Dù lịch sử vẫn lặp lại trong những phiên giao dịch cuối năm khi thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh bởi lượng tiền rút ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng dòng tiền ít ỏi này không ngừng vận động mạnh, luân chuyển qua các nhóm ngành trong những phiên gần đây.
Sau khi hướng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã bất động sản vốn hóa lớn, giúp thị trường vững vàng tăng tốc, trong phiên sáng nay (ngày 27/1), nhóm cổ phiếu này đã có dấu hiệu bị chốt lời khiến thị trường rung lắc và đặc biệt, sang phiên chiều, lực bán ở nhóm này tiếp tục gia tăng khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.
Ngay khi mở cửa phiên chiều, sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và dòng bank nói riêng đang lan rộng ra thị trường, đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc 1.470 điểm, thậm chí có thời điểm bay hơn 16 điểm, về dưới mốc 1.465 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu khá tích cực khi một lượng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào xu hướng tăng của thị trường sẽ trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, đã giúp VN-Index bật ngược đi lên và thu hẹp đà giảm điểm.
Với diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản lại bị bán mạnh và đồng loạt quay đầu giảm điểm, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán lại nổi dậy và trở thành điểm nhấn của thị trường trong phiên giao dịch sát Tết, giúp VN-Index lấy lại mốc 1.470 điểm.
Về mặt kỹ thuật thì phiên giảm điểm hôm nay không quá lo ngại, sau khi VN-Index nỗ lực vượt đường MA20 không thành công phiên hôm qua đã buộc phải lui lại tìm cơ hội mới để vượt lên. Điểm tích cực là sau khi chạm đỉnh trên của mây Ichimoku ở vùng 1.464 điểm, chỉ số đã bật tăng trở lại. Tuy nhiên, để tìm lại đà tăng mới, có lẽ thị trường cần sự vận động bình ổn hơn thay vì biến động với biên độ khá mạnh trong mỗi phiên, bởi điều này phản ánh mức độ thiếu đồng thuận của nhà đầu tư trong việc nắm giữ hay bán ra cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,82 điểm (-0,73%) xuống 1.470,76 điểm với 151 mã tăng và 291 mã giảm, trong đó có 6 mã tăng trần và 22 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 564,6 triệu đơn vị, giá trị 16.774,4 tỷ đồng, giảm 30,55% về khối lượng và 28,63% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,93 triệu đơn vị, giá trị 1.198 tỷ đồng.
Sau chuỗi giảm khá sâu khiến giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, VNM đang dần hồi phục và trong phiên giao dịch hôm nay lại trở thành điểm nhấn của thị trường khi tăng mạnh nhất trong rổ VN30, hỗ trợ tốt giúp thị trường thu hẹp đà giảm sâu. Kết phiên, VNM tăng 4,3% lên mức giá 83.400 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một mã lớn khác là SAB cũng tăng khá tốt khi kết phiên mở rộng biên độ tăng lên 3,5% lên vùng giá cao nhất ngày 148.800 đồng/CP. Và cổ phiếu cùng ngành là BHN cũng xác nhận mức giá cao nhất trong ngày, đứng tại 59.900 đồng/CP, tăng 4,54%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã trở lại sau phiên giảm khá mạnh hôm qua, với cặp đôi FTS và BSI cùng tăng trần; các mã lớn khác tăng khá tốt như SSI tăng 2,2%, HCM tăng 2,9%, VND tăng 3,3%, VCI tăng 1,3%; hay VIX tăng 3,3%, VDS tăng 2,8%...
Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chịu áp lực bán khá lớn, với mã đầu ngành VCB tác động mạnh tới chỉ số chung giảm sâu nhất khi để mất 3,7%, các mã khác như CTG giảm gần 2%, BID, SHB, VPB, SSB, ACB, OCB cùng giảm hơn 1%..., cổ phiếu LPB cũng điều chỉnh nhẹ gần 0,5% sau 2 phiên tăng trần liên tiếp; chỉ còn EIB và HDB nhích nhẹ dưới 0,5% và TPB tăng 2,55%.
Nhóm cổ phiếu thép chủ yếu lình xình quanh mốc tham chiếu, ngoại trừ cặp đôi lớn đầu ngành giảm sâu, cụ thể HPG giảm 3% xuống mức 42.150 đồng/CP và HSG giảm 1,9% xuống 30.300 đồng/CP.
Ở nhóm bất động sản, các mã vừa và nhỏ đua nhau giảm sâu với DIG, CII, LDG, QCG, VPH, ROS, DPG… đều nằm sàn, VCG giảm 3,71%, KBC giảm 3,85%, NLG gần 2%, BCG giảm 2,53%...
Về thanh khoản, cổ phiếu ROS dẫn đầu thị trường với hơn 27 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn 3,76 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch cũng khá sôi động, chỉ thua ROS với STB khớp 23,7 triệu đơn vị, LPB khớp 20,33 triệu đơn vị, hay các mã khác như MBB khớp 17,66 triệu đơn vị, VPB khớp 16,42 triệu đơn vị, CTG khớp 11,74 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên đã giúp thị trường lấy lại thăng bằng và áp sát mốc tham chiếu.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,13%) xuống 411,27 điểm với 87 mã tăng (6 mã trần), 137 mã giảm (11 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,67 triệu đơn vị, giá trị 1.617,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,85 triệu đơn vị, giá trị 313,17 tỷ đồng.
Mặc dù thoát giá sàn nhưng cổ phiếu bất động sản CEO vẫn giảm mạnh khi để mất 9,5% xuống mức 62.000 đồng/CP, LHC vẫn giảm sàn xuống mức 151.200 đồng/CP, L14 giảm 6,4%, cổ phiếu chi phối mạnh tới chỉ số chung là IDC giảm 1,8% xuống mức 60.000 đồng/CP…
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng NVB đã đi ngược xu hướng chung của ngành và tăng khá mạnh, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần. Kết phiên, NVB tăng 5% lên mức 31.500 đồng/CP. Ngoài ra, mã lớn khác như PVS, THD cũng giao dịch khởi sắc.
Thêm vào đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX giao dịch tích cực với BVS tăng 3,5%, SHS tăng 2,6%, MBS tăng 1,9%, ART tăng 2,2%, VIG tăng 1,7%...
Về thanh khoản, cổ phiếu CEO dẫn đầu khi khớp 5,73 triệu đơn vị; tiếp theo là PVS khớp 5,28 triệu đơn vị; KLF và SHS cùng khớp hơn 3,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn đi ngang dưới mốc tham chiếu trong phiên chiều khi đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,3%) xuống 108,73 điểm với 136 mã tăng (20 mã trần), 158 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 812 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đóng góp gần 3,7 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là PAS bất ngờ tăng mạnh 9,5% lên mức 20.700 đồng/CP cùng thanh khoản tích cực khi thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, với hơn 2 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Trong khi đó, cặp đôi dầu khí là BSR và OIL chỉ lình xình, với BSR đóng cửa đứng giá tham chiếu và thanh khoản dẫn đầu với hơn 9,22 triệu đơn vị khớp lệnh; còn OIL tăng nhẹ 0,5% lên 18.800 đồng/CP và khớp 1,57 triệu đơn vị.
Trái lại, cổ phiếu vừa và nhỏ VHG tiếp tục giảm sâu khi để mất 9,8% xuống mức giá 8.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR khi khớp 4,83 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2202 đáo hạn tháng 2 giảm 7 điểm (-0,5%) xuống 1.512 điểm với 139.656 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở hơn 27.810 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó CHPG2202 dẫn đầu thanh khoản với 131.740 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 11,6% xuống 610 đồng/CQ.
Tiếp theo đó là CVIC2201 khớp 123.470 đơn vị, kết phiên giảm 6,1% xuống 1.080 đồng/CQ.