Giao dịch chứng khoán chiều 3/2: Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép lên thị trường khiến VN-Index quay đầu giảm điểm, thì ở nhóm vừa và nhỏ, dòng tiền sôi động đã tiếp sức cho nhiều mã có phiên tăng mạnh mẽ.
Giao dịch chứng khoán chiều 3/2: Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Sau phiên hồi phục nhẹ hôm qua (ngày 2/2) chưa đủ giúp nhà đầu tư tự tin xuống tiền hơn trong phiên cuối tuần 3/2. Tâm lý thận trọng khiến thị trường rung lắc, chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc cùng thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột trở nên phân hóa thì dòng tiền này lại chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với tâm điểm vẫn là các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công.

Trạng thái giao dịch giằng co nhẹ vẫn tiếp diễn khi thị trường bước sang phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 15 phút cầm chừng, chỉ số VN-Index dần tiêu cực hơn khi áp lực bán dâng cao ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Theo nhận định của giới phân tích, ngưỡng 1.065-1.070 điểm đang được đánh giá là hỗ trợ của thị trường và trong phiên 3/2, vùng giá này đã được bảo toàn khá tốt. Cụ thể, sau khoảng 1 giờ giao dịch, khi áp lực bán từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn thị trường khiến VN-Index đe dọa mốc 1.070 điểm.

Ngay khi tiệm cận ngưỡng này, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên và tránh khỏi pha giảm sâu khi kết phiên điều chỉnh nhẹ với mức giảm chưa tới 0,5 điểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và dòng tiền chuyển hướng dành sự ưu ái cho các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Chốt phiên, sàn HOSE có 185 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,04%), xuống 1.077,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 563,83 triệu đơn vị, giá trị 10.791,61 tỷ đồng, giảm 11,17% về khối lượng và 2,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,74 triệu đơn vị, giá trị 1.582,16 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là nhân tố chính cản trở thị trường khi kết phiên giảm gần 8 điểm, với nhiều mã quay đầu hoặc nới rộng biên độ giảm và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày như MWG giảm 4,2%, TCB giảm 3,2%, VJC giảm 2,6%, FPT giảm 2,2%, SSI giảm 2%, GAS giảm 1,7%...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản NVL đã có pha tăng tốc về cuối phiên khi đóng cửa tăng 5,3% lên mức giá cao nhất ngày 14.950 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 20,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã khác cũng bật cao hơn như PLX tăng 3% lên mức giá cao nhất ngày 37.300 đồng/CP, VIB cũng tăng 3% - là mã tăng tốt nhất trong dòng bank thuộc rổ cổ phiếu này nhờ thông tin Ngân hàng tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền mặt và một số thông tin tích cực khác, tương tự VCB tăng 2,6% lên mức 93.000 đồng/CP, SAB đã có pha đảo chiều ngoạn mục và đóng cửa tăng 2,8% lên mức giá cao nhất ngày 192.800 đồng/CP…

Ở nhóm vừa và nhỏ, cặp đầu tư công LCG và HHV ấn tượng khi đóng cửa đều tăng kịch trần với thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 10,79 triệu đơn vị và 9,56 triệu đơn vị.

Ngoài ra, KHG cũng đóng cửa tăng trần với khối lượng khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị và dư mua trần 0,56 triệu đơn vị; các mã khác như KHG, SCD, LSS, PTL, HAS cũng đều kết phiên khoe sắc tím; trong khi DRH, TMT, FCN, KSB, TEG, PSH… tăng trên dưới 5%.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh. Trong khi OCB tăng 3,19%, các mã VCB, VIB, LPB tăng trên dưới 2%, HDB tăng hơn 1%..., thì SSB tiếp tục lùi sâu khi giảm 4,93%, MSB giảm 5,81%, TCB giảm 3,21%, ACB giảm 2%, MBB giảm 1,85%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán kém tích cực hơn, chỉ còn một số mã như HCM, VIX, TVB chỉ còn nhích nhẹ. Đáng kể là SSI giảm 2%, VCI giảm 1,1%, FTS giảm 1,5%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng phân hóa với HPG đảo chiều giảm 0,9% xuống 21.100 đồng/CP, trong khi HSG giữ sắc xanh nhạt khi tăng 1,4% lên 14.700 đồng/CP, còn NKG lùi về mốc tham chiếu 14.100 đồng/Cp…

Trên sàn HNX, thị trường cũng trở nên kém tích cực và quay đầu điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,01%), xuống 215,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,77 triệu đơn vị, giá trị 807,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,95 triệu đơn vị, giá trị 35,08 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 12,5 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến mã này đảo chiều giảm 1,1% xuống 9.900 đồng/CP.

Cổ phiếu CEO cũng trở nên rung lắc sau pha tăng tích cực của phiên sáng và đóng cửa tại mốc tham chiếu 22.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 8,26 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như HUT tăng 2,7% lên 15.200 đồng/CP, IDJ tăng 3,4% lên 9.000 đồng/CP, TIG tăng 3,5% lên 8.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn khởi sắc. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,66 điểm (+0,88%) lên 75,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,95 triệu đơn vị, giá trị 293,26 tỷ đồng.Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,17 triệu đơn vị, giá trị 29,91 tỷ đồng.

Cũng như thị trường niêm yết, cổ phiếu đầu tư công C4G vẫn duy trì đà tăng tốt. Đóng cửa, C4G tăng 3,5% lên mức 11.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua BSR, đạt 2,89 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR khớp 4,73 triệu đơn vị và kết phiên đã hồi phục sắc xanh với mức tăng còn hạn chế chỉ 0,6% lên 16.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG kết phiên tăng 4,2% lên 2.500 đồng/CP và khớp 1,37 triệu đơn vị; bên cạnh các mã ACM, NHP, PPI đều đóng cửa tăng kịch trần.

Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng PGB kéo trần thành công khi đóng cửa tăng 14,7% lên 19.500 đồng/CP, sau pha tăng mạnh 9,2% trong phiên hôm qua (2/2).

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2302 giảm 6,1 điểm, tương đương -0,6% xuống 1.081,9 điểm, khớp lệnh hơn 236.020 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm chủ đạo, trong đó, CHPG221 dẫn đầu thanh khoản với xấp xỉ 2,1 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 9,1% xuống 100 đồng/CQ.

Trong khi đó, đứng thứ 2 về thanh khoản là CSTB2218 khớp 1,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 17,5% lên 670 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục