Giao dịch chứng khoán chiều 26/5: Sắc xanh lan tỏa, VN-Index tăng hơn 10 điểm

(ĐTCK) Tâm lý hồ hởi giúp thị trường tiếp tục giao dịch sôi động và sắc xanh lan tỏa bảng điện tử. VN-Index theo đó nhẹ nhàng áp sát mốc 870 điểm với mức tăng hơn 10 điểm, thanh khoản duy trì ở mức cao.
Giao dịch chứng khoán chiều 26/5: Sắc xanh lan tỏa, VN-Index tăng hơn 10 điểm

Mở cửa phiên giao dịch sáng 26/5, VN-Index khởi động trong sắc xanh khi cầu mua tốt được duy trì tại các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, đặc biệt là bất động sản khu nghiệp - xây dựng. Đây là nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền mạnh những phiên gần đây nhờ kỳ vọng vào làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam của nhiều tập đoàn nước ngoài.

Trong phiên chiều, tâm lý hồ hởi giúp thị trường tiếp tục giao dịch sôi động và sắc xanh lan tỏa bảng điện tử, với điểm nhấn là sự bứt phá của nhóm ngân hàng, bên cạnh sắc tím của một loạt mã bất động sản khu công nghiệp.  Theo đó, VN-Index nhẹ nhàng áp sát mốc 870 điểm với mức tăng xấp xỉ 10 điểm, thanh khoản duy trì ở mức cao.

Đóng cửa, với 227 mã tăng và 107 mã giảm, VN-Index tăng 10,09 điểm (+1,16%) lên 869,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 328,35 triệu đơn vị, giá trị 5.565,1 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với phiên 25/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,88 triệu đơn vị, giá trị 562,8 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng, ngoại trừ EIB đứng giá, các mã còn lại đều tăng, trong đó ấn tượng nhất là BID với mức tăng 5,9% lên 42.000 đồng. Nhiều mã bluechips ghi nhận mức tăng mạnh khác như BVH +5% lên 52.000 đồng, HPG +4% lên 28.400 đồng, POW +3,9% lên 10.600 đồng, HVN +2% lên 27.350 đồng… là động lực chính giúp VN-Index bứt lên trong phiên chiều.

Như đã nêu ở trên, ngoài nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng là một điểm nhấn đáng chú ý ở phiên này. Việc nhận được sự chú ý của dòng tiền giúp nhóm này đồng loạt tăng điểm, với nhiều mã tăng kịch biên độ như ITA, LDG, CRE, TIP, SJS, CCL…

Trong đó, ITA tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 2.990 đồng với 21,5 triệu đơn vị được sang tên, dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE. LDG tăng lên 5.720 đồng và có hơn 7,3 triệu đơn vị được khớp.

Ngược lại, ROS giảm phiên thứ 3 liên tiếp về mức 3.410 đồng (-0,9%), thanh khoản không còn mạnh như những phiên trước khi đạt 12,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Phiên này, họ cổ phiếu nhà FLC hầu hết đều không tăng, thanh khoản giảm.

Trên sàn HNX, đà tăng của HNX-Index gặp nhiều thử thách trong phiên sáng, trước khi ổn định hơn ở phiên chiều và cũng kết thúc phiên ở mức cao gần nhất ngày.

Đóng cửa, với 99 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 1,35 điểm (+1,23%) lên 110,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65 triệu đơn vị, giá trị 754,3 tỷ đồng, tăng khoảng 48% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 25/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 66 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên HNX diễn biến phân hóa khi ACB +3,1% lên 23.300 đồng, trong khi SHB -0,7% về 14.00 đồng, còn NVB đứng giá 8.000 đồng.

Dù vậy, nhiều mã lớn khác lại có sự đồng thuận và đây là một trong những nguyên nhân giúp HNX tăng tích cực. Đơn cử, PVS +3,2% lên 13.000 đồng, VCS +4,4% lên 69.100 đồng, SHS và MBS  cùng tăng trên 3%...

SHB khớp lệnh 9,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là PVS và ACB với lượng khớp 5,6 triệu và 5,2 triệu đơn vị. Các mã SHS, TNG và MBG cùng khớp trên 3 triệu đơn vị.

DST ghi nhận phiên trần thứ 4 liên tiếp lên 3.900 đồng, khớp lệnh 1,69 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sắc xanh được duy trì trong suốt phiên giao dịch dù liên tục giằng co, thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, với 137 mã tăng và 82 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,71%) lên 55,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,05 triệu đơn vị, giá trị 238,96 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên 25/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,76 triệu đơn vị, giá trị 18 tỷ đồng.

Dù không quá mạnh, nhưng đa phần các mã lớn trên sàn này đều tăng điểm. Trong đó, các mã BSR, LPB và DVN có thanh khoản tốt nhất. BSR khớp lệnh dẫn đầu sàn với 4,07 triệu đơn vị, tăng 1,6% lên 6.400 đồng. LPB và DVN cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, mã G36 của Tổng công ty 36 bất ngờ tăng trần lên 5.000 đồng với thanh khoản đột biến 2,03 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó hợp đồng VN30F2006 đáo hạn ngày 18/6 được giao dịch mạnh nhất với 181.518 đơn vị, khối lượng mở hơn 16.480 đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên 809,4 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, săc xanh cũng chiếm thế chủ đạo với 39 mã tăng điểm. Mã CROS2001 được giao dịch sôi động nhất với 103.678 đơn vị được khớp lệnh, nhưng kết phiên giảm 33,3% về 20 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục