Dòng tiền vẫn tỏ ra yếu ớt bất chấp giá cổ phiếu ngày càng một rẻ, có lẽ nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt vẫn tin vào một điều rằng "cổ phiếu đã rẻ còn có thể rẻ hơn".
Diễn biến thị trường phiên chiều nay (7/11), các chỉ số không thể gượng dậy sau khi lao dốc sau trong phiên sáng. Giảm giá mạnh vẫn là nhóm bất động sản, chứng khoán nhưng đã lan thêm sang các nhóm ngành khác như thép, bán lẻ… với thêm nhiều mã về mức giá sàn với dư bán khá lớn.
Nhóm cổ phiếu thép tưởng đã ngắt được đà rơi ở các phiên cuối tuần trước nhưng đó chỉ là một nhịp tạm nghỉ khi sang phiên hôm nay quay lại với nhịp điệu cũ, HPG chốt phiên chỉ cách giá sàn "1 line" ở mức 13.700 đồng/CP, còn HSG, NKG... về thẳng giá sàn với dư bán mỗi mã hơn 1 triệu cổ phiếu.
Dù sự khởi sắc của một số mã lớn như VNM, GAS, SAB đã trở thành những “má phanh”, nhưng VN-Index vẫn kết phiên giảm khá sâu khi để mất hơn 20 điểm và điều tiêu cực hơn chính là trạng thái nằm sàn la liệt. Kết phiên giao dịch, trên sàn HOSE có tới 138 mã giảm sàn, gần gấp đôi số mã tăng khi chỉ ghi nhận 72 mã. Thêm vào đó, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
VN-Index mặc dù chưa xuống dưới mức 962 điểm, mức thấp nhất trong phiên 25/10 vừa qua, tuy nhiên nếu tính số điểm đóng cửa thì hôm nay, chỉ số này đã xuyên thủng đáy cũ về mức thấp nhất hơn 2 năm gần đây. Điều này cho thấy một triển vọng khó sáng trong ngắn hạn với thị trường chứng khoán.
Chốt phiên, VN-Index giảm 21,96 điểm (-2,2%), xuống 975,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 646,85 triệu đơn vị, giá trị 10.555,45 tỷ đồng, giảm 14,1% về khối lượng và 18,24% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 4/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 112,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.179 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục rớt sâu hơn trong phiên chiều với hàng loạt mã kết phiên nằm sàn. Trong đó, VND đóng cửa đứng tại mức giá sàn 10.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ mua HPG, đạt 27,99 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,54 triệu đơn vị. Các mã khác trong ngành như SSI, VIX, VCI, HCM, APG, CTS, FTS, BSI cũng kết phiên trong sắc xanh mắt mèo.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài EIB sớm giảm sàn từ phiên sáng, trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của LPB, TCB và HDB; các mã khác như MBB, VIB, TPB, STB, SHB, MSB, OCB hầu hết đều giảm trên 5-6%.
Tuy nhiên, vẫn có mã ngược dòng xuất sắc như ACB đảo chiều tăng 2,48% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 20.650 đồng/CP, VPB cũng le lói sắc xanh với mức tăng 0,88%, đáng kể là cặp đôi lớn VCB và BID đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu cũng phần nào giảm gánh nặng cho thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu thép, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng cổ phiếu HPG với khối lượng mua ròng hơn 2,1 triệu đơn vị, đã giúp mã này có thời điểm bật hồi lên trên mức giá 14.000 đồng/CP, tuy nhiên áp lực xả bán trong nước đã khiến HPG giảm sâu về mức thấp nhất ngày.
Đóng cửa, HPG giảm 6,5% về sát mức giá sàn 13.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 38,26 triệu đơn vị. Trong khi đó, HSG và NKG vẫn trong trạng thái dư bán sàn khá lớn, đều hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản và xây dựng cũng gia nhập thêm nhiều mã giảm sàn. Trong đó, bộ 3 gồm DIG, PDR và NVL vẫn bị xả bán mạnh mẽ và vắng bóng lực cầu khiến lượng dư mua sàn tiếp tục lớn.
Đáng chú ý là DIG tiếp tục đón thêm tin không mấy khả quan là 2,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn tại Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) sẽ bị bán giải chấp, dự kiến từ ngày 4/11. Điều này khiến cổ phiếu DIG tiếp tục bị bán tháo. Kết phiên, DIG giảm hết biên độ xuống mức giá 15.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh giảm mạnh, chưa tới 2,5 triệu đơn vị, trong khi dư bán sàn xấp xỉ 14,25 triệu đơn vị.
Ngoài ra, hàng loạt mã khác như KBC, VCG, BCG, DXG, CTD, DXS, TCH, TDC, HBC, CII, NLG, SCR… đều đóng cửa giảm sàn.
Trái lại, một số mã lớn giao dịch tích cực, điển hình là VNM đóng cửa tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 82.000 đồng/CP. Thêm vào đó, GAS và SAB cũng kết phiên tăng hơn 1%; các mã khác như MSN, PLX, VJC đóng cửa tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm điểm khá mạnh trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 29 mã tăng và 167 mã giảm (59 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6 điểm (-2,93%), xuống 198,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 878 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 77 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng la liệt nằm sàn như SHS, MBS, APS, VIG, PSI. Trong đó, SHS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 14,89 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn 0,75 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã đáng chú ý cũng đóng cửa trong sắc xanh lam, điển hình là CEO còn dư bán sàn hơn 0,36 triệu đơn vị; HUT, TNG, IDJ, TAR cũng đều nằm sàn.
Trong khi đó, cổ phiếu PVS vẫn ngược dòng thành công khi nhích nhẹ so với chốt phiên sáng. Đóng cửa, PVS tăng 1,4% lên 21.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt hơn 7,73 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, bên cạnh nhóm chứng khoán, các cổ phiếu bất động sản trên HNX cũng đua nhau giảm sâu. Ngoài CEO, một mã đáng chú ý khác là IDC, đóng cửa cũng rơi xuống vùng giá thấp trong ngày khi giảm 4,5%.
Trên UPCoM, thị trường tiếp tục nới nhẹ biên độ giảm trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,71%), xuống 72,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,41 triệu đơn vị, giá trị 285,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,89 triệu đơn vị, giá trị 84,52 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, đã quay đầu điều chỉnh trong phiên chiều và đóng cửa giảm 1,2%, đứng ở mức giá thấp nhất ngày 16.900 đồng/CP, nhưng vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất khi khớp 4,35 triệu đơn vị.
Các mã đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là C4G, PAS, SBS, VHG đều khớp hơn 1 triệu đơn vị. Đóng cửa, bên cạnh PAS, VHG giảm trên dưới 6%, SBS giảm 10,9%, C4G giảm kịch sàn.
Một số mã đáng chú ý khác cũng trong xu hướng giảm sâu của thị trường như DDV giảm 9,8%, VGT giảm sàn, VGI giảm 6,6%, OIL và VEA đều giảm hơn 1%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 34 điểm, tương đương -3,1% xuống 950 điểm, khớp lệnh gần 429.280 đơn vị, khối lượng mở gần 51.010 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó CMWG2212 dẫn đầu thanh khoản với 4,32 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 22,2% xuống mức 70 đồng/CQ.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là CSTB2218 khớp hơn 2,33 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 28,6% xuống 50 đồng/CQ.