Sự hào hứng của thị trường chứng khoán thế giới đã tác động tích cực tới chứng khoán Việt Nam phiên đầu tuần hôm nay (27/6), dù dòng tiền chưa nhập cuộc mạnh mẽ nhưng các cổ phiếu nhóm trụ cột nhận được dòng tiền ủng hộ đã đẩy VN-Index tăng khá chắc trong phiên chiều để vượt qua mốc cản 1.200 điểm.
Bộ ba "bằng chứng thép" đã lâu rồi mới đồng loạt nổi sóng trong cùng một phiên, dù nhóm ngân hàng có vẻ khá lưỡng lự, không bứt tốc đáng kể như nhóm thép và nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán.
Tuy vậy, điểm nhấn trong phiên hôm nay nằm ở các "tên tuổi" cũ khi đồng loạt tăng trần ấn tượng. Nhóm những cổ phiếu hút dòng tiền hồi đầu năm như GEX sau khi giảm tới 66% thị giá so với mức đỉnh hơn 50.000 đồng/CP đã khoe sắc tím ở mốc giá... 20.300 đồng/CP; DIG sau khi giảm hơn 70% thị giá so với mức đỉnh cũng có mức tăng giá khá tốt hơn 3% phiên hôm nay,...
Nói như vậy để có thể thấy rằng, chứng khoán Việt Nam sau 2 đợt lao dốc liên tiếp trong vòng 3 tháng qua đã đưa rất nhiều cổ phiếu đi xa, thật xa khỏi vùng đỉnh của mình. Việc bật tăng trở lại phiên hôm nay có thể chưa nói lên nhiều điều, nhưng ít nhất cũng là một dịp nhắc nhở các nhà đầu tư rằng, giá cổ phiếu đang rất rẻ, đang nằm ở mức giá không thể có khi thị trường còn đang sôi động cách đây mới nửa năm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 340 mã tăng (37 mã tăng trần) và 116 mã giảm, VN-Index tăng 17,34 điểm (+1,46%) lên 1.202,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 526,95 triệu đơn vị, giá trị 12.315,3 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và gần 21% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 24/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 97,22 triệu đơn vị, giá trị 2.557,6 tỷ đồng.
Đóng góp chính cho đà tăng mạnh của thị trường là nhóm cổ phiếu chứng khoán với hàng loạt mã tăng kịch trần như APG, BSI, CTS, FTS, HCM, ORS, VIX, VND. Trong đó, cổ phiếu VND vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, với xấp xỉ 25,2 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1, triệu đơn vị.
Các mã còn lại trong ngành cũng có phiên tăng mạnh, điển hình như SSI tăng 6,7% lên sát mức giá trần 19.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 13,9 triệu đơn vị; hay VCI cũng tăng 6,8% lên ngấp nghé giá trần 36.000 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng hồi phục mạnh với HSG tăng kịch trần, TLH và NKG tăng sát trần với biên độ tăng trên dưới 6,5%, cổ phiếu HPG tăng 5% lên mức giá cao nhất ngày 22.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua VND, đạt 20,74 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mã đầu ngành VCB điều chỉnh nhẹ 0,13% và LPB đảo chiều giảm mạnh khi để mất 4,55%, cùng cặp EIB và OCB đứng giá tham chiếu, còn lại hầu hết đều nới rộng đà tăng điểm. Trong đó, CTG tăng 3,43%, TPB tăng 2,7%, các mã BID, MBB, SHB, HDB, STB, MSB tăng hơn 1%...
Các nhóm khác như thiết bị điện, vận tải – kho bãi cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc với hàng loạt mã đua trần như GEX, GEG, hay HVN, VOS, SKG. Trong đó, GEX có thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 10,28 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản không nằm ngoài xu hướng chung, ngoài mã lớn VIC và BCM điều chỉnh nhẹ, sắc xanh đang chiếm chủ đạo, điển hình như NVL tăng 6,5%, KBC tăng 6,31%, DIG tăng 3%, IJC tăng 4,63%..., các mã TCH, TCD, DXS, FLC… tăng kịch trần.
Trong rổ VN30, sắc xanh cũng phủ trên diện rộng khi có tới 26 mã tăng và chỉ còn 4 mã mất điểm. Chỉ số Vn30 kết phiên tăng 21,2 điểm, vượt xa ngưỡng 1.250 điểm.
Bên cạnh những mã lớn đầu ngành chứng khoán, bất động, chứng khoán tăng tốt, một số mã khác trong rổ VN30 cũng tìm tới mức giá cao nhất ngày khi kết phiên, hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường. Cụ thể như PNJ tăng 6,1% lên mức giá cao nhất ngày 129.500 đồng/CP, VJC tăng 3,7% lên 133.000 đồng/CP, MSN tăng 3,2% lên 113.000 đồng/CP, GVR tăng 2,6% lên 23.350 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nhen nhóm tạo sóng với hàng loạt mã tăng kịch trần như CIG, TDH, EVG, FLC, HAG, JVC, TGG, ROS, HAI, OGC…
Trái lại, ITA vẫn trong trạng thái bị bán tháo. Kết phiên, ITA giảm 7% xuống mức giá sàn 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 4 triệu đơn vị và dư bán sàn 17,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù không giữ được vùng đỉnh trong ngày nhưng diễn biến khởi sắc chung của thị trường cũng giúp HNX-Index có phiên tăng tốt.
Chốt phiên, sàn HNX có 145 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index tăng 4,5 điểm (+1,63%) lên 280,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,4 triệu đơn vị, giá trị gần 962 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 78,63 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã giao dịch trong sắc đỏ là L14 giảm 3,6% xuống 106.000 đồng/CP, NVB giảm 3,1% xuống 31.400 đồng/CP, LAS giảm 1,6% xuống 12.600 đồng/CP.
Ngoài ra, có 3 mã đứng giá là LHC, NRC và TIG, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu HUT tiếp tục nới rộng biên độ trong phiên chiều và đóng cửa ở vùng giá cao nhất ngày khi tăng 8,4% lên mức 27.200 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hơn 3,1 triệu đơn vị. Các mã tăng mạnh khác như SLS tăng kịch trần, IDC tăng 5,4%, PVS tăng 2,5%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch cũng khởi sắc với KLF tăng 3,1% lên 3.300 đồng/CP và khớp 2,55 triệu đơn vị, BII tăng kịch trần và khớp gần 1,6 triệu đơn vị, APS và IDJ cùng tăng 6,1% và khớp gần 1 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng có phiên tăng mạnh. Ngoài SHS tăng mạnh 5,6% lên mức 15.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 6,32 triệu đơn vị; các mã khác trong ngành như MBS tăng 7,8%, APS tăng 6,1%, ART tăng 2,1%, TVC tăng 3,7%, VIG tăng 6,7%, BVS tăng 4,4%...
Trên UPCoM, thị trường nới rộng đà tăng và đóng cửa tại vùng đỉnh của ngày.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,04 điểm (+1,2%), lên 88,14 điểm với 196 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,82 triệu đơn vị, giá trị 685 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,3 triệu đơn vị, giá trị 110,64 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR hạ nhiệt sau nhịp tăng mạnh ở phiên sáng. Kết phiên, BSR tăng 2,1% lên mức 28.700 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 12,24 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành – OIL vẫn giữ mức tăng 4,1%, đóng cửa đứng tại 12.800 đồng/CP và thanh khoản đứng ở top 5 với khối lượng khớp hơn 1,31 triệu đơn vị.
Cổ phiếu đáng chú ý PAS đã không kéo trần thành công, rời xa sắc tím sau 2 phiên liên tiếp khoe sắc ở cuối tuần trước, tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn đóng cửa ở mức giá cao nhất trong phiên với mức tăng cũng khá ấn tượng. Cụ thể, PAS tăng 12,9% lên 9.600 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu SBS cũng đóng góp tích cực trong nhóm cổ phiếu chứng khoán khi kết phiên tăng 6% lên mức 8.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua BSR, đạt hơn 2,8 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng, trong đó VN30F2207 đáo hạn gần nhất tăng 20,9 điểm (+1,7%) lên 1.247,9 điểm, khớp lệnh hơn 218.950 đơn vị, khối lượng mở 42.435 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã với thanh khoản lớn nhất là CACB2102 đóng cửa ở mức giá sàn khi giảm 50% xuống 10 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,54 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó là CSTB2211 khớp hơn 1,8 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 3,4% xuống 560 đồng/CQ.