Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường đã khá thuận lợi trong phiên sáng, khi nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau nới rộng đà tăng, nhưng chỉ số VN-Index chưa thể vượt được đường MA50 ngày (1.220 điểm) do áp lực bán gia tăng về cuối phiên.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng hơn 40 phút mở cửa, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ trước sự hỗ trợ của một số mã lớn như SAB, BVH, VHM, BID..., chỉ số VN-Index bắt đầu quay đầu, dần thu hẹp đà tăng điểm trước áp lực bán gia tăng.
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi trong bối cảnh thị trường “chưa khỏe”, việc VN-Index đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng do áp lực chốt lời xuất hiện. Thêm vào đó, đây là phiên giao dịch cuối tuần, số nhà đầu tư có lãi cũng sẽ tranh thủ chốt lời, bảo toàn thành quả.
Đặc biệt, trong đợt khớp lệnh ATC, áp lực bán dâng cao với tâm điểm là cặp đôi lớn VIC và MSN, đã cản trở thị trường, đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu và ghi nhận phiên giảm điểm sau 2 phiên hồi phục trước đó.
Như vậy, dù thị trường khá “chật vật” với ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm trong tháng 7, nhưng chỉ số VN-Index đã kết thúc tháng với mức tăng nhẹ 8,73 điểm, tương ứng tăng 0,73% sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó.
Điều đáng nói là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh với những phiên giao dịch chỉ đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó phiên 7/7 thấp nhất đạt hơn 9.000 tỷ đồng – đây cũng là tháng thấp nhất trong nửa đầu năm 2022.
Đóng cửa, sàn HOSE có 189 mã tăng và 239 mã giảm, VN-Index giảm 1,79 điểm (-0,15%) xuống 1.206,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 590,32 triệu đơn vị, giá trị 15.034,55 tỷ đồng, giảm 11,73% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,26 triệu đơn vị, giá trị 2.118,5 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu lớn VIC là gánh nặng chính của thị trường khi bất ngờ bị “ép giá” trong đợt khớp ATC, đẩy cổ phiếu này về mức thấp nhất ngày. Cụ thể, VIC giảm 4,5% xuống mức 64.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ phiếu MSN cũng hụt hơi khi giảm 3,5% xuống mức giá thấp nhất ngày 106.100 đồng/CP. Ngoài ra, nhiều mã bluechip khác cũng tìm về vùng giá thấp nhất trong ngày với mức giảm trên dưới 1% như FPT, MWG, CTG, , PLX, VCB…
Trái lại, SAB vẫn là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi kết phiên tăng 4% lên mức 180.000 đồng/CP. Tiếp theo là BID tăng 2,2%, BVH tăng 2,1%, VHM tăng 1,9%, TCB tăng 1,6%, GAS tăng 1,1%...
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm nhấn của thị trường. Trong đó, VND và SSI có thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 26,44 triệu đơn vị và 20,79 triệu đơn vị. Kết phiên, VND tăng 1,3%, SSI tăng 0,9%, VCI tăng 4,1%, VDS tăng kịch trần, BSI tăng 3,3%...
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng đi ngược xu hướng chung của thị trường. Bên cạnh đầu tàu BVH tăng tốt, BIC tăng 4,4% lên mức giá cao nhất ngày 28.500 đồng/CP; PVI, VNR, PRE cùng tăng nhẹ trên dưới 1%, ABI tăng 14,2% lên 50.700 đồng/CP.
Nhóm ngân hàng phân hóa, với BID tăng tốt nhất ngành đạt 2,2%, các mã khác như TCB, VPB, STB, OCB tăng hơn 1%, còn MBB, ACB, SSB, EIB, VIB, MSB tăng nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi đó VCB, CTG, HDB, TPB, SHB, LPB điều chỉnh giảm trên dưới 1-2%.
Ở nhóm bất động sản, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. Bên cạnh sức ép lớn từ VIC, nhiều mã khác như PDR, KBC, KDH, DIG, IJC, SCR, ITA… mất điểm; trong khi KHG, ITC, SGR là điểm sáng ngành khi đóng cửa tại mức giá trần.
Tuy nhiên, nhóm hóa chất – phân bón là tiêu cực nhất khi đồng loạt đều giảm sâu, như DCM giảm 4,25% xuống 29.300 đồng/CP, DPM giảm hơn 5% xuống 44.600 đồng/CP, BFC giảm 2,17% xuống 22.500 đồng/CP, đáng kể là DGC giảm sàn về mức giá 89.300 đồng/CP với khối lượng khớp 6,4 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 73 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,42%) xuống 288,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,18 triệu đơn vị, giá trị 1.225,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 39,72 tỷ đồng.
Cổ phiếu HUT cũng quay đầu giảm 1,3%, đóng cửa tại mức giá 29.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn khá tốt, với 4,77 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó, CEO và PVS cũng giảm 1,3%, IDC đóng cửa giảm 1% xuống 61.700 đồng/CP, tuy nhiên, cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ HNX30 là PLC và VC3 với mức giảm tương ứng 3,3% và 2%.
Trong khi đó, TAR là mã tăng tốt nhất. Kết phiên, TAR tăng 2,5% lên 24.600 đồng/CP. Tiếp theo là NTP tăng 2,3%, LHC và TVC cùng tăng 1,2%, còn lại chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Đại diện nhóm chứng khoán, SHS vẫn có giao dịch vượt trội với thanh khoản đạt 11,32 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,8% lên 13.100 đồng/CP.
Tiếp theo đó về thanh khoản là bộ 3 mất điểm gồm HUT và PVS cùng khớp hơn 4,7 triệu đơn vị và CEO khớp 4,38 triệu đơn vị.
Cổ phiếu MBG mất sắc tím và đóng cửa chỉ tăng 5,3% lên 8.000 đồng/CP và khớp 2,93 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù trong gần suốt thời gian giao dịch của phiên chiếu, UPCoM-Index đều đứng dưới mốc tham chiếu, nhưng lực cầu gia tăng về cuối phiên đã giúp chỉ số này đảo chiều thành công.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%), lên 89,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54 triệu đơn vị, giá trị 680,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,46 triệu đơn vị, giá trị 71,28 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giá 24.500 đồng/CP, giảm 2% với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 10,22 triệu đơn vị.
Đứng thứ 2 về thanh khoản là PVX khớp 2,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,8% xuống mức 3.500 đồng/CP.
Một số cổ phiếu đáng chú ý như PAS tăng 3,5% lên 8.800 đồng/CP, OIL tăng 1,6% lên 12.600 đồng/CP, trong khi C4G giảm nhẹ 0,8% xuống 11.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đều hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2208 giảm 0,9 điểm, tương đương 0,1% xuống 1.230,7 điểm, khớp lệnh gần 166.960 đơn vị, khối lượng mở gần 43.470 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng CNVL2202 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp gần 2,23 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 200% lên 300 đồng/CQ.