Giao dịch chứng khoán chiều 24/2: Giật mình và bức xúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến thị trường trong phiên chiều tạo ra nhiều cảm xúc hơn so với phiên sáng, bên cạnh phút giật mình với lệnh bán mạnh đầu phiên là sự bức xúc cũ về hệ thống giao dịch của sàn HOSE.
Giao dịch chứng khoán chiều 24/2: Giật mình và bức xúc

Trong phiên sáng, thị trường diễn ra khá bình lặng khi các chỉ số chính dao động giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm nhẹ so với các phiên trước bởi nhà đầu tư trở nên thận trọng khi VN-Index đang bị kẹt ở vùng đỉnh cũ.

Tưởng chừng thị trường sẽ tiếp tục có phiên đóng cửa ít biến động như 3 phiên liền trước thì bất ngờ VN-Index đổ đèo ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều nay.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, lực cung bất ngờ ồ ạt được tung vào thị trường khiến VN-Index lao dốc, rơi hơn 23 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.155 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Nhóm cổ phiếu lớn chỉ còn lác đác vài màu xanh nhạt. Thanh khoản trong 40 phút giao dịch đầu tiên của phiên chiều tăng vọt.

Sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index hồi trở lại nhưng thanh khoản đột ngột sụt giảm, đặc biệt là sau 14h, mọi thứ gần như đứng hình.

Trên các diễn đàn chứng khoán, một lần nữa sự bức xúc của nhà đầu tư lên cao. Rất nhiều nhà đầu tư cho biết không thể vào lệnh, số khác thì nghi ngờ có bàn tay nào đó can thiệp khi mức giá trên bảng điện tử nhảy loạn xạ.

Với sự cố nghẽn lệnh, diễn biến trong hơn 40 phút cuối phiên chiều này không phản ánh đúng bản chất của thị trường. Sau nhịp hồi, VN-Index gần như bất động ở sát trên ngưỡng 1.160 điểm cho đến khi đóng cửa phiên giao dịch hôm nay khi cả bên bán và bên mua không thể tìm được đường đến với nhau.

Chốt phiên, VN-Index giảm 15,63 điểm (-1,33%) xuống 1.162,01 điểm với 93 mã tăng, trong khi có tới 357 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 603 triệu đơn vị, giá trị 15.017 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 2,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,4 triệu đơn vị, giá trị 911 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, chỉ còn HPG, CTG, PLX, VIB, HVN giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá sâu.

Trong đó, HPG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 27,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,69% lên 43.600 đồng. CTG tăng 1,21% lên 37.500 đồng, khớp 14,3 triệu đơn vị. PLX tăng 0,88% lên 57.300 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị. VIB tăng 0,54% lên 37.400 đồng, khớp 0,9 triệu đơn vị và HVN tăng 0,7% lên 28.800 đồng, khớp hơn 1,9 triệu đơn vị.

Còn lại, VIC giảm 1,64% xuống 108.200 đồng, VCB giảm 1,9% xuống 98.100 đồng, VHM giảm 2,37% xuống 102.800 đồng, VNM giảm 1,12% xuống 105.800 đồng, BID giảm 2,16% xuống 43.050 đồng…

Về thanh khoản, dưới HPG là 3 mã ngân hàng gồm STB khớp 24,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4% xuống 18.350 đồng, MBB khớp 19,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,5% xuống 27.000 đồng và ACB khớp 18,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,6% xuống 31.200 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, sắc xanh cũng chỉ còn lại ở một vài mã nhưng đà tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn như ITA tăng 0,2% lên 6.390 đồng, DLG tăng 0,6% lên 1.820 đồng, VOS tăng 2% lên 3.510 đồng…, còn lại cũng đều giảm giá.

Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu ngược sóng thị trường như TDC, HSL, SAV, NVT, RIC, LGC, SVD khi đóng cửa ở mức giá trần, trong đó TDC khớp hơn 4,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, RIC có phiên tăng trần thứ 28 liên tiếp, từ mức 4.800 đồng trong phiên 8/1 lên mức 30.850 đồng khi chốt phiên hôm nay, tương đương với mức tăng 542,7%.

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng có cú lao mạnh ngay đầu phiên khi lệnh bán ồ ạt từ sàn HOSE lây lan sang. Tuy nhiên, với sự thông suốt của hệ thống giao dịch, HNX-Index đã nhận lực cầu bắt đáy lớn, nhất là ở cuối phiên, khi nhiều nhà đầu tư không đặt được lệnh trên HOSE chuyển hướng sang HNX, giúp HNX-Index hồi phục tốt và chỉ đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,9 điểm (-0,37%), xuống 237,89 điểm với 84 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 156,9 triệu đơn vị, giá trị 2.454,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng, tăng hơn 12,5% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,3 triệu đơn vị, giá trị 130 tỷ đồng.

SHB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 23,4 triệu đơn vị và vẫn đóng cửa giảm 1,8% xuống 16.000 đồng.

Cũng đóng cửa trong sắc đỏ còn có PVS giảm 3,5% xuống 21.800 đồng, khớp 15,2 triệu đơn vị, IDC giảm 3% xuống 39.000 đồng, khớp gần 7 triệu đơn vị, CEO giảm 4,5% xuống 10.700 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HUT vẫn giữ sắc tím với mức trần 4.900 đồng, khớp 16,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần và ATC rất lớn, hơn 6 triệu đơn vị.

Ngoài HUT, trên các mã như S99, BNA, UNI, EVS, MST, LIG… cũng đóng cửa ở mức giá trần. Nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng có sắc tím khi đóng cửa, nhưng thanh khoản ở mức thấp.

Trong nhóm bluechip, THD vẫn may mắn có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa tăng 0,11% lên 178.200 đồng. SHS tăng 2,3% lên 26.700 đồng, khớp 11,9 triệu đơn vị. MBS tăng 7,84% lên 22.000 đồng, khớp 4,6 triệu đơn vị…

UPCoM cũng có diễn biến giống 2 sàn niêm yết khi lao mạnh đầu phiên chiều trước khi hồi nhẹ trở lại, nhưng không tránh khỏi phiên giảm điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,44%), xuống 76,13 điểm với 121 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,3 triệu đơn vị, giá trị 1.160 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,2 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường này với gần 16,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,2% xuống 12.100 đồng. Ngoài ra, có thêm 6 mã khác có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và có sự phân hóa về giá rõ nét với 3 mã tăng và 3 mã giảm giá khi đóng cửa.

Bên cạnh đó, cũng có thêm 6 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng chỉ có duy nhất MSR đóng cửa tăng 1,9% lên 21.200 đồng, PAS đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (18/3) giảm mạnh nhất. Cụ thể, VN30-Index giảm 1,29% xuống 1.167,18 điểm, còn VN30F2103 giảm 2,06% xuống 1.162 điểm với 208.243 hợp đồng chuyển nhượng, khối lượng mở 26.875 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm khi chỉ có 10 mã tăng giá liên quan đến chứng quyền của HPG và MSN, còn lại đều giảm. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là CHPG2026, cũng chỉ tăng 4% lên 5.150 đồng, thanh khoản chỉ 14.260 đơn vị.

Ở chiều ngược lại, CVNM2016 giảm mạnh nhất khi mất 33,3% xuống 140 đồng, thanh khoản gần 200.000 đơn vị. Tiếp đến là CVNM2007 giảm 28,6% xuống 600 đồng, thanh khoản 123.500 đơn vị.

Về thanh khoản, CVHM2102 là mã có thanh khoản tốt nhất với 815.600 đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,9% xuống 3.010 đồng. Tiếp theo là CHDB2007 và CVRE2102 từ hơn 720.000 đơn vị đến hơn 750.000 đơn vị và cũng giảm lần lượt là 6,1% và 5,1% về 2.950 đồng và 2.400 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục