Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng như trò chơi tàu lượn với những nhịp kéo lên rồi đạp xuống liên tục. VN-Index có lúc rơi tự do hơn 31 điểm, xuống sát ngưỡng 1.100 điểm trước khi hồi nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm hơn 2%.
Bước vào phiên chiều, ngay đầu phiên, lực bán đã ồ ạt được tung ra, khiến VN-Index thêm một lần lao dốc với mức giảm hơn 47 điểm.
Dường như thị trường nhạy cảm với thông tin về Covid sau thông tin một nữ công nhân Hải Dương dương tính nCoV khi đến Nhật Bản.
Đại diện UBND xã Hưng Đạo (TP. Chí Linh, Hải Dương) cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được 17 người tiếp xúc gần với nữ công nhân trên. 17 trường hợp F1 này được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm. Đồng thời, khu vực gia đình nữ công nhân này sinh sống cũng được phun khử trùng.
Sau khi xuống dưới ngưỡng 1.090 điểm, lực cầu bắt đáy giúp VN-Index hồi trở lại, nhưng do tắc đường nên giao dịch nhỏ giọt và VN-Index gần như đi ngang dưới ngưỡng 1.100 điểm trong suốt thời gian còn lại của phiên chiều.
Chốt phiên, VN-Index giảm 38,95 điểm (-3,43%), xuống 1.097,17 điểm với với 51 mã tăng (ít hơn so với 83 mã của phiên sáng), trong khi số mã giảm tăng từ 378 mã lên 413 mã, trong đó có tới 72 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 785,7 triệu đơn vị, giá trị 16.779,4 tỷ đồng, giảm hơn 4% về khối lượng và cả giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,6 triệu đơn vị, giá trị 1.162,6 tỷ đồng.
Trong top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, sắc xanh vốn đã ít trong phiên sáng càng ít hơn trong phiên chiều khi VIC đảo chiều giảm 1,48% xuống 100.000 đồng, trong khi các mã khác như NVL, MWG, BCM, VIB hãm đà tăng đáng kể.
Trong khi đó, đà giảm ở các mã còn lại được nới rộng thêm khi có tới tới 9 giảm hơn 5% là GAS, CTG, GVR, VRE, VPB, MBB, POW, TPB, EIB, trong đó ngoài GVR có thêm VRE giảm sàn, MBB cũng mất tới 6,25% xuống 24.000 đồng.
Các mã giảm hơn 4% có VHM (-4,18%), HPG (-4,73%), TCB (-4,29%), FPT (-4,55%), BVH (-4,13%), HDB (-4,9%), STB (-4,7%). Các mã còn lại đa số giảm từ hơn 2% đến hơn 3%.
Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là STB với hơn 32 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG với 28 triệu đơn vị, MBB gần 22,8 triệu đơn vị, TCB gần 18,8 triệu đơn vị, POW hơn 14,5 triệu đơn vị…
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi lực bán tháo diễn ra khắp bảng điện tử, thì cặp đôi ROS và FLC lại bất ngờ tỏa sáng, trong đó FLC thiếu chút may mắn để giữ được sắc tím. Chốt phiên, FLC tăng 6,7% lên 7.150 đồng, khớp 45,6 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường. ROS cũng tăng mạnh 5,9% lên 5.170 đồng, khớp 39,9 triệu đơn vị, đứng phía sau.
Cặp đôi này bơi ngược dòng lũ đỏ hôm nay có thể đến từ thông tin kết quả kinh doanh khởi sắc của FLC vừa được công bố. Theo đó, tập đoàn này báo lợi nhuận hợp nhất quý IV/2020 ước tính 2.500 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, qua đó giúp lợi nhuận cả năm ước đạt 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, HQC, ITA, HAG, KBC, DLG, LDG, PVT, ASM, TTF…, đồng loạt giảm sàn và còn dư bán sàn. Trong đó, HQC thanh khoản đạt 23,8 triệu đơn vi, ITA 18,4 triệu đơn vị, HAG 16,2 triệu đơn vị (không còn dư bán sàn), KBC 13,4 triệu đơn vị, DLG 11,2 triệu đơn vị. Với KBC, đây là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp sau chuỗi bứt phá từ cuối năm 2020 từ mức giá trên dưới 15.000 đồng lên thẳng trên 45.000 đồng.
Ngoài ra, FIT tiếp tục có phiên bán tháo thứ 4 liên tiếp xuống 16.350 đồng, nhưng điểm tích cực là lực mua đã tốt hơn 4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 5 triệu đơn vị…
Nhóm chứng khoán hôm nay cũng bị bán tháo mạnh và đồng loạt giảm sàn như SSI xuống 29.800 đồng, khớp 14 triệu đơn vị, dư bán sàn; VND xuống 24.300 đồng, khớp 7,6 triệu đơn vị, dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị; VIX xuống 23.050 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; BSI xuống 13.000 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; AGR xuống 10.500 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị, VCI xuống 52.700 đồng, khớp gần 1,9 triệu đơn vị; CTS xuống 13.650 đồng; TVB xuống 12.200 đồng…
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tăng tự HOSE với cú sụt mạnh ngay đầu phiên chiều trước khi hồi trở lại, hạn chế bớt đà giảm sau đó, nhưng cũng không tránh khỏi phiên giảm mạnh hơn 3%.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 7,03 điểm (-3,09%), xuống 220,79 điểm với 48 mã tăng, trong khi có tới 167 mã giảm, trong đó có 44 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 146,86 triệu đơn vị, giá trị 2.097,3 tỷ đồng, giảm 22,7% về khối lượng và 21,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,8 triệu đơn vị, giá trị 272,4 tỷ đồng.
Các mã lớn trên sàn này chỉ có NVB đảo chiều ngoạn mục khi đóng cửa tăng 4,51% lên 13.900 đồng, mức cao nhất ngày, khớp 4,5 triệu đơn vị, còn lại đều giảm mạnh.
Trong đó, THD giảm 0,63% xuống 159.000 đồng, trái ngược với mức tăng 0,63% của phiên sáng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ hơn 713.000 đơn vị. Trong khi đó, SHB giảm mạnh 4,88% xuống 15.600 đồng, khớp 23,2 triệu đơn vị, đứng đầu HNX.
Các mã có vốn hóa lớn kế tiếp cũng giảm mạnh như VCS giảm 7,24% xuống 78.100 đồng, IDC giảm sàn xuống 35.500 đồng, khớp 5,2 triệu đơn vị; PVS giảm 8,6% xuống 17.000 đồng, khớp 9,8 triệu đơn vị; DTK giảm 2,38% xuống 12.300 đồng… Các mã khác như TNG, CEO, PLC… thậm chí còn giảm sàn.
Nhóm chứng khoán trên sàn này cũng giảm mạnh như MBS giảm sàn xuống 18.200 đồng, SHS giảm 9,6% xuống 22.600 đồng…, ART giảm sàn xuống 5.700 đồng, BVS giảm sàn xuống 17.600 đồng, VIG giảm sàn xuống 4.500 đồng…
Các mã nhỏ hơn như KLF, HUT, ACM, MBG, DST, BCC… cũng đồng loạt nằm sàn.
Thị trường UPCoM cũng chịu cảnh bán tháo mạnh trong phiên chiều như 2 sàn niêm yết. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,96 điểm (-2,56%), xuống 74,46 điểm với 81 mã tăng và 194 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,7 triệu đơn vị, giá trị 896 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 52,8 tỷ đồng.
BSR có thanh khoản cũng như mức giảm hơn gấp đôi so với phiên sáng khi khớp 9,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm mạnh 7,3% xuống 10.200 đồng. Tiếp theo là KSH với 4 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng mạnh 9,5% lên 2.300 đồng.
Các mã lớn như nhóm Viettel, OIL, MSR, ACV… đều đóng cửa giảm mạnh trên dưới 9%.
Các mã nhỏ hơn như SBS, AAS, PFL, G36, PVV, VNH, ATB, VHG… đồng loạt nằm sàn.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều có mức giảm mạnh hơn nhiều thị trường cơ sở với mức giảm hơn 4%, thậm chí hợp đồng đáo hạn ngày 17/6 giảm hơn 5%. Cụ thể, VN30-Index giảm 3,69% xuống 1.083,63 điểm, còn VN30F2102 đáo hạn ngày 18/2 giảm 4,5% xuống 1.082,2 điểm với 285.857 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.217 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm với số mã tăng chỉ 9 mã. Trong đó, tăng mạnh nhất là CSTB2016 và CMBB2008 với mức tăng hơn 10% lên 3.200 đồng và 9.000 đồng. Ở chiều ngược lại, có 5 mã giảm sàn, nhưng mã giảm mạnh nhất là CVNM2014 giảm tới 32,1% xuống 1.800 đồng. Các mã giảm hơn 20% có CVIC2007, CVRE2015, CSTB2015, CMSN2014, CSTB2011, CVRE2009. Về thanh khoản, CTCH2002 là mã có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng chưa tới 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 18,1% xuống 1.040 đồng/chứng quyền.