Giao dịch chứng khoán chiều 24/9: Dòng bank không cứu vãn nổi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì đà tăng điểm nhưng với áp lực bán trên diện rộng, chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh nhẹ và kết phiên cuối tuần trong sắc đỏ.
Giao dịch chứng khoán chiều 24/9: Dòng bank không cứu vãn nổi thị trường

Phiên giao dịch sáng nay ngày 24/9 diễn ra trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng khi sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip mà chủ yếu là dòng ngân hàng là "vị cứu tinh" giúp VN-Index duy trì đà tăng điểm.

Phiên chiều nay, thị trường diễn ra với kịch bản tương tự. Trong 13 mã tăng của nhóm VN30 thì có 8 mã ngân hàng, tổng 10 mã ngân hàng trong nhóm này không có mã nào giảm giá, chỉ có 2 cổ phiếu giữ tham chiếu khi kết thúc phiên là VCB và VPB. Sự tăng điểm của nhóm ngân hàng cũng giúp cho VN30-Index giữ được trong sắc xanh, tăng 1,71 điểm, chốt phiên ở mức 1.459,94 điểm.

Nhóm ngân hàng cũng giúp VN-Index giữ được mức điểm trên ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm, với mức giảm không đáng kể 1,59 điểm.

Nhưng đó là tất cả nhóm dẫn dắt thị trường này làm được trong phiên hôm nay. HOSE chìm trong sắc đỏ với 291 mã giảm giá (so với 110 mã tăng giá), trong đó có tới 23 mã nằm ở mức giá sàn so với 7 mã tăng trần. Tình hình tương tự diễn ra ở HNX và UpCom.

Như đã đề cập trong bản tin sáng, cổ phiếu nhỏ đang chịu sức ép thoát hàng rất lớn khi cơ quan quản lý ra ra thông điệp thanh tra kiểm tra với các mã có dấu hiệu thao túng, nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" trong phiên 22 và sáng 23/9 có lý do để lo lắng khi cổ phiếu về tài khoản phiên đầu tuần sau. Với nhóm cổ phiếu trụ, mức giảm không lớn do có lực đỡ khi thời gian chốt NAV đang cận kề, nhưng với thanh khoản thấp hiện tại, lực cầu tham gia không lớn thì tình hình không hẳn đã lạc quan. Kinh nghiệm của cú sụt mạnh đầu tháng 7, cũng là đầu quý III chắc chắn gợi lại nhiều kỷ niệm khi tháng 10 tới gần.

Điểm tích cực lại đến từ điểm số, phiên cuối tuần không giảm sâu hôm nay giúp đồ thị tuần dù là một nến đỏ nhưng vẫn giữ mức điểm trên đường trung bình giá 20 tuần, xu hướng tăng điểm chưa chấm dứt dù khá nhiều chỉ số kỹ thuật khác không quá tích cực khi MACD đang cắt xuống, điểm số cả tuần giảm nhưng khối lượng giao dịch đang tăng mạnh ngang với tuần từ 16-20/8 cho thấy lượng cung đang tăng lên,...

Điểm tích cực khác nằm ở diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, sau cú giật mình mang tên Evergrande (Trung Quốc) thị trường toàn cầu đã phục hồi tích cực những phiên cuối tuần, giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước an tâm hơn sau phiên đầy lo lắng 21/9. Ngoài ra, nhiều địa phương trên toàn quốc đã nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội, tạo kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của các doanh nghiệp sau khó khăn quý III,...

Thông tin tốt xấu đan xen khiến việc dự báo thị trường trở lên khó khăn, bản thân VN-Index cũng đang phản ánh khá rõ điều này khi dao động đi ngang ở khoảng 1.330-1.360 điểm suốt 3 tuần qua. Thời điểm của rủi ro, nhưng cũng là thời điểm của cơ hội khi việc tăng giảm thời gian tới là 50-50.

Đóng cửa, sàn HOSE có 110 mã tăng và 291 mã giảm (23 mã giảm sàn), VN-Index giảm 1,59 điểm (-0,12%) xuống 1.351,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 673 triệu đơn vị, giá trị 18.331,14 tỷ đồng, giảm 32,54% về khối lượng và 21,34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,54 triệu đơn vị, giá trị 1.607,23 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 13 mã tăng và 13 mã giảm. Tuy nhiên, sự đuối sức của một số mã lớn như VCB lùi về mốc tham chiếu; hay VIC, HPG, VNM đều đảo chiều điều chỉnh nhẹ… là một trong những nhân tố khiến thị trường chuyển sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, các mã như SAB, BVH, VJC vẫn giữ đà tăng tốt với biên độ tăng hơn 1%.

Tuy nhiên, điểm sáng thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng khi sắc xanh vẫn bao phủ bất chấp áp lực bán gia tăng trên diện rộng thị trường.

Ngoại trừ VCB và VPB lùi về mốc tham chiếu, còn lại đều kết phiên tăng giá. Đáng kể là MSB tăng 3,4% và đóng cửa tại mức giá cao nhất phiên 30.000 đồng/CP sau thông tin sẽ chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% vào ngày 7/10 tới đây; ngoài ra, MBB tăng 2,87%; ACB, VIB, ACB, OCB tăng hơn 1%.

Đáng chú ý, dòng tiền cũng đang có dấu hiệu hướng tới nhóm cổ phiếu bank. Trong đó, MBB dẫn đầu thanh khoản thị trường với 29,13 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp đó MSB khớp 14,5 triệu đơn vị, STB khớp 13,85 triệu đơn vị.

Trái lại, các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, thép tiếp tục là điểm trừ của thị trường khi đồng loạt đều kết phiên trong sắc đỏ dù đà giảm không quá sâu.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo với các mã lớn như VIC, VRE, PDR hay KBC, DIG, DXG… đều kết phiên điều chỉnh nhẹ.

Thông tin về việc cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý các quỹ ma có dấu hiệu thao túng cổ phiếu các công ty thua lỗ vẫn tăng mạnh trong sáng nay đã khiến các cổ phiếu penny tăng nóng thời gian gần đây mất đi hy vọng phục hồi.

Trong phiên hôm nay, nhiều mã vừa và nhỏ như SJF, TDH, DAH, TTB, VPH, TDG đóng cửa đều giảm sàn.

Đáng chú ý là họ Louis với TGG, TDH, VKC, BII, APG đồng loạt nằm sàn, DDV giảm 6% xuống mức 31.500 đồng/CP, ngoại trừ duy nhất AGM đi ngược xu hướng và tiếp tục giữ sắc tím sau nhịp kéo vào cuối phiên sáng từ mức giá sàn.

Một trong những cổ phiếu đáng chú ý trong phiên hôm nay là TCH khi tiếp tục giữ đà tăng tốt cùng thanh khoản sôi động , sau chuỗi ngày dài lình xình quanh vùng giá 17. Kết phiên, TCH tăng 2,3% lên mức 18.050 đồng/CP và khớp 15,94 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau cổ phiếu MBB.

Trên sàn HNX, lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều khiến HNX-Index chia tay mốc 360 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 142 mã giảm, HNX-Index giảm 1,39 điểm (-0,39%), xuống 359,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 135,35 triệu đơn vị, giá trị 2.535,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,28 triệu đơn vị, giá trị 336,93 tỷ đồng.

Nhóm bluechip là nhân tố chính khiến thị trường lùi sâu hơn khi rổ HNX30 có tới 19 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, các mã tăng như SHB, THD, VCS, NRC, HUT, DHT có mức tăng đều chưa tới 1%, chỉ PVC tăng 1,8%.

Ở chiều ngược lại, đáng chú ý một số mã giảm khá sâu như VMC giảm 4,9%, VC3 giảm 3,8%, các mã SLS, CAP, CEO, DTD giảm hơn 2%...

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng mất điểm như IDC giảm 2% xuống mức 49.600 đồng/CP, PVI giảm 1,4% xuống 49.800 đồng/CP, PHP giảm 2,7% xuống 28.300 đồng/CP, SHS giảm 0,5% xuống 38.400 đồng/CP…

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt hơn 20,28 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 2 là PVS khớp 8,71 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc đỏ cũng xuyên suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,3%) xuống 98,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 163,29 triệu đơn vị, giá trị 1.930,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,35 triệu đơn vị, giá trị 105,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVX vẫn giữ mức giá 2.800 đồng/CP và tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường UPCoM, đạt hơn 11,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu VGT tiếp tục nới rộng đà giảm điểm khi ghi nhận mức giảm 5,4% xuống đứng tại giá 19.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 10,25 triệu đơn vị.

Cũng như sàn niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng có tín hiệu tích cực khi đồng loạt ABB, BVB, KLB, VAB đều kết phiên tăng nhẹ.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai giảm, 1 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng đứng giá. Trong đó, VN30F2110 giảm nhẹ 0,1 điểm xuống 1.449,9 điểm, khớp lệnh đạt hơn 141.960 đơn vị, khối lượng mở hơn 37.520 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CVRE2106 hôm nay có khối lượng giao dịch cao nhất khi khớp 155.090 đơn vị và giảm 6,4% xuống 2.050 đồng/cq.

Tiếp theo là CMSN2105 khớp 177.560 đơn vị và giảm 5,8% xuống mức 4.880 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ