Giao dịch chứng khoán chiều 29/12: VN-Index mất hơn 8 điểm, nhưng không thiếu điểm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực chốt lời khiến VN-Index quay đầu giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, nhưng không vì thế mà bảng điện tử thiếu đi các điểm nóng.
Giao dịch chứng khoán chiều 29/12: VN-Index mất hơn 8 điểm, nhưng không thiếu điểm nóng

Trong phiên sáng, sau khi lên test lại đỉnh cũ 1.500 điểm thất bại, VN-Index đã nhanh chóng bị đẩy xuống, sau đó lình xình quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng và đóng cửa với sắc đỏ nhạt, thanh khoản sụt giảm so với phiên sáng qua.

Thông tin quan trọng nhất hôm nay là số liệu kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố. Tuy nhiên, các số liệu này không gây quá nhiều bất ngờ khi dường như đã nằm trong dự báo trước đó.

Theo đó, sau khi có mức giảm kỷ lục 6,17% trong quý III do ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội để chống làn sóng Covid-19 lần thứ tư, nền kinh tế đã hoạt động tích cực trở lại trong quý IV sau khi giãn cách được nới lỏng dần và nền kinh tế bước vào thời kỳ thích ứng mới.

Theo đó, GDP trong quý IV/2021 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 (nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019). Nhờ sự trở lại nhanh chóng trong quý cuối năm, GDP cả năm 2021 của Việt Nam tăng 2,58%.

Trong khi đó, lạm phát vẫn kiểm soát tốt với mức tăng 1,84% - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, cán đích 668,5 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2021, cả nước có 119.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, cao hơn con số 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Trở lại với thị trường, dù các yếu tố vĩ mô nằm trong dự báo, dường như không tác động nhiều tới thị trường, nhưng ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực chốt lời đã diễn ra, dù không quá mạnh, nhưng trong bối cảnh dòng tiền lớn chưa thực sự trở lại, VN-Index đã bị rung lắc sau đó giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Ngưỡng cản ở đỉnh lịch sử 1.500 điểm sau 2 phiên không thể chinh phục, VN-Index bây giờ đã bị đẩy trở lại và vũng hỗ trợ của chỉ số này là vùng kháng cự cũ 1.480 điểm.

Dù số mã giảm chiếm ưu thế hơn số mã tăng, nhưng nguyên nhân chính khiến VN-Index mất đi phân nửa số điểm đã có được trong 2 phiên trước đến từ nhóm VN30 khi nhóm này số mã giảm nhiều gấp hai lần số mã tăng. Đáng kể nhất là cặp đôi nhà Vingroup (VIC và VHM). Sau phiên bứt phá hôm qua, VN30-Index hôm nay đã bị đẩy trở lại vùng hỗ trợ quanh đường MA20 (1.512 điểm), đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 1.515,94 điểm.

Chốt phiên chiều, VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,57%), xuống 1.485,82 điểm với 196 mã tăng, trong khi có tới 248 mã giảm và 66 mã đứng giá. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là điểm nóng trên sàn vẫn không hề thuyên giảm khi có tới 21 mã tăng trần, trong khi chỉ có duy nhất SVC giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 843,9 triệu đơn vị, giá trị 25.497 tỷ đồng, giảm 15,8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50 triệu đơn vị, giá trị 2.258 tỷ đồng.

Như đã đã đề cập ở trên, cặp đôi họ Vingroup chính là tác nhân chính khiến thị trường giảm mạnh hôm nay khi cặp đôi này lấy đi của VN-Index hơn 4 điểm. Trong đó, VIC giảm 2,9% xuống 95.500 đồng, mức giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 và lấy đi của VN-Index gần 3 điểm. Trong khi đó, VHM giảm 1,3% xuống 81.700 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 1,2 điểm.

Ngoài ra, nhóm VN30 còn ghi nhận các mã giảm mạnh như PNJ và GVR cùng giảm 2,5% xuống 93.200 đồng và 36.900 đồng. POW sau phiên hồi đầu tuần (27/12), đã quay đầu giảm trở lại trong 2 phiên liên tiếp, trong đó phiên hôm nay giảm 1,9% xuống 18.000 đồng, khớp 21,43 triệu đơn vị. Hai mã ngân hàng STB (-1,8% xuống 29.500 đồng) và TPB (-1,7%, xuống 41.350 đồng) là các mã giảm mạnh tiếp theo trong rổ VN30. Nhóm ngân hàng trong rổ VN30 còn có thêm 2 sắc đỏ dù mức giảm khiêm tốn là VCB và TCB. Ngoài ra, cũng phải kể đến các mã PDR, MWG, FPT, BVH, VRE, VNM. Hay GAS cũng đi ngược với xu hướng chung của nhóm dầu khí khi giảm 1,1% xuống 97.000 đồng.

Trong khi đó, ở chiều tăng, mã tăng mạnh nhất VN30 là SSI cũng chỉ 1,7% lên 49.650 đồng, khớp 9,81 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm KDH tăng 1% lên 53.000 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị. Các mã còn lại chỉ tăng ở mức khiêm tốn.

Về nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài 4 mã trong rổ VN30 kể trên, có thêm EIB giảm và cũng là mã giảm mạnh nhất nhóm 3,7% xuống 34.200 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, có thêm 3 mã đứng giá là BID, MBB và SHB, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là VIB tăng 2,8% lên 44.100 đồng, LPB tăng 2,5% lên 22.250 đồng, SSB tăng 2,4% lên 45.000 đồng, MBS tăng 1,3% lên 27.850 đồng…

Nhóm chứng khoán, ngoài SSI sắc xanh cũng là chủ đạo khi chỉ có 2 mã giảm là FTS và TVS, 2 mã đứng giá TVB và VIX. Trong đó, CTS thậm chí còn tăng trần lên 43.050 đồng, các mã lớn khác như HCM tăng 1,5% lên 44.000 đồng, VND tăng 0,6% lên 79.000 đồng, VCI tăng 1,1% lên 71.800 đồng…

Nhóm thép cũng có ngày giao dịch tích cực, đi ngược xu hướng thị trường khi chỉ có 2 mã lạ giảm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là “anh cả” HPG không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở mức tham chiếu 45.800 đồng. Ở chiều tăng, ngoài TNI tăng trần lên 9.130 đồng, còn có NKG tăng 3,8% lên 38.600 đồng, HSG tăng 2,8% lên 36.900 đồng, DTL tăng 6,8% lên 39.400 đồng.

Ở nhóm bất động sản, dù nhiều mã chịu áp lực chốt lời quay đầu giảm như QCG, FLC, ITA, DIG, IJC, NBB, KOS, NTL…, nhưng nhóm này không thiếu các điểm nóng khác thay thế như LHG, DRH, HAR khi đóng cửa còn dư mua trần. Bên cạnh đó, các mã tăng mạnh còn có CCI, VRC, VPH, LDG, KHG, HBC... Trong đó, LDG có lúc đã lên trần 24.050 đồng, trước khi hạ nhiệt trước áp lực chốt lời, đóng cửa tăng 3,3% lên 23.250 đồng, khớp 33 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ROS với 35,2 triệu đơn vị. ROS đóng cửa tăng khiêm tốn hơn với 1,1% lên 14.300 đồng.

Ngoài các mã kể trên, còn có thể kể đến các điểm nóng khác như HAG với mức trần 14.450 đồng, khớp 30,45 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường về thanh khoản và còn dư mua giá trần. CII tăng trần 47.700 đồng, khớp gần 11,8 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần…, bên cạnh một số mã dầu khí vừa và nhỏ như PXS, PXI và các mã khác…

Người anh em của HAG là HNG dù không giữ được mức trần 13.850 đồng, nhưng cũng đóng cửa tăng 5,4% lên 13.650 đồng với thanh khoản 27,94 triệu đơn vi, đứng ngay sau HAG.

Trên sàn HNX, dù có rung lắc, nhưng HNX-Index đứng khá vững do không chịu tác động mạnh từ một vài mã lớn như trên HOSE, nên chỉ số này giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ, gần như không đổi.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,05%), xuống 457,83 điểm với 117 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 116,6 triệu đơn vị, giá trị 3.428,4 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 273 tỷ đồng.

Các mã lớn trên sàn có sự phân hóa, trong đó tăng mạnh nhất là KSF với 4,4% lên 76.000 đồng và cũng là mã đóng góp lớn nhất cho HNX-Index. Ngoài ra, còn có SHS tăng 1,25% lên 48.600 đồng, khớp 4,86 triệu đơn vị, CEO tăng 1% lên 70.800 đồng, khớp 9,81 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Trong khi giảm mạnh nhất là IDC giảm 2,84% xuống 71.900 đồng, khớp 2,37 triệu đơn vị. NVB giảm 1,96% xuống 30.000 đồng.

UPCoM cũng chỉ có chút rung lắc nhẹ trước khi trở lại và giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,29%), lên 110,76 điểm với 189 mã tăng (26 mã trần) và 150 mã giảm (10 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 105,9 triệu đơn vị, giá trị 2.134 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 22 triệu đơn vị, giá trị 452 tỷ đồng.

Tâm điểm trên UPCoM hôm nay là VHG khi có sức hút lớn, đóng cửa tăng trần lên 9.800 đồng, thanh khoản 12,47 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số điểm nóng khác đáng chú ý như PXL tăng trần lên 22.000 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị, dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị; PFL đóng cửa ở mức trần 11.700 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị…

Trong khi đó, các mã đáng chú ý của thị trường này, đa số đều đóng cửa giảm như BSR giảm 1,3% xuống 23.300 đồng, thanh khoản 7,58 triệu đơn vị; HHV giảm 1,1% xuống 26.700 đồng, thanh khoản 6,42 triệu đơn vị; VGT giảm 1,8% xuống 26.800 đồng, thanh khoản 3,87 triệu đơn vị; ABB giảm 2,2% xuống 22.500 đồng, thanh khoản 3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có sự phân hóa khi 2 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 2 và tháng 3 biến động trái chiều thị trường cơ sở khi đóng cửa tăng nhẹ, còn hợp đồng đáo hạn tháng 1 và tháng 6 giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 1 chỉ giảm 1,2 điểm (-0,08%), xuống 1.519 điểm với 101.607 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.225 hợp đồng, trong khi VN30-Index giảm 7,6 điểm (-0,50%).

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm khá cân bằng, nhưng số mã giảm biên độ mạnh hơn nhiều so với chiều tăng. Cụ thể, mã tăng mạnh nhất là CVNM2109 do SSI phát hành chỉ tăng 16,7% lên 70 đồng, thanh khoản 900.200 đơn vị. Trong khi giảm mạnh nhất là CVIC2105 cũng do SSI phát hành khi mất 53,3% xuống 70 đồng, thanh khoản 578.300 đơn vị. Mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trội so với phần còn lại là CHPG2111 cũng do SSI phát hành với gần 3,72 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 20% xuống 120 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục