Giao dịch chứng khoán chiều 30/9: Xuất hiện nhiều điểm nóng, VN-Index lấy lại sắc xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khác với phiên chiều qua, phiên giao dịch chứng khoán chiều nay, VN-Index lại được kéo thẳng đứng nhờ lực cầu chảy mạnh. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ số này chỉ giữ được sắc xanh nhạt do các ông lớn cản bước.
Giao dịch chứng khoán chiều 30/9: Xuất hiện nhiều điểm nóng, VN-Index lấy lại sắc xanh

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa ít thay đổi. Thanh khoản vẫn giữ được mức tốt dù không bằng phiên sáng qua.

Với những gì nhà đầu tư chứng kiến trong phiên giao dịch chiều qua, nhiều nhà đầu tư nghĩ tới kịch bản xấu trong phiên cuối tháng 9, nhưng tâm lý vững vàng của nhà đầu tư đã giúp thị trường đứng vững.

Bước vào phiên giao dịch chiều, trái ngược với phiên chiều qua, trong phiên chiều nay, lực cầu đã thắng thế, kéo VN-Index lên theo hướng thẳng đứng. Điểm đáng chú ý là phiên chiều nay xuất hiện nhiều điểm nóng, trong khi số mã tăng cũng nhiều lên vượt qua số mã giảm. Tuy nhiên, đã tăng của VN-Index bị chặn lại và thu hẹp cuối phiên do các mã lớn cản bước.

Chốt phiên cuối tháng 9, VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,14%), lên 905,21 điểm với 222 mã tăng (nhiều hơn 83 mã so với phiên sáng), trong khi số mã giảm chỉ còn 175 mã (giảm 41 mã so với phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 340,7 triệu đơn vị, giá trị 6.359,6 tỷ đồng, giảm 27% về giá trị và 25% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 842,7 tỷ đồng.

Như đã đề cập, việc VN-Index không thể bứt lên chinh phục lại ngưỡng 910 điểm trong phiên chiều nay do một số mã lớn cản bước, dù mức giảm của cá mã này khiêm tốn.

Cụ thể, VCB giảm 0,59% xuống 84.100 đồng, VNM giảm 0,27% xuống 108.900 đồng, GAS giảm 0,28% xuống 71.300 đồng, SAB giảm 0,92% xuống 183.300 đồng, CTG giảm 0,19% xuống 26.550 đồng…

Tuy nhiên, cũng có nhiều mã đã đảo chiều tăng tăng giá, hoặc nới rộng đà tăng, riêng BHN cũng chỉ còn giảm 0,93% xuống 74.300 đồng, mức cao nhất ngày.

Điểm đáng chú ý chiều nay là thị trường xuất hiện nhiều điểm nóng, đáng chú ý là ASM. Sau tăng nhẹ phiên sáng với diễn biến giao dịch không có gì đáng chú ý, ASM gặp rung lắc khi bước vào phiên chiều, nhưng rất nhanh chóng, lực cầu ồ ạt được tung vào, kéo mã này lên thẳng đứng và chạm trần 8.760 đồng sau hơn 41 phút giao dịch. Cổ phiếu này sau đó gần như chỉ yên vị tại mức giá này và đóng cửa còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị, khớp 8,2 triệu đơn vị, đứng top 5 mã thanh khoản nhất sàn HOSE.

Một điểm nóng nữa là DRC khi cũng được kéo thẳng đứng lên mức trần 20.950 đồng trong ít phút giao dịch đầu phiên chiều dù phiên sáng lình xình trong biên độ hẹp.

Chốt phiên, DRC còn dư mua giá trần 64.200 đơn vị và khớp 3,25 triệu đơn vị, mức lớn nhất trong 7 năm qua. Cổ phiếu DRC nổi sóng phiên hôm nay có thể đến từ thông tin về kết quả kinh doanh quý III khá tích cực vừa công bố.

Theo đó, Công ty vừa công bố ước lợi nhuận doanh thu thuần là 938 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 74 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 28% so với quý III/2019, nhưng hoàn thành 119% kế hoạch quý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ước tính doanh thu thuần là 2.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 180 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 15% so với 9 tháng đầu năm 2019. Hoàn thành được 64% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Kết quả quý III tích cực hơn 2 quý đầu năm khi lũy kế 6 tháng, Công ty mới chỉ ghi nhận doanh thu 1.592 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,7 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch năm.

Bước sang quý IV/2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu thuần là 937 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế là 85 tỷ đồng, giảm 16% so với quý IV/2019.

Thêm một tâm điểm chú ý nữa của phiên chiều nay là CRE khi cũng được kéo thẳng lên mức trần 22.450 đồng lúc chốt phiên, khớp gần 1,5 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua giá trần.

Thêm vào đó, sức nóng của tân binh ASG (Tập đoàn ASG) vẫn chưa hết khi có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp kể từ ngày chào sàn (phiên 24/9), hiện đang ở mức giá 47.050 đồng và còn dư mua sàn. Thanh khoản thấp do không có lệnh bán ra.

So với mức giá tham chiếu lúc chào sàn 30.000 đồng, cổ phiếu ASG đã tăng 56,8% sau 5 phiên chào sàn.

Trong khi đó, các cổ phiếu đáng chú ý trong phiên sáng đều có giao dịch tích cực trong phiên chiều. Trong đó, STB sau phiên điều chỉnh khá mạnh hôm qua, đã hồi phục trở lại trong phiên hôm nay. Chốt phiên sáng, STB tăng mạnh 3,76% lên 13.800 đồng, khớp 28,3 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE.

HSG cũng duy trì đà tăng và thanh khoản rất tốt khi đóng cửa tăng 2,96% lên 16.650 đồng, khớp 15,2 triệu đơn vị, đứng sau STB.

Trong khi đó, TCH sau khi bị chốt mạnh giảm 2,09% xuống 21.050 đồng sau thông tin ông Đỗ Hữu Hạ, Phó tổng giám đốc đăng ký bán ra hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương với lượng cổ phiếu mà mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hà đăng ký mua vào trước đó, đã đảo chiều trong phiên chiều.

Chốt phiên, TCH tăng 0,23% lên 21.550 đồng với hơn 15 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn.

HPG cũng đảo chiều tăng giá, dù mức tăng rất khiêm tốn, đóng cửa ở mức 26.400 đồng, tăng 0,19% với 13 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 4.

Trong các mã vừa và nhỏ, FLC trở lại trạng thái lình xình như trước khi có thông tin xây dựng khu nghỉ dưỡng 7 sao tại Bình Định khi đóng cửa giảm nhẹ 0,58% xuống 3.430 đồng, khớp gần 8 triệu đơn vị, đứng sau cả ITA với hơn 8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 4.550 đồng.

Diễn biến trên sàn HNX còn tích cực hơn, dù lúc đầu phiên gặp chút rung lắc, khiến chỉ số chính có lúc chớm đỏ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ đồng lòng của các mã lớn, HNX-Index sau đó đã lấy lại phong độ, tiến thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,2 điểm (+0,91%), lên 132,93 điểm với 95 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,3 triệu đơn vị, giá trị 696,8 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 6 triệu đơn vị, giá trị 163,5 tỷ đồng.

Các mã lớn trên sàn này chiều nay có sự đồng lòng khi đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, ACB tăng 0,45% lên 22.500 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị; SHB tăng 1,32% lên 15.400 đồng, cao nhất ngày, khớp hơn 2 triệu đơn vị; VCG tăng 0,5% lên 40.100 đồng khớp 0,4 triệu đơn vị.

Riêng VCS tăng trần lên 73.200 đồng, khớp 1,42 triệu đơn vị sau thông tin kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng mạnh. Theo đó, VCS ước đạt doanh thu thuần 1.499 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ước đạt 469 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, lần lượt ước tăng 13% và 14,2% so cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến, PVS tăng 0,74% lên 13.600 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị, cao nhất sàn. NVB tăng 3,41% lên 9.100 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị. VIF giữ mức giá như phiên sáng 17.000 đồng, tăng 8,97% với 1 lệnh khớp duy nhất 100 đơn vị phiên sáng.

UPCoM cũng bứt lên trong phiên chiều, nhưng không giữ được mức điểm cao nhất ngày khi chốt phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,33%), lên 61,73 điểm với 109 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,4 triệu đơn vị, giá trị 503 đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị 102 tỷ đồng.

LPB vẫn là mã thanh khoản nhất thị trường với 10,4 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại, đóng cửa ở mức tham chiếu 11.400 đồng.

Trong khi đó, BSR lại nới rộng đà giảm xuống 1 bước giá nữa khi chốt phiên chiều với mức giảm 2,74% xuống 7.100 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị.

CTR bất ngờ có giao dịch sôi động trong phiên chiều với tổng khớp 1,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,07% lên 46.000 đồng. Tương tự là người anh em VGI khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,21% lên 27.800 đồng.

Trong các mã nhỏ, PFL bất ngờ giao dịch sôi động với lượng khớp gần 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 5,88% lên 1.800 đồng, có lúc lên trần 1.900 đồng. Tương tự, KSH khớp hơn 1,4 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức trần 900 đồng, còn dư mua giá trần.

Tính chung trong tháng 9, VN-Index tăng 2,67%, HNX-Index tăng 6,47% và UPCoM-Index tăng 4,95%.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn chỉ số này. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,27% lên 858,54 điểm, còn VN30F2010 đáo hạn 15/10 tăng 0,67% lên 859,8 điểm với 158.810 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 32.860 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, các mã tăng giảm khá cân bằng với 45 mã tăng và 41 mã giảm, nhưng thanh khoản lại không tốt bằng phiên hôm qua khi hôm nay chỉ có duy nhất 1 mã có giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Cụ thể, CVPB2007 có 1,34 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 2,8% lên 1.100 đồng, nhưng không phản ánh đúng cán cân cung cầu khi chốt phiên, bởi cả bên dư mua và dư bán đều có giá thấp hơn mức giá này rất nhiều.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ