Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp và vượt ngưỡng 1.280 điểm, thị trường đã trở nên rung lắc nhẹ trong phiên sáng đầu tuần ngày 30/5. Tuy nhiên, sắc xanh trở lại ở nhóm ngân hàng cùng diễn biến tích cực của nhóm chứng khoán và dầu khí, đã giúp VN-Index tạm dừng phiên sáng trên mốc tham chiếu với thanh khoản có chút cải thiện.
Tâm lý tích cực tiếp tục duy trì khi thị trường bước sang phiên giao dịch chiều. Sau khoảng 30 phút mở cửa biến động nhẹ quanh vùng giá 1.290 điểm, thị trường đã bật mạnh đi lên nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn VCB.
Tuy nhiên, yếu tố dòng tiền vẫn là lực cản cho đà bay cao của thị trường. Chỉ số VN-Index chưa thể chạm mốc 1.300 điểm đã quay đầu hạ nhiệt. Trong đó, VCB là một trong những tác nhân chính khiến thị trường thu hẹp đà tăng điểm khi hạ độ cao đột ngột trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.
Dù vậy, thị trường vẫn kết thúc phiên đầu tuần khởi sắc với chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 8 điểm và vượt xa mốc 1.290 điểm cùng thanh khoản tăng nhẹ. Trong đó, điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với hàng loạt mã đua nhau tăng trần, đặc biệt là họ FLC.
Chốt phiên, sàn HOSE có 289 mã tăng và 145 mã giảm, VN-Index tăng 8,47 điểm (+0,66%), lên 1.293,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 587,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.496 tỷ đồng, giảm 3,3% về khối lượng nhưng tăng 2,52% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 27/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 87,87 triệu đơn vị, giá trị 3.738,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn là điểm tựa chính của thị trường khi ghi nhận mức tăng hơn 7 điểm với 18 mã tăng và 8 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu VJC có mức tăng tốt nhất là 4,3%, đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 132.500 đồng/CP.
Tiếp theo đó là cặp ngân hàng STB và TPB có mức tăng tương ứng 2,5% và 2,2%. Trong đó, STB vẫn duy trì vị trí vua thanh khoản trên HOSE, đạt hơn 16,36 triệu đơn vị.
Còn lại các mã tăng khác có biên độ trên dưới 1%, với một số mã lớn như PLX tăng 1,9%, VHM tăng 1,1%, VIC tăng 0,6%...
Như đã nói ở trên, cổ phiếu VCB bất ngờ sụt mạnh trong đợt khớp ATC do áp lực bán gia tăng. Kết phiên, VCB chỉ còn tăng nhẹ 0,8% lên mức 78.000 đồng/CP.
Trái lại, cặp đôi bán lẻ PNJ và MWG có mức giảm lớn nhất khi lần lượt mất 1,5% xuống 120.500 đồng/CP và giảm 1% xuống 145.200 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 1,2 triệu đơn vị. Còn lại VNM, FPT, KDH, SAB, BVH, GVR giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Tâm điểm thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu nhỏ với hàng loạt mã nóng đua nhau tăng kịch trần như MCG, HQC, HAR, JVC, QBS, PXS…, cùng bộ tứ họ FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng sôi động, trong đó, HQC khớp hơn 15,9 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị; cặp FLC và ROS cũng có thanh khoản sôi động trên dưới 14 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn SSB, EIB và SHB giảm nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều khởi sắc. Ngoài STB và TPB tăng tốt, các mã khác như BID, CTG, VPB, VIB tăng hơn 1%...
Nhóm chứng khoán sắc xanh cũng chiếm áp đảo nhưng biến động trong biên độ hẹp như SSI và HCM đứng giá tham chiếu, CTS, VCI và FTS giảm nhẹ 1-2 bước giá, trong khi VND tăng 2%; TVB tăng 3%; ORS, APG, VIX… chỉ nhích nhẹ.
Nhóm bất động sản tích cực hơn, từ các mã lớn VHM, VIC, NVL, đến các mã DIG, PDR, VCG, BCG… đều tăng nhẹ. Đặc biệt là ở top cổ phiếu nhỏ có FLC, ROS, HQC tăng trần.
Trên sàn HNX, sự suy yếu của nhóm bluechip cũng khiến thị trường hạ độ cao về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 133 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 1,6 điểm (+0,52%), lên 312,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,37 triệu đơn vị, giá trị 1.802,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,26 triệu đơn vị, giá trị 125,74 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì đà tăng tốt với PVC kết phiên tăng 7,1% lên mức 24.200 đồng/CP, PVB tăng kịch trần lên mức 17.200 đồng/CP, trong khi PVS tăng 2,8% lên mức 29.000 đồng/CP. Trong đó, PVS giao dịch sôi động với hơn 15,46 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ngoài cặp đôi trên, trong nhóm HNX còn có L14 kết phiên tăng kịch trần và đặc biệt là cổ phiếu HUT có phiên giao dịch bùng nổ. Mặc dù kết phiên không giữ được sắc tím nhưng HUT tiếp tục có phiên tăng vọt với biên độ 9,5% lên sát mức giá trần 31.200 đồng/CP cùng giao dịch sôi động, lên tới gần 5,47 triệu đơn vị, chỉ đứng sau thanh khoản của PVS và SHS (khớp 7,59 triệu đơn vị).
Các mã tăng tốt khác như TVC tăng 3,8%, LHC tăng 3%, VNR tăng 2,9%, IDC tăng 2,3%...
Trái lại, cổ phiếu THD tiếp tục gia tăng gánh nặng lên thị trường và kết phiên giảm 8,3% xuống mức 48.600 đồng/CP. Các mã khác trong nhóm HNX30 là NTP, TNG, LAS giảm trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi KLF và ART đều nới rộng đà tăng mạnh trong phiên chiều. Kết phiên, KLF tăng 5% lên mức 4.200 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 3,5 triệu đơn vị, còn ART tăng 6,7% lên mức 6.400 đồng/CP và khớp 2,74 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong nửa đầu phiên chiều, sau đó nới rộng đà tăng về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,44%) lên 95,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,97 triệu đơn vị, giá trị 783,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5,52 triệu đơn vị, giá trị 92,36 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn là tâm điểm của thị trường khi kết phiên tăng 3,3% lên mức 24.800 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 11,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, OIL kết phiên tăng 2,1% lên 14.700 đồng/CP và khớp 1,83 triệu đơn vị, vẫn thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng khởi sắc trở lại với BVB và VAB tăng nhẹ, NAB tăng 5,2%, PGB tăng 1,3%...
Một số cổ phiếu đáng chú ý là VHG tăng vọt trong phiên chiều với biên độ 9,6% lên mức 5.700 đồng/CP và khớp lệnh chỉ thua BSR, đạt 7,39 triệu đơn vị; C4G hồi phục sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,7% lên 14.900 đồng/CP và khớp 3,27 triệu đơn vị; PAS tăng 4,2% lên 17.300 đồng/CP và khớp hơn 1,1 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất tăng 3,1 điểm (+0,2%) lên 1.325,6 điểm, khớp lệnh 204.050 đơn vị, khối lượng mở 30.330 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó CVJC2201 và CVRE2207 dẫn đầu thanh khoản, đều đạt hơn 170.000 đơn vị. Trong đó, CVJC2201 đóng cửa tăng 23,5% lên 420 đồng/CQ, còn CVRE2207 đóng cửa giảm 6,5% xuống 580 đồng/CQ.