Ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam đã chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 29/8. Áp lực bán ngày càng gia tăng mạnh trong nửa cuối phiên khi tâm lý kỳ nghỉ lễ kéo dài lấn áp đã đẩy các chỉ số đồng loạt lao dốc mạnh, thậm chí VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm và tạm dừng phiên sáng bốc hơi hơn 30 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn trong trạng thái tiêu cực và chỉ số VN-Index một lần nữa test lại vùng giá 1.250 điểm ngay khi mở cửa, nhưng diễn biến nhanh chóng đảo ngược sau đó.
Dòng tiền bắt đáy bất ngờ nhập cuộc rất mạnh đã giúp nhiều mã ngừng rơi, thậm chí đảo chiều hồi phục khá mạnh, kéo VN-Index bật hồi hơn 20 điểm và giành lại mốc 1.270 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày với cây nến hammer.
Bên cạnh chỉ số chung hãm đà rơi mạnh, thị trường có thêm tín hiệu tích cực nữa là thanh khoản lần đầu tiên vượt mức 20.000 tỷ đồng trong hơn 3 tháng qua (phiên giao dịch ngày 13/5 với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 20.365 tỷ đồng). Đây là tín hiệu khả quan giúp nhà đầu tư kỳ vọng về xu hướng tăng của thị trường sẽ sớm trở lại và phiên điều chỉnh hôm nay chỉ là mang tính chất kỹ thuật do ảnh hưởng tâm lý từ bên ngoài.
Đóng cửa, sàn HOSE có 73 mã tăng và 399 mã giảm, VN-Index giảm 11,77 điểm (-0,92%) xuống 1.270,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 845,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.562 tỷ đồng, tăng 26,44% về khối lượng và 27,91% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,9 triệu đơn vị, giá trị 1.755,45 tỷ đồng.
Điểm sáng đi ngược xu hướng chung của thị trường trong phiên hôm nay là các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí và phân bón. Cùng sự bật ngược đi lên của thị trường, các cổ phiếu trong nhóm này đã đua nhau tăng mạnh lên mức giá trần hoặc mức giá cao nhất trong phiên.
Trong đó, cổ phiếu lớn dầu khí - GAS đóng góp khá tích cực vào chỉ số chung khi hồi phục tăng 2% lên mức giá cao nhất ngày 117.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, PVD tăng 7% lên mức giá trần 21.500 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 8 trên vị trường, đạt xấp xỉ 18,6 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1,31 triệu đơn vị; ASP cũng khoe sắc tím và đóng cửa ở mức giá 8.660 đồng/CP; PVT tăng 3,2% lên 22.400 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu phân bón, cổ phiếu DCM tăng kịch trần với giao dịch sôi động, đạt hơn 13,22 triệu đơn vị khớp lệnh; DPM tăng 6,8% lên sát mức giá trần và cũng là mức giá cao nhất trong ngày 55.000 đồng/CP, khớp lệnh 7,77 triệu đơn vị; BFC tăng 4,4% lên 27.000 đồng/CP…
Mặt khác, các nhóm cổ phiếu trụ cột đều thu hẹp đà giảm. Điển hình là dòng chứng khoán hầu hết tìm về mức giá cao nhất trong ngày. Đáng kể có cặp VCI và FTS đảo chiều hồi phục sắc xanh, còn lại VND chỉ còn giảm nhẹ 0,9%, SSI giảm 1,6%, HCM, VIX, CTS giảm 2%...
Trong đó, VND vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 37,94 triệu đơn vị khớp lệnh; còn SSI thuộc top 5 khi khớp hơn 28,6 triệu đơn vị.
Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, thép cũng ngắt nhịp rơi, thậm chí có những mã đảo chiều hồi phục như HDC tăng 2,8% lên mức giá cao nhất 54.700 đồng/CP, TDC tăng 3,5% lên 22.300 đồng/CP, CIG tăng kịch trần, HTI tăng 2,9%, LGC tăng 1,4%...
Xét về vốn hóa thị trường, ở nhóm cổ phiếu VN30, ngoại trừ GAS hồi phục tích cực, cổ phiếu MWG khởi sắc trở lại sau phiên bùng nổ cuối tuần trước. Đóng cửa, MWG tăng 2,5% lên mức giá cao nhất ngày 74.000 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt xấp xỉ 7,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KPF tiếp tục tỏa sáng và đóng cửa trong sắc tím, ghi nhận chuỗi 13 phiên tăng mạnh liên tiếp. Ngoài ra, một số mã như PTL, CIG, SKG cũng đóng cửa tăng kịch trần, HAX tăng 6,1% lên mức giá cao nhất ngày 26.000 đồng/CP…
Trên sàn HNX, thị trường cũng bật mạnh đi lên, hồi phục hơn 6 điểm và đóng cửa ở mức giá cao nhất của phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 153 mã giảm, HNX-Index giảm 3,96 điểm (-1,32%) xuống 295,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 127,27 triệu đơn vị, giá trị 2.601 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 59,86 tỷ đồng.
Điểm nhấn trên sàn HNX cũng là các cổ phiếu trong nhóm dầu khí và hóa chất – phân bón.
Cụ thể, PVC tiếp tục nới rộng biên độ tăng sau khi đảo chiều hồi phục thành công ở phiên sáng và kết phiên tăng 10% lên mức giá trần 23.100 đồng/CP; trong khi đó PVS tăng 7,4% lên mức giá cao nhất ngày 29.000 đồng/CP, còn cổ phiếu phân bón LAS đã “quay xe” thành công khi ghi nhận mức tăng 2,1% lên 14.500 đồng/CP.
Không chỉ tăng mạnh về giá, các cổ phiếu này cũng có thanh khoản sôi động, trong đó PVS khớp lệnh xấp xỉ 16,4 triệu đơn vị, PVC khớp hơn 4,7 triệu đơn vị, LAS khớp 2,17 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán cũng không còn giảm sâu. Điển hình SHS có thời điểm trở lại mốc tham chiếu và kết phiên chỉ còn giảm 0,7% xuống 13.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua PVS, đạt 15,52 triệu đơn vị; hay các mã khác như APS giảm 3,4%, MBS giảm 1,5%, TVC giảm 2,1%, VIG giảm 3,3%, BVS giảm 2,5%...
Một số mã đáng chú ý khác dù vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng không còn giảm sâu như IDC giảm 2,1% xuống 64.400 đồng/CP, CEO giảm 3% xuống 32.000 đồng/CP, HUT giảm 1,4% xuống 28.800 đồng/CP...
Trên UPCoM, thị trường cũng thu hẹp đà giảm điểm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,41%) xuống 91,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,6 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.052 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 11,32 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, các cổ phiếu dầu khí trên UPCoM cũng đảo chiều hồi phục tích cực như BSR tăng 2% lên 26.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội trên thị trường khi đạt 17,65 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, OIL tăng 1,5% lên mức giá cao nhất ngày 13.500 đồng/CP và khớp 2,28 triệu đơn vị; PXL tăng 7,7% lên 12.600 đồng/CP, PXS tăng 2,8% lên 7.400 đồng/CP, PFL tăng 1,9% lên 5.500 đồng/CP.
Cổ phiếu SBS vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM khi khớp hơn 4,35 triệu đơn vị, kết phiên giảm 4,8% xuống 10.000 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý như C4G kết phiên giảm 2,9% xuống 13.200 đồng/CP, PAS giảm 2,1% xuống 9.500 đồng/CP, VGI giảm 3% xuống 32.300 đồng/CP, LMH nới rộng đà giảm khi để mất 10,4% xuống 12.000 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa giảm, trong đó, VN30F2209 giảm 7 điểm (-0,5%) xuống 1.286 điểm, khớp lệnh hơn 229.690 đơn vị, khối lượng mở gần 44.970 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó, CSTB2210 vẫn giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh hơn 2,78 triệu đơn vị, kết phiên giảm 17,8% xuống 600 đồng/CQ. Tiếp theo là CSTB2212 khớp 1,87 triệu đơn vị và kết phiên giảm 5,8% xuống 1.300 đồng/CQ.