Giao dịch chứng khoán chiều 28/9: VN-Index lao dốc về vùng 1.140 điểm trong phiên kéo xả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi kéo lên đầu phiên chiều, lực bán gia tăng đã đẩy các chỉ số lao mạnh, trong đó VN-Index bị đẩy lùi sâu về thử thách vùng đáy cũ thiết lập hồi đầu tháng 7/2022.
Giao dịch chứng khoán chiều 28/9: VN-Index lao dốc về vùng 1.140 điểm trong phiên kéo xả

Hòa chung với sự thận trọng chung của chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng nay với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, VN-Index vẫn may mắn giữ được mốc 1.150 điểm, mốc hỗ trợ tâm lý tạm thời trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Sang đến phiên chiều, bất ngờ xuất hiện lực cầu đỡ giá ở một số mã bluechip, đặc biệt là VCB, kéo VN-Index có nhịp hồi hơn 12 điểm về sát mức tham chiếu. Tuy nhiên, khi VN-Index vừa được kéo lên vùng 1.160 điểm và nhận thấy lực cầu đua theo gia tăng, lượng hàng chực chờ đã được mở chốt tung vào thị trường, đẩy VN-Index lao mạnh trở lại khi có nhịp giảm hơn 20 điểm về vùng đáy cũ xác lập ngày 7/7/2022 (1.142,8 điểm).

Dù vùng đáy này đã phát huy được vai trò hỗ trợ tốt, giúp VN-Index có nhịp nảy trở lại gần 10 điểm, trở lại mức giá đóng cửa phiên sáng. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực cung lớn giá thấp được tung vào đã đẩy chỉ số quay đầu trở lại, đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày với hàng chục mã giảm sàn, trong khi phiên sáng chỉ lác đác vài mã.

Chốt phiên, VN-Index giảm 22,92 điểm (-1,96%), xuống 1.143,89 điểm với 95 mã tăng (nhiều hơn phiên sáng 20 mã), nhưng số mã giảm cũng nhiều hơn 18 mã so với phiên sáng khi có tới 366 giảm, trong đó có tới 33 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 526,3 triệu đơn vị, giá trị 11.698 tỷ đồng, tăng 13,7% về khối lượng và 11,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31 triệu đơn vị, giá trị 1.069 tỷ đồng.

Lực bán mạnh khiến hàng loạt mã giảm sàn, trong đó đáng chú ý là VCG bị đẩy xuống kịch sàn 24.000 đồng, khớp 14,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn tới hơn 1,5 triệu đơn vị. Các mã trong nhóm bất động sản, xây lắp, khoáng sản được đánh giá có lợi nhờ đầu tư công khác cũng giảm kịch sàn có HBC giảm về 18.150 đồng, CTD về 62.700 đồng, FCN về 14.800 đồng, KSB về 25.900 đồng, CTR về 62.400 đồng, HHV về 15.150 đồng, LCG về 11.000 đồng, CTI về 14.850 đồng; hay các mã bất động sản khác DXS về 16.650 đồng, VPH về 7.400 đồng, NVT về 12.000 đồng, CCI về 26.800 đồng, TDC về 18.600 đồng…

Thậm chí, cả nhóm nông sản, thực phẩm, bán lẻ… được đánh giá tích cực cũng giảm sàn PAN, DBC, FRT, AGM…

Thậm chí, các mã bluechip như VIC, GAS, VHM, MSN cũng có lúc tưởng chừng sẽ bị đẩy về mức sàn. Dù thoát mức sàn, nhưng đóng cửa cũng giảm mạnh về mức thấp nhất ngày (ngoài trừ VHM). Cụ thể, GAS giảm 6,7% xuống 104.000 đồng, mạnh nhất nhóm VN30, khớp 0,66 triệu đơn vị; VIC giảm 5,7% xuống 57.500 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị; VHM giảm 5,4% xuống 51.200 đồng, khớp hơn 2,6 triệu đơn vị; MSN giảm 5,2% xuống 102.100 đồng, khớp 0,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VPB vẫn giữ được phong độ với mức tăng 1,4% lên 18.500 đồng, khớp 10,5 triệu đơn vị. Nhóm ngân hàng EIB không còn giữ được sắc xanh, đảo chiều giảm 1,4% xuống 35.000 đồng, nhưng thay vào đó là bệ đỡ vững chắc hơn nhiều là VCB đảo chiều tăng 0,9% lên 75.000 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ của SSI tăng 1% lên 19.750 đồng, khớp 14,1 triệu đơn vị, VRE tăng 0,8% lên 26.850 đồng, PDR tăng 0,6% lên 50.300 đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của các mã này, đặc biệt là VCB, VN-Index có thể đã xuyên thủng đáy cũ.

Ở nhóm chứng khoán, ngoài SSI, thì VND và HCM cũng duy trì được phong độ có được từ phiên sáng với mức tăng lần lượt là 1,7% lên 17.800 đồng và 1,2% lên 26.200 đồng. Trong đó, VND vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và đứng thứ 2 thị trường với 19,7 triệu đơn vị. HCM khớp 11,2 triệu đơn vị, đứng sau VND và SSI trong nhóm.

Về các mã vừa và nhỏ, lực cung lớn ép bộ đôi HAG và HNG về mức kịch sàn 12.550 đồng và 5.590 đồng. Trong đó, HAG có thanh khoản tốt nhất thị trường với 45,7 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị, còn HNG khớp hơn 11 triệu đơn vị và không còn dư bán sàn (còn dư mua sàn hơn nửa triệu đơn vị).

Mã đầu ngành thép là HPG nới đà giảm khi đóng cửa mất 2,7% xuống 21.800 đồng, khớp 14,1 triệu đơn vị, dù phiên sáng vẫn có sắc xanh nhạt.

Diễn biến trên sàn HNX cũng tương tự khi chỉ số chính của sàn này được kéo lên tham chiếu, sau đó hàng được bán đồng loạt ra đẩy HNX-Index về mức đáy của ngày 252,02 điểm, dù nảy lên sau đó, nhưng cũng giảm trở lại trong đợt ATC, đóng cửa ở mức thấp gần nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,17 điểm (-1,24%), xuống 252,35 điểm với 61 mã tăng, trong khi có tới 135 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,2 triệu đơn vị, giá trị 1.159, tỷ đồng, tăng 26,6% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Hai mã chứng khoán là SHS và MBS vẫn duy trì được sắc xanh, trong đó SHS chỉ còn tăng 1% lên 10.400 đồng, khớp 13 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX, còn MBS vẫn tăng 1,8% lên 17.000 đồng, khớp gần 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã đáng chú ý và có tác động đáng kể khác tới chỉ số là PVS, IDC, CEO, HUT đều nới đà giảm. Cụ thể, PVS giảm 3% xuống 22.800 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 6,3 triệu đơn vị; IDC giảm 4,1% xuống 49.500 đồng, cũng là mức thấp nhất ngày, khớp 3,9 triệu đơn vị; CEO giảm 0,9% xuống 23.200 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị; HUT giảm 3,7% xuống 23.700 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị.

Mã lương thực TAR cũng bị bán mạnh hôm nay, có lúc về sàn 25.000 đồng, trước khi đóng cửa giảm 8,7% xuống 25.300 đồng khi đóng cửa, khớp 3,2 triệu đơn vị.

UPCoM cũng xác lập mức đáy của ngày trong phiên chiều, sau đó bật trở lại trong những phút cuối phiên, nhưng không thể về lại được mức của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,87 điểm (-1,00%), xuống 85,84 điểm với 99 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,3 triệu đơn vị, giá trị 582 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR và C4G vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 8,24 triệu đơn vị và 5,75 triệu đơn vị. Đóng cửa giảm mạnh lần lượt 6% xuống 20.400 đồng và 9,8% xuống 12.900 đồng. Trong khi đó, CEN vẫn giữ đà tăng, nhưng hạ thấp độ cao gần một nửa khi chỉ còn tăng 2,7% lên 7.600 đồng, thanh khoản 1,62 triệu đơn vị.

Ngoài ra, có thêm 3 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trong phiên chiều là SBS, VGT và VHG, trong đó chỉ có VHG giữ giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 21,8 điểm (-1,84%) xuống 1.160,66 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 10 giảm 20 điểm (-1,69%), xuống 1.165 điểm với 349.517 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 53.397 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó có 6 mã giảm từ 50% trở lên, trong đó MBS, KIS và SSI mỗi công ty phát hành 2 mã. Hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, đều là chứng quyền của STB và đều do KIS phát hành là CSTB2213 và CSTB2211, trong đó 1 mã đứng giá tham chiếu, còn 1 mã giảm nhẹ khi đóng cửa.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục