Giao dịch chứng khoán chiều 9/3: Dầu khí, vận tải biển khởi sắc, VN-Index thoát phiên giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực, nhất là vào các nhóm ngành hưởng lợi từ đà tăng giá của hàng hóa, vận tải giúp nhiều mã đua sắc tím và thị trường cân bằng hơn trong phiên chiều.
Giao dịch chứng khoán chiều 9/3: Dầu khí, vận tải biển khởi sắc, VN-Index thoát phiên giảm điểm

Trong phiên sáng, thị trường chứng kiến các đợt rung lắc mạnh với biên độ hơn 18 điểm từ đỉnh tới đáy của phiên. Lực cầu đón cơ hội đầu ngày sau phiên giảm sâu hôm qua giúp thị trường tăng hơn 9 điểm lúc mở cửa, nhưng nhiều nhà đầu tư đang muốn thoát hàng chỉ chờ có thế để đẩy ra, khiến VN-Index rơi theo chiều thẳng đứng, từ tăng hơn 9 điểm thành giảm hơn 9 điểm, lùi xa so với ngưỡng hỗ trợ ở đường MA 100 là 1.470 điểm.

Trên đồ thị kỹ thuật, nhiều tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện, như dải bolliger mở rộng xuống dưới, đường RSI giảm, MACD phân kỳ, trong khi đường tín hiệu ADX tăng. Điều này báo hiệu về khả năng điều chỉnh sâu của thị trường trong ngắn hạn và ngưỡng 1.470 điểm không phải là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường. Nếu để mất ngưỡng này, VN-Index có thể lùi về ngưỡng hỗ trợ mạnh là vùng 1.440 điểm. Tuy nhiên, nhiều mã trụ như VCB, VIC, GAS đã được sử dụng để hãm đà rơi của thị trường. VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm dù sắc đỏ nhiều gấp hơn 2 lần sắc xanh khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu đã hoạt động tích cực hơn, không chỉ tập trung vào một số mã trụ, mà đã lan tỏa ra rộng hơn trên bảng điện tử, giúp độ rộng thị trường trở nên cân bằng hơn. Đặc biệt, dòng tiền hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa, vận tải do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu như dầu khí, phân bón, vận tải biển, giúp nhiều mã trong các nhóm này khởi sắc, đóng cửa ở mức giá trần.

Sự khởi sắc của các nhóm ngành này, cùng với sự đóng góp của một số lớn đơn lẻ của nhóm ngân hàng, thép, hàng không giúp VN-Index thoát phiên giảm điểm tiếp theo, đóng cửa như không đổi. Tuy nhiên, thanh khoản giảm nhẹ so với phiên hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,03 điểm (+0%), đứng ở mức 1.473,74 điểm với 209 mã tăng, trong đó số mã tăng trần thêm 11 mã lên 25 mã, trong khi số mã giảm chỉ còn 245 mã (4 mã sàn) so với 310 mã của phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 930,3 triệu đơn vị, giá trị 30.518,2 tỷ đồng, giảm 9,7% về khối lượng và 10,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,9 triệu đơn vị, giá trị 1.585,7 tỷ đồng.

Lực cầu gia tăng đã giúp nhóm dầu khí giao dịch tích cực hơn so với phiên sáng với sắc tím xuất hiện ở PXS, số còn lại tăng mạnh như PVD tăng 6% lên 39.950 đồng, có lúc đã lên mức trần 40.300 đồng, khớp gần 17 triệu đơn vị. GAS nới đà tăng lên 122.200 đồng, tăng 1,24%, PLX cũng nới đà tăng khi chốt ngày tăng 2,8% lên 63.000 đồng. Các mã khác cũng tăng trên dưới 2%.

Nhóm phân bón nới đà tăng mạnh hơn khi BFC lên mức trần 39.050 đồng, DCM tăng 5,6% lên 44.550 đồng và DPM cũng tăng 5,3% lên 65.300 đồng.

Đặc biệt là nhóm vận tải biển với sự dẫn dắt của GMD đã đồng loạt tăng trần, trong đó GMD tăng trần lên 56.200 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị; VSC tăng trần lên 47.700 đồng, HAH tăng trần lên 93.000 đồng, VOS tăng trần lên 22.500 đồng, VTO tăng trần lên 15.000 đồng, VIP tăng trần lên 12.900 đồng. Các mã khác như TCO, GSP cũng tăng mạnh từ hơn 3% đến hơn 5%.

Ở các nhóm đáng chú ý khác, nhóm ngân hàng, EIB bất ngờ bật dậy ngoạn mục khi đóng cửa tăng hơn 4,8% lên 34.750 đồng, trong khi “anh cả” VCB duy trì đà tăng hơn 1,8% lên 83.000 đồng, đóng góp 1,8 điểm cho VN-Index. Các mã có sắc xanh khác trong nhóm là STB, ACB, SHB và TCB. Ngoài ra, LPB và TPB đóng cửa ở tham chiếu, còn lại đóng cửa trong sắc đó, trong đó BID vẫn là mã giảm mạnh nhất khi mất 2,6% xuống 40.500 đồng, lấy đi của VN-Index 1,4 điểm, tiếp theo là HDB giảm 1,3% xuống 27.000 đồng.

Nhóm chứng khoán chỉ có 3 sắc xanh tại VDS, VCI và VIX, trong đó VDS tăng 1,8% lên 39.400 đồng, VCI tăng 1,3% lên 63.400 đồng, VIX tăng nhẹ 0,2% lên 22.850 đồng. Ngược lại, VND giảm 2% xuống 73.500 đồng, HCM giảm 1,6% xuống 37.100 đồng, SSI giảm 0,9% xuống 46.600 đồng…

Ở nhóm thép, HPG dù vẫn có sắc xanh, nhưng chưa thể lấy lại được mốc 50. Chốt phiên, HPG tăng 0,8% lên 49.850 đồng, khớp lớn nhất sàn HOSE với 34,8 triệu đơn vị. Trong khi tăng mạnh nhất nhóm là NKG với 4,3% lên 51.200 đồng, HSG tăng 2,6% lên 41.450 đồng với thanh khoản trên dưới 15 triệu đơn vị. Các mã SMC, POM, TLH tăng trên dưới 2%.

Cổ phiếu điện có sự trái chiều khi POW giảm 2,6% xuống 16.750 đồng, khớp 18,7 triệu đơn vị, thì PC1 lại tăng trần lên 45.250 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Trong nhóm cổ phiếu có tính thị trường, nhiều mã nhận lực cầu tốt đã đảo chiều tăng trở lại, đáng chú ý là HAG từ mức giảm 1,7% khi chốt phiên sáng, đã chuyển thành tăng 2,1% khi đóng cửa phiên chiều lên 11.950 đồng, thanh khoản đứng sau HPG với 34 triệu đơn vị.

GEX cũng tăng 2,6% lên 40.000 đồng, khớp 21,1 triệu đơn vị. SCR cũng đảo chiều tăng mạnh 3,6% lên 21.300 đồng, khớp 11 triệu đơn vị. Tương tự là TTF tăng 0,3% lên 15.250 đồng, khớp 10,7 triệu đơn vị…

Trong khi đó, các mã như HNG, FLC, ITA, ROS, HQC, CII, FIT, AMD, OGC, DLG, HAI… vẫn chìm trong sắc đỏ với mức giảm trên dưới 2%, ngoại trừ ROS giảm nhẹ hơn 0,8%. Đặc biệt, TSC vẫn án ngữ ở mức sàn 21.050 đồng, nhưng lực cầu tốt hơn giúp hấp thụ phần lớn lượng dư bán sàn của phiên sáng, khớp lệnh toàn phiên đạt 21,9 triệu đơn vị và chỉ còn dư bán sàn khiêm tốn.

Sàn HNX cũng giằng co nhẹ trong phiên chiều, nhưng đóng cửa thiếu may mắn hơn VN-Index khi vẫn giảm điểm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,29%), xuống 444,6 điểm với 114 mã tăng (21 mã trần, nhiều hơn 10 mã so với phiên sáng), số mã giảm còn 122 mã, từ 146 mã của phiên sáng (chỉ còn duy nhất HRC giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 141,6 triệu đơn vị, giá trị 4.083,1 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 5,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 173,4 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí khởi sắc với PVS tăng 3,7% lên 39.400 đồng, khớp 19,3 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. Trong khi PVC lấy lại mức giá trần 34.400 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Cũng có sắc tím là PVB lên 27.800 đồng, PVG lên 19.200 đồng, PDC lên 26.600 đồng, PTS lên 16.600 đồng, PPS, APP, PEN.

Ngoài ra, còn phải kể đến nhóm nguyên vật liệu như TDN, HMR, ITQ, KVC, BKC… Ngoài TDN tăng trần, các mã khác trong họ nhà than đều tăng mạnh từ 4% đến hơn 7% như TVD, NBC, TC6.

Nhóm phân bón cũng tích cực với LAS tăng 3,4% lên 24.700 đồng, PSE tăng 4,8% lên 24.100 đồng, PMB tăng 2,8% lên 25.500 đồng, thậm chí NFC tăng trần lên 17.700 đồng.

Trong khi đó, SHS giảm 1,6% xuống 42.500 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị, IDC cũng giảm 3,2% xuống 71.600 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị, TNG giảm 2,4% xuống 33.000 đồng, MBS giảm 2,7% xuống 36.600 đồng…

Trong khi đó, UPCoM lại có giao dịch khá tích cực khi giao dịch trong sắc xanh suốt phiên chiều và đóng cửa tăng mạnh hơn phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,67%), lên 113,37 điểm với 176 mã tăng (26 mã trần) và 155 mã giảm (8 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 104 triệu đơn vị, giá trị 2.272 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,5 triệu đơn vị, giá trị 148 tỷ đồng.

Các mã giao dịch tích cực trên thị trường UPCoM hôm nay ngoài 2 mã dầu khí BSR tăng 1,4% lên 29.100 đồng, khớp 14,7 triệu đơn vị và OIL tăng 3,8% lên 21.900 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị, còn có DDV đảo chiều tăng 1,8% lên 33.500 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị và VHG tăng 1% lên 9.900 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến MSR tăng 7,4% lên 33.500 đồng, khớp hơn 2,9 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có MVN, GEE, SJG, KSV, VEF.

Trong khi đó, VGT giảm 2,7% xuống 25.400 đồng, khớp 4,37 triệu đơn vị, C4G giảm 0,4% xuống 22.600 đồng, khớp 4,36 triệu đơn vị, BVB giảm 2% xuống 19.400 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị, SBS giảm 2,7% xuống 14.400 đồng, khớp 3,63 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng có sự trái chiều, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 3 trái chiều với VN30 khi đóng cửa tăng 0,5% lên 1.490,8 điểm, giao dịch 129.030 hợp đồng, khối lượng mở 34.279 hợp đồng, còn VN30-Index giảm 0,06% xuống 1.489,25 điểm với 13 mã tăng, 16 mã giảm và 1 mã đứng giá.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh và đỏ khá cân bằng, trong đó tăng mạnh nhất là CFPT2109 do HSC phát hành với 21,3% lên 970 đồng, thanh khoản 61.000 đơn vị. Trong khi mã giảm mạnh nhất là CVPB2107 do VCSC phát hành mất tới 88% giá trị hôm nay, xuống 60 đồng, thanh khoản 561.400 đơn vị. Một chứng quyền cơ sở khác cũng do VCSC phát hành và chứng khoán cơ sở là ngân hàng cũng giảm mạnh 40% là CTCB2108, xuống 30 đồng, thanh khoản 243.300 đơn vị.

Hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều là chứng quyền của HPG là CHPG2202 do KIS phát hành và CHPG2204 do MBS phát hành. Đóng cửa cả 2 tăng nhẹ 1,1% lên 940 đồng và 3,1% lên 2.320 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ