡng 1.420 điểm, thì lần này, từ vùng 1.250 điểm chỉ số phục hồi với một diện mạo khác khi tăng điểm 10/11 phiên với dòng tiền lan tỏa và luân chuyển khá đều giữa các mã, các nhóm ngành khác nhau. Y tế có, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng có, bất động sản, phân bón, cảng biển,... và cả nhóm trụ trước đây cũng tham gia nhịp phục hồi này. Trong đó, ngân hàng và thép có chút chậm hơn nhưng dòng cổ phiếu chứng khoán thì đã vượt đỉnh cũ của mình.

Nếu như trong nửa đầu năm, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép, đâu đó có thêm nhóm ngành dầu khí tăng giá mạnh thì dường như đó là sự tất yếu vì các nhóm ngành này được coi là ít chịu ảnh hưởng bởi dịch, thậm chí hưởng lợi từ diễn biến giá thị trường quốc tế do nguồn cung đứt gãy và nhiều nền kinh tế phục hồi sau thời gian phong tỏa, thì sự kiến giải cho thị trường đang phục hồi hiện tại cũng đang theo một cách tương tự.

Cảng biển và vận tải biển đương nhiên được nhắc tới, phân bón hưởng lợi nhờ áp dụng chính sách hoàn thuế VAT, bất động sản sẽ có độ bật rất mạnh sau khi bị nén bởi dịch,... Các lý do đều hợp lý, và nếu ở mã nào đó có thể hợp lý thì việc giá cổ phiếu tăng là... sự thật.

Thị trường chứng khoán là như vậy, cổ phiếu tăng luôn có một lý do gì đó và sự nghi ngờ có thể khiến nhà đầu tư mất đi những cơ hội vào hàng tốt nhất.

Nhìn một cách tổng thể, phiên thăng hoa ngày hôm nay có thể mang lại rất nhiều cảm xúc vì trước khi giao dịch diễn ra, đa số các phân tích đều thiên về việc thị trường cần có một nhịp điều chỉnh 1-2 phiên trước khi tìm lại đà tăng. Nhưng cũng cần nhớ rằng, thị trường vẫn đang trong nhịp phục hồi để tìm về đỉnh cũ, những ngưỡng cản mạnh vẫn còn đó mà trước mắt là ở vùng 1.380 điểm với VN-Index, tiếp đến là ngưỡng tâm lý 1.400 điểm hay cao hơn là đỉnh mọi thời đại của thị trường.

Các ngưỡng cản này cũng rất gần rồi, đồng nghĩa với việc rủi ro trở nên lớn hơn. Câu hỏi là liệu thị trường có đủ động lực để vượt lên không?

Câu trả lời có thể nằm ở ngay phiên hôm nay, như đề cập trong bản tin sáng, nhịp phục hồi của thị trường quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư không kịp mua vào nên buộc phải mua bất cứ khi nào thị trường có nhịp điều chỉnh. Trong phiên sáng nay là ví dụ khi thị trường không thể giảm sâu.

Nhưng lượng nhà đầu tư vào kịp phiên sáng nay ở giá đỏ không hẳn đã nhiều, điều này khiến lực mua phải đổ vào mua đuổi. Các mã chưa tăng giai đoạn trước hoặc trong nhịp phục hồi này đều nhận được dòng tiền tốt dù chưa lớn. Nhìn danh mục các cổ phiếu tăng trần hôm nay trên HOSE có tới 31 mã, nhưng chỉ có vài mã có thị giá trên 30.000 đồng/CP, còn hầu hết là từ 10.000-30.000 đồng/CP.

Rất khó lý giải về điều này, nhưng như đề cập phía trên, đó là sự thật.

Khi tất cả các cổ phiếu đều tăng, tạo một cảm giác an toàn khi "mua là thắng", và nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường thì VN-Index vượt đỉnh cũ có khi chỉ tính bằng tuần. Nhưng khi tất cả đều tăng thì nếu có một đợt giảm sâu, thị trường cũng sẽ rớt rất sâu.

Chốt phiên, sàn HOSE có 271 mã tăng và 97 mã giảm, VN-Index tăng 18,41 điểm (+1,37%) lên 1.359,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 687,92 triệu đơn vị, giá trị 22.605,28 tỷ đồng, giảm 6,53% về khối lượng nhưng nhích nhẹ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 6/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,68 triệu đơn vị, giá trị 2.010,24 tỷ đồng.

Nếu trong phiên giao dịch sáng, sự khởi sắc của nhiều nhóm ngành như chứng khoán, hóa chất – phân bón, vận tải biển chỉ đủ để giúp thị trường khởi sắc trở lại, thì trong phiên chiều, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu VN30 đã bù lấp được khoảng trống trong phiên sáng giúp VN-Index tăng vọt và có thời điểm chạm mốc 1.360 điểm.

Trong nhóm VN30 chỉ còn 3 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là NVL, SAB và VIC, trong đó SAB và VIC chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,1%, còn NVL giảm 1,4% xuống mức thấp nhất ngày 106.000 đồng/CP.

Còn lại, các cổ phiếu khác trong nhóm đều khởi sắc. Trong đó, dòng bank đã đóng góp khá tích cực vào chỉ số chung của thị trường khi đồng loạt đều đảo chiều thành công, với các mã lớn như BID, CTG, TCB, TPB, STB, HDB đều tăng hơn 1%, ACB là mã tăng tốt nhất của ngành trên sàn HOSE khi ghi nhận mức tăng 2,7%, đóng cửa đứng tại 36.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán vẫn là dấu hiệu cho thấy thị trường đang “khỏe” lên khi sắc xanh ngày càng được tô đậm hơn. Đặc biệt, cổ phiếu SSI có thời điểm áp sát mức giá trần và kết phiên vẫn giữ mức tăng tốt 5,1% lên 59.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 22,82 triệu đơn vị; HCM cũng tăng 5,1% lên mức 51.800 đồng/CP, VCI tăng 4,8% lên 57.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu phân bón với DCM và DPM cùng kết phiên trong trạng thái trắng bên mua và thanh khoản sôi động với hơn 8 triệu đơn vị được khớp lệnh; các mã khác như PSW, PMB và LAS cũng đua nhau khoe sắc tím.

Nhóm cảng biển cũng tỏ ra không thua kém khi đồng loạt HAH, STG, VOS, VNL đều tăng kịch trần, SFI áp sát mức giá trần khi tăng 6,8%, TCL tăng 4,8% lên 39.600 đồng/CP, còn TMS, GMD cũng tăng hơn 1%.

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó, các mã HPG, HSG, NKG cũng đồng loạt tăng hơn 2%; các mã bất động sản như ASM và LCG cùng tăng trần, DIG tăng 6%, KBC, SCR, IJC, TDH, NLG, KDH… tăng trên dưới 2%.

Ở nhóm cổ phiếu VN30, cổ phiếu có màn đảo chiều tăng ngoạn mục và tạo điểm nhấn cho thị trường chính là MSN. Sau diễn biến rung lắc và có được sắc xanh trong phiên chiều, cổ phiếu MSN đã bứt tốc và ghi nhận mức tăng vọt với biên độ tăng chỉ thua SSI trong nhóm cổ phiếu này. Kết phiên, MSN tăng 4,8% lên mức cao nhất ngày 141.000 đồng/CP và khớp 1,53 triệu đơn vị, đây cũng là một trong những trụ cột hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.

Trên sàn HNX, đà tăng cũng được nới rộng hơn trong phiên chiều khi thanh khoản vượt con số kỷ lục trong khoảng 1,5 tháng vừa được thiết lập vào phiên cuối tuần trước ngày 6/8.

Đóng cửa, sàn HNX có 128 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 5,22 điểm (+1,6%) lên 330,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 136,7 triệu đơn vị, giá trị 3.396,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 34,98 triệu đơn vị, giá trị gần 1.080 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là 29,86 triệu cổ phiếu SHB, trị giá 952,68 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nới rộng đà tăng như VND, ART, BVS tăng hơn 3%; SHS, MBS, BSI tăng hơn 5-6%... Trong đó, VND và SHS vẫn là những mã giao dịch sôi động nằm trong top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX, đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch khởi sắc hơn như SHB hồi phục sắc xanh nhạt, PAN tăng 3,6% lên 28.800 đồng/CP, IDC tăng 5% lên 35.800 đồng/CP, VCS tăng 2,4% lên 122.900 đồng/CP…

Các cổ phiếu trong nhóm cảng biển trên sàn HNX như DXP, PHP hay phân bón như LAS, PMB cũng đều khoe sắc tím.

Trái lại, trong nhóm HNX30 chỉ có một số mã như CAP, LHC, NTP, PVC, PVS, VMC đứng giá tham chiếu và duy nhất KLF giảm 2,4% xuống mức 4.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,11 điểm (+1,25%), lên 89,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,67 triệu đơn vị, giá trị 1.407,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,37 triệu đơn vị, giá trị 36,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn chưa thoát khỏi trạng thái đỏ khi kết phiên giảm 1,5% xuống mức 19.400 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường đạt 17,34 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu SBS bất ngờ có phiên giao dịch khởi sắc với thanh khoản vượt trội. Kết phiên, SBS tăng 4,6% lên mức 13.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 7,15 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác trên UPCoM như VGT tăng 1,7% lên mức 17.900 đồng/CP và khớp 4,16 triệu đơn vị; HHV tăng 5,4% lên 19.500 đồng/CP và khớp 3,94 triệu đơn vị; DDV tăng 4,4% lên 16.700 đồng/CP và khớp 3,55 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều tăng, với VN30F2108 tăng 27,6 điểm, tương ứng tăng 1,9% lên 1.500,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 197.790 đơn vị, khối lượng mở 36.570 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã phân hóa, trong đó CVHM2106 dẫn đầu thanh khoản đạt 84.370 đơn vị và kết phiên giảm 46,2% xuống mức 140 đồng/CQ; tiếp theo là CHPG2107 khớp 81.500 đơn vị và kết phiên tăng 10,4% lên 1.490 đồng/CQ.

T.Thuý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,176.75 -16.26 -1.38% 96,884 tỷ
HNX 221.43 -4.77 -2.15% 1,223 tỷ
UPCOM 87.16 -0.98 -1.13% 358 tỷ