Giao dịch chứng khoán chiều 8/4: Nhiều bluechip bay cao, VN-Index đảo chiều thành công

(ĐTCK) Áp lực chốt lời không diễn ra mạnh mẽ trong phiên chiều giúp nhiều cổ phiếu hãm đà tăng, trong đó nhiều mã quay đầu tăng mạnh, giúp VN-Index đảo chiều thành công và có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm tới hơn 15 điểm ngay khi mở cửa phiên trước áp lực chốt lời xảy ra ở nhiều cổ phiếu bluechip sau chuỗi tăng ấn tượng 5 phiên liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, đà giảm nhanh chóng được hãm lại và VN-Index thu hẹp dần số điểm đã mất khi lực cung tỏ ra không quá mạnh.

Bước vào phiên chiều, nhận thấy bên bán không quá dứt khoát, bên nắm giữ tiền mặt đã nhanh tay xuống tiền mua vào nhiều cổ phiếu bluechip, kéo nhiều mã hồi phục, thậm chí có nhiều mã bật tăng mạnh như VHM, POW, BID, MSN, cùng với các mã nhỏ và vừa khác khởi sắc, kéo hồi dần trở lại và vượt qua ngưỡng tham chiếu khi chốt phiên giao dịch chiều, ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp.

Tuy nhiên, do bên bán lưỡng lự, bên mua cũng không quá mạo hiểm nên thanh khoản phiên này sụt giảm so với phiên hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,33 điểm (+0,18%), lên 748,02 điểm với 170 mã tăng và 184 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 252,3 triệu đơn vị, giá trị 3.777 tỷ đồng, giảm 13,9% về khối lượng và 20,9% về khối lượng so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,88 triệu đơn vị, giá trị 943,6 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, trong khi VIC nới đà giảm khi mất 3,39% xuống 94.000 đồng, thì VHM lại khởi sắc với mức tăng 6,06% lên 70.000 đồng, cũng là mức cao nhất ngày. Ngoài ra, VNM cũng hồi phục tăng 0,51% lên 99.000 đồng, mức cao nhất ngày; BID tăng 2,57% lên 37.950 đồng; SAB tăng 0,73% lên 138.000 đồng; MSN tăng 2,43% lên 58.900 đồng, mức cao nhất ngày; VNE cũng đảo chiều tăng 0,9% lên 22.500 đồng, cũng là mức cao nhất ngày; NVL tăng 0,58% lên 52.000 đồng, mức cao nhất ngày; POW thậm chí tăng trần lên 8.540 đồng; STB cũng lấy lại sắc xanh với mức tăng 1,09% lên 9.280 đồng.

Trong khi đó, đà giảm của nhiều mã cũng đã được thu hẹp, ngoại trừ VIC, chủ yếu trên dưới 1%. Một số giảm hơn 2% là HVN, TPB, VPB.

Trong nhóm này, mã có thanh khoản nhất là POW với 9,4 triệu đơn vị, nhưng khối ngoại bán ròng gần 4,5 triệu đơn vị, tiếp đến là STB khớp 8,76 triệu đơn vị, HPG hơn 5,1 triệu đơn vị, MBB gần 5 triệu đơn vị, CTG hơn 4,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ROS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, nhưng khối lượng khớp trong phiên chiều rất ít do không có lực cung, trong khi lượng mua trần liên tục được đưa vào, khiến lượng dư mua giá trần chất cao.

Cụ thể, chốt phiên, ROS đứng ở mức trần 4.000 đồng, khớp 12,87 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 16,3 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư mua ATC.

Tương tự, TCH, HAI, AMD cũng có giao dịch kém sôi động trong phiên chiều do lực cung ít, chỉ thêm lượng dư mua trần.

Trong đó, TCH khớp 4,5 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (20.550 đồng) 2,77 triệu đơn vị, HAI khớp 3 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (2.770 đồng), AMD khớp 1,6 triệu đơn vị, dư mua giá trần (2.970 đồng) hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, cặp đôi nhà sản xuất phân bón DPM và DCM hôm nay cũng đua sắc tím, trong đó DCM khớp hơn 4 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (6.250 đồng) gần 200.000 đơn vị, DPM khớp 1,59 triệu đơn vị, dư mua giá trần (13.350 đồng) hơn 250.000 đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã tăng trần khác như DMC, ANV, HCD, CCL, LIX, BTP và đặc biệt là tân binh ABS tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng kể từ ngày lên sàn.

Tương tự, HNX từ mức giảm sâu của phiên sáng đã được kéo thẳng lên trên tham chiếu và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ được tiếp sức bởi SHB, PVS và hàng loạt mã nhỏ khác.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,49%), lên 103,93 điểm với 66 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị 488,9 tỷ đồng, giảm 32% về khối lượng và 26,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 60 tỷ đồng.

Trong các mã lớn trên sàn này, trong khi ACB hãm đà giảm, chỉ còn giảm 0,49% xuống 20.200 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị, thì SHB lại đảo chiều tăng mạnh 4,03% lên 15.500 đồng, khớp 6 triệu đơn vị.

Tương tự, PVS cũng đảo chiều tăng 0,85% lên 11.900 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn.

Ngoài ra, PVI cũng đảo chiều tăng 0,33% lên 30.700 đồng, VCG về tham chiếu, IDC tăng 7,59% lên 17.000 đồng.

Các mã vẫn giảm giá là VCS giảm 1,5% xuống 59.100 đồng, VIF giảm sàn xuống 14.900 đồng, NVB giảm 2,38% xuống 8.200 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này lại đi ngược với 2 sàn niêm yết khi đảo chiều giảm trong phiên chiều từ mức tăng của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,24%), xuống 50,31 điểm với 98 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,3 triệu đơn vị, giá trị 149 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR và LPB vẫn là cặp đôi duy nhất có khối lượng khớp tính bằng triệu đơn vị, trong đó BSR về mức giá tham chiếu 5.700 đồng, khớp 2,96 triệu đơn vị, còn LPB vẫn giảm 1,56% xuống 6.300 đồng, khớp 2,26 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, tương tự VN30-Index không thể đảo chiều thành công theo VN-Index khi đóng cửa giảm 0,35% xuống 691,17 điểm, toàn bộ các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là VN30F2005 đáo hạn ngày 21/5 khi mất 1,32% xuống 666 điểm. Trong khi đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2004 (đáo hạn ngày 16/4) giảm 0,3% xuống 675 điểm, với 193.063 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.502 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế so với sắc xanh. Trong đó, CROS2001 có thanh khoản nhất với 833.850 đơn vị được giao dịch, đóng cửa tăng 33,33% lên 80 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục