Giao dịch chứng khoán chiều 5/9: Cổ phiếu thép đua nhau tăng trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng gia tăng sức ép lên thị trường, thì nhóm cổ phiếu thép tiếp tục nổi sóng với hàng loạt mã đua trần, cùng thanh khoản vượt trội.
Giao dịch chứng khoán chiều 5/9: Cổ phiếu thép đua nhau tăng trần

Mặc dù trong phần lớn thời gian chỉ số VN-Index giao dịch trên mốc tham chiếu, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường đảo chiều giảm nhẹ. Thanh khoản tăng khá tốt với sự góp công lớn của nhóm cổ phiếu thép.

Tâm lý chung không mấy tích cực ở cuối phiên sáng tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều khiến thị trường bước vào phiên giao dịch chiều vẫn khá ảm đạm. Chỉ số VN-Index có thời điểm le lói sắc xanh nhưng lực bán vẫn chiếm ưu thế khiến thị trường nhanh chóng chuyển đỏ.

Chỉ số VN-Index đã kết thúc phiên đầu tuần trong trạng thái điều chỉnh nhẹ và vẫn nằm trong khoảng gap 1.270 – 1.280 điểm cùng thanh khoản vẫn khá cầm chừng, cho thấy lực cung – cầu vẫn đang đấu tranh và chưa xác định được xu hướng rõ ràng cho thị trường.

Điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm ngành và trong phiên hôm nay chính là sự trở lại của nhóm cổ phiếu thép khi hàng loạt mã đua nhau tăng trần cùng thanh khoản vượt trội.

Thị trường đang dần trở lại với diễn biến năm 2019 khi hầu hết tăng giảm trong biên độ hẹp, đây là giai đoạn thị trường sideway sau khi rời khỏi đỉnh năm 2018 trước đó. Đặc tính của giai đoạn này là thanh khoản thấp vì nhiều nhà đầu tư rời thị trường vì mức sinh lời nhanh không còn, nhưng cũng không giảm sâu do định giá đa số cổ phiếu đã về khá thấp.

Nếu diễn biến thị trường năm 2022 này tiếp tục lặp lại thì xu hướng như năm 2019 thì câu chuyện chủ yếu nằm ở từng mã, từng nhóm ngành riêng rẽ theo quy luật mã tăng giá mạnh nhưng chưa giảm sẽ giảm, những mã ngành có câu chuyện riêng sẽ bứt phá với mức tăng không quá lớn.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,16 điểm (-0,25%) xuống 1.277,35 điểm với 168 mã tăng và 283 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 524.68 triệu đơn vị, giá trị 13.402 tỷ đồng, cùng tăng hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên trước đó ngày 31/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,52 triệu đơn vị, giá trị 1.776,44 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu thép là điểm nhấn của thị trường với các mã HSG, NKG, TLH cùng kết phiên trong trạng thái dư mua trần, SMC tăng 5,8% lên vùng giá cao 20.200 đồng/CP, POM tăng 4,3% lên 7.820 đồng/CP, HPG tăng 3,9% lên 23.900 đồng/CP.

Đây cũng là nhóm đóng góp lớn cho thanh khoản thị trường với NKG dẫn đầu khi khớp lệnh 27,83 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị; tiếp theo là HPG khớp 26,28 triệu đơn vị và HSG khớp hơn 25,51 triệu đơn vị.

Trái lại, dòng bank có phần ảm đạm hơn khi sắc đỏ gần như bao phủ toàn ngành. Ngoại trừ TPB đứng giá tham chiếu, còn lại các mã bank trên sàn HOSE đều mất điểm. Trong đó, các mã lớn như VCB, BID, CTG đều giảm hơn 1%, TCB giảm gần 1%...

Ở nhóm chứng khoán, một số mã như được sắc xanh như HCM, CTS, FTS, VCI nhưng cũng chỉ tăng trên dưới 1%; trong khi VND, VIX, VDS, SSI, TVB, AGR đều mất điểm. Trong đó, VND và SSI là 2 mã giao dịch sôi động nhất của ngành khi có khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị, đều kết phiên giảm hơn 1,3%, về vùng giá thấp nhất ngày, tương ứng là 21.400 đồng/CP và 23.700 đồng/CP.

Xét về vốn hóa thị trường, nhóm VN30 vẫn chủ yếu mất điểm khi ghi nhận 21 mã giảm, gấp hơn 3 lần số mã tăng. Trong đó, cổ phiếu MWG giảm sâu nhất khi mất 2%, xuống mức giá thấp nhất ngày 72.500 đồng/CP, đặc biệt là gánh nặng lớn đến từ dòng bank.

Trái lại, bên cạnh cổ phiếu lớn nhà thép HPG tăng tốt, một số mã lớn đã lội ngược dòng giúp thị trường bớt giảm sâu như VNM tăng 2,6% lên 77.500 đồng/CP, BVH tăng 1,9% lên 59.600 đồng/CP, cùng MSN, VIC và SAB tăng trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC là FLC, AMD và HAI tiếp tục bị bán tháo và đều kết phiên giảm sàn. Trong đó, FLC khớp hơn 5,4 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 23 triệu đơn vị; còn HAI khớp 1,58 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 5 triệu đơn vị; AMD khớp 4,46 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,34 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu KPF cũng đóng cửa ở mức giá sàn sau chuỗi ngày bùng nổ với thanh khoản thấp, chỉ đạt 3.400 đơn vị.

Mặt khác, OGC dù không còn khoe sắc tím nhưng tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc. Kết phiên, OGC tăng 6,2% lên mức giá cao nhất ngày 15.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 3,44 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,31%) lên 292,82 điểm với 81 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,65 triệu đơn vị, giá trị 1.359,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,26 triệu đơn vị, giá trị 71,44 tỷ đồng.

Cũng như phiên sáng nay, cổ phiếu ngân hàng NVB vẫn đi ngược xu hướng chung của toàn ngành và tiếp tục tạo lực đỡ tốt cho thị trường khi kết phiên tăng 7,1% lên mức 25.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, đồng hành với sự hồi phục tích cực của PVD, cặp đôi PVC và PVS đảo chiều khởi sắc trong phiên chiều. Kết phiên, PVC tăng 2,7% lên 22.900 đồng/CP và khớp 2,17 triệu đơn vị, trong khi PVS tăng 2,2% lên 28.400 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 8,27 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng xu hướng thị trường khi nới rộng đà giảm điểm trong phiên chiều. Kết phiên, BVS giảm 2,6%, SHS giảm 2,3%, MBS giảm 1%, APS giảm 5,7%...

Một số mã đáng chú ý như IDC giảm 1,1% về vùng giá thấp trong phiên 61.600 đồng/CP, CEO duy trì đà giảm nhẹ 0,9% xuống 31.300 đồng/CP, HUT đảo chiều điều chỉnh nhẹ 0,3% xuống 28.500 đồng/CP…

Cặp đôi nhà FLC là KLF và ART cũng trong trạng thái dư bán sàn với thanh khoản vẫn thuộc top 5 thị trường, lần lượt đạt 3,7 triệu đơn vị và 5,13 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch ảm đạm và đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,67 điểm (-0,72%) xuống 91,78 điểm với 154 mã tăng và 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 548,18 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64 triệu đơn vị, giá trị 7,85 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh nhưng còn tăng hạn chế 0,4% lên mức giá cao nhất ngày 25.800 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 6,88 triệu đơn vị; còn OIL tăng 0,7% lên 13.700 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Cùng trong xu hướng chung của nhóm thép, TVN kết phiên tăng 4,7% lên 8.900 đồng/CP và TNS tăng 11,5% lên sát mức giá trần 5.800 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý như DDV vẫn tăng tốt 4,6% lên 20.600 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị; PAS tăng 2,2% lên 9.500 đồng/CP, C4G tăng 1,5% lên 13.300 đồng/CP, đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu TTG tiếp tục trong trạng thái tăng mạnh sau màn giảm sâu đầu phiên. Kết phiên, TTG tăng trần lên mức 5.800 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Thông tin liên quan đến TTG gần đây là việc công ty mẹ - CTCP Tập đoàn HAPROSIMEX đăng ký bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu TTG đang nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 54,36%. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 5/9 đến 22/9, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng đều biến động nhẹ, trong đó có 3 hợp đồng giảm và 1 hợp đồng tăng. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2209 giảm 7,9 điểm (-0,6%), xuống 1.286 điểm với 224.853 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 40.086 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó CVHM2201 khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 2,14 triệu đơn vị, kết phiên giảm sàn về mức 10 đồng/CQ.

Trong khi đó, CHPG2215 đứng thứ 2 về thanh khoản khi khớp 1,39 triệu đơn vị, kết phiên tăng 6,8% lên 630 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ