Giao dịch chứng khoán chiều 27/4: Dòng bank gia tăng sức ép, VN-Index giảm gần 6 điểm

(ĐTCK) Trong khi thị trường tiếp tục diễn biến phân hóa thì nhóm cổ phiếu ngân hàng gia tăng sức ép khi phần lớn đều rơi xuống mức giá thấp nhất ngày, đã khiến VN-Index lui về ngưỡng 770 điểm trong phiên đầu tuần 27/4.
Giao dịch chứng khoán chiều 27/4: Dòng bank gia tăng sức ép, VN-Index giảm gần 6 điểm

Những tưởng dòng tiền nội hoạt động mạnh sẽ tiếp đà tăng thị trường nhưng áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh trước khi chốt phiên sáng dù trong phần lớn thời gian chỉ số này đã đứng trên mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường không khởi sắc thêm khi vắng bóng những thông tin hỗ trợ tích cực.

Trong khi thị trường giao dịch khá phân hóa với số mã tăng và giảm trên bảng điện tử khá cân bằng, thì nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng gánh nặng, đặc biệt là dòng bank hầu hết đều nới rộng biên độ giảm khi chịu thêm sức ép đến từ cung ngoại, đã đẩy VN-Index lùi về mốc 770 điểm, tương ứng giảm tới 15 điểm so với mức cao nhất trong ngày – ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Cụ thể, ngoại trừ VPB vẫn giữ được sắc xanh dù tiếp tục thu hẹp biên độ khi +2,4%, còn lại phần lớn đều tìm về mức giá thấp nhất ngày như VCB -3% xuống mức 66.800 đồng/CP, BID -2,5% xuống 35.100 đồng/CP, CTG -1,8% xuống 18.850 đồng/CP, STB -1,2% xuống mức giá 8.990 đồng/CP; MBB -2,2% xuống mức 15.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực hơn như BVH -1,2% xuống mức thấp nhất ngày 46.450 đồng/CP, GAS -1,4% xuống 64.200 đồng/CP, MSN -1,7% xuống 58.500 đồng/CP, PLX -2,8% xuống 40.200 đồng/CP, VIC -1,1% xuống 92.000 đồng/CP, VHM -0,8% xuống 64.500 đồng/CP, VRE -2,1% xuống 23.500 đồng/CP.

Cổ phiếu lớn VNM sau phiên bùng nổ cuối tuần trước (24/4) đã đuối sức trong phiên hôm nay. Đặc biệt, về cuối phiên chiều, lực bán gia tăng đã đẩy VNM về mốc tham chiếu dù trong phần lớn thời gian, cổ phiếu này vẫn giao dịch trong sắc xanh.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS vẫn dẫn đầu thanh khoản với 14,54 triệu đơn vị được khớp lệnh và kết phiên +4,58% lên 3.880 đồng/CP; ITA lấy lại mức giá trần 2.420 đồng/CP với khối lượng khớp 11,72 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị; AMD nhích nhẹ 0,6% lên 3.300 đồng/Cp và khớp hơn 10 triệu đơn vị…

Đóng cửa, sàn HOSE có 186 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index giảm 5,89 điểm (-0,76%), xuống 770,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 307,36 triệu đơn vị, giá trị 4.704,9 tỷ đồng, tăng 17,19% về khối lượng và 19,63% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (24/4).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,51 triệu đơn vị, giá trị 932,37 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận 23,79 triệu đơn vị, giá trị 356,85 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường không có nhiều biến động và diễn biến giằng co nhẹ quanh vùng giá 106 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 90 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,63%), xuống 106,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,76 triệu đơn vị, giá trị 306,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,53 triệu đơn vị, giá trị 66,19 tỷ đồng.

Cũng giống sàn HOSE, dòng bank trên HNX cũng có phần kém tích cực với biên độ giảm nới rộng hơn, cụ thể ACB -1% xuống 20.100 đồng/CP, SHB -1,8% xuống 16.100 đồng/CP, NVB -2,4% xuống 8.000 đồng/CP.

Trái lại, nhóm HNX30 cũng chỉ còn lác đác chấm xanh, trong đó cổ phiếu lớn VCG và VCS vẫn chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Cổ phiếu nhỏ KLF vẫn giao dịch sôi động nhất sàn HNX với 8,92 triệu đơn vị được khớp lệnh và kết phiên bảo toàn mức giá trần 2.000 đồng/CP. Trong khi đó, ART lùi về mốc tham chiếu 2.500 đồng/CP và khớp 2,24 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch có phần tích cực hơn giúp thị trường tiếp tục nhích bước.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,6%), lên 51,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,85 triệu đơn vị, giá trị 148,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,52 triệu đơn vị, giá trị gần 72,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB đã lấy lại mốc tham chiếu 6.900 đồng/CP và vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM với gần 3,1 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu dầu khí tiếp tục để mất điểm, cụ thể BSR -3,33% xuống 5.800 đồng/Cp và khớp 2,42 triệu đơn vị; OIL -5,19% xuống 7.300 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.

Mặt khác, một số mã lớn giao dịch khá tích cực, đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VEA +3,6% lên 35.000 đồng/CP, BCM +10,4% lên 23.400 đồng/CP, FOX +3,3% lên 47.000 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều đảo chiều giảm điểm, trong đó, VN30F2005 đáo hạn gần nhất giảm 0,66% xuống 692,3 điểm với hơn 209.720 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở có hơn 30.690 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 13 mã tăng, 8 mã đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, CREE2001 có giao dịch sôi động nhất với 86.824 đơn vị khớp lệnh, và giảm 7,69% xuống 240 đồng/cq; tiếp theo là CROS2001 khớp 80.813 đơn vị và kết phiên +33,33% lên 40 đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục