Giao dịch chứng khoán chiều 24/3: Sân khấu riêng của FLC và SSB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Như thường lệ, diễn biến phiên giao dịch chiều trên sàn HOSE ru ngủ nhiều nhà đầu tư vì tình trạng nghẽn lệnh, nhưng thị trường không vì thế mà thiếu đi những điểm nhấn.
Giao dịch chứng khoán chiều 24/3: Sân khấu riêng của FLC và SSB

Phiên giao dịch sáng chứng kiến lệnh bán giá thấp tung vào ồ ạt khiến VN-Index giảm gần 30 điểm, về ngưỡng 1.155 điểm. Lực bán tung ra lớn, lực mua cũng không hề kém cạnh khiến hệ thống giao dịch trên sàn HOSE gặp sự cố ngay trong phiên sáng khi tình trạng loạn giá lại diễn ra.

Theo đó, bảng điện tử hiện giá chào mua và chào bán khác xa so với giá khớp của các mã, chỉ một số mã, trong đó có FLC có hiện thị giá khá chuẩn.

Chốt phiên sáng, với hơn 543 triệu đơn vị được khớp lệnh, giá trị hơn 12.300 đồng (cùng 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.816 tỷ đồng trong phiên thỏa thuận), kịch bản của phiên chiều gần như đã được xác định.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau phút đầu thông suốt với lệnh vào và khớp tốt, thị trường đã đứng hình khoảng 10 phút sau đó cả VN-Index và thanh khoản mới nhảy vọt khi có tới tới hơn 51 triệu đơn vị được khớp.

Lực cầu bắt đáy kiên nhẫn được tung vào giúp VN-Index hồi phục dần hướng tới ngưỡng 1.165 điểm. Tuy nhiên, sau 2 tia sáng vụt lên lúc 13h và 13h11, tình trạng đơ đã diễn ra, lệnh vào không được khiến thanh khoản nhỏ giọt, VN-Index cũng đi ngang quanh ngưỡng 1.163 điểm cho tới khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), không có sự bất ngờ “tháo chốt” như 2 phiên cuối tuần trước, nhưng sàn HOSE cũng kịp khớp thêm hơn 2,7 triệu đơn vị, trong đó riêng FLC đã đóng góp tới hơn 1,1 triệu đơn vị và SSB hơn 1 triệu đơn vị, các mã còn lại chỉ được khớp với khối lượng nhỏ.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch chiều, ngoài FLC, lệnh bán SSB vào rất tốt, giúp hấp thụ lượng lớn dư mua giá trần trong phiên sáng. Chốt phiên, SSB khớp tới hơn 6 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần hơn 3,3 triệu đơn vị, trong khi phiên sáng chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn dư mua trần tới 8,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FLC cũng khớp thêm gần 12 triệu đơn vị, lên 42,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,6% lên 9.790 đồng và rất gần với mệnh giá, như lời hứa năm nào của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết.

Một điểm sáng nữa là pha đảo chiều ngoạn mục của mã vốn hóa lớn nhất sàn VIC khi đóng cửa tăng 1,31% lên 107.900 đồng, nhưng do các mã lớn khác đều chìm trong sắc đỏ, nên VN-Index không tránh được phiên giảm mạnh tiếp theo và lùi xa dần mốc 1.200 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 21,64 điểm (-1,83%), xuống 1.161,81 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 408 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 750,5 triệu đơn vị, giá trị 17.649,8 tỷ đồng, tăng 9,8% về khối lượng và tăng 14,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 100,7 triệu đơn vị, giá trị 2.822 tỷ đồng.

Trong các mã bluechip, ngoài VIC, còn có thêm MSB tăng 2,33% lên 22.000 đồng, khớp hơn 6,1 triệu đơn vị. VCG tăng 0,7% lên 43.300 đồng, trong khi PNJ và DHG đảo chiều giảm giá.

Trong nhóm này, POW, HPG và STB là 3 mã có thanh khoản tốt nhất với tổng khớp từ gần 23 triệu đơn vị đến hơn 24 triệu đơn vị.

Với các mã cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài FLC, có thêm TTF tăng 1,9% lên 6.600 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị; HAP tăng trần lên 18.450 đồng, khớp 6,67 triệu đơn vị…

Trong khi đó, người anh em của FLC là ROS nới rộng đà giảm 3,8% xuống 4.250 đồng, khớp 23,3 triệu đơn vị, đứng sau FLC, POW và HPG.

Trên HNX, lực cầu bắt đáy cũng giúp chỉ số chính của sàn này hồi phục, hãm đáng kể đà rơi so với phiên sáng, thanh khoản cũng tốt.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,64 điểm (-1,34%), xuống 268,69 điểm với 67 mã tăng, trong khi có tới 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,4 triệu đơn vị, giá trị 2.796,5 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,8 triệu đơn vị, giá trị 237 tỷ đồng.

Dù đa số các mã bluechip đều giảm giá, nhưng đà giảm đều được hãm lại so với phiên sáng. Trong đó, SHB chỉ còn giảm 4,26% xuống 18.000 đồng, so với mức giảm 5,3% của phiên sáng, khớp 25,7 triệu đơn vị. PVS cũng chỉ còn giảm gần 3% xuống 22.700 đồng, so với mức giảm hơn 5% của phiên sáng, khớp 19,5 triệu đơn vị.

Mã có vốn hóa lớn nhất sàn là THD giảm 0,75% xuống 197.300 đồng, chỉ khớp hơn 91.000 đơn vị.

Các mã khác như SHS cũng hãm đà giảm khi đóng cửa giảm 1,77% xuống 27.700 đồng, so với mức giảm 4,3% của phiên sáng, khớp 10,4 triệu đơn vị. NVB cũng chỉ giảm 0,68% xuống 14.500 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VIF đảo chiều thành công tăng 1,16% lên 17.500 đồng, CEO cũng đóng cửa tăng 3,25% lên 12.700 đồng so với mức tham chiếu của phiên sáng, khớp 9,3 triệu đơn vị.

Trong các mã nhỏ, KLF có lúc đã leo lên mức giá trần 4.000 đồng, nhưng đóng cửa cũng chỉ giữ được mức giá của phiên sáng, tăng 2,7% lên 3.800 đồng, khớp 15,2 triệu đơn vị, trong khi DST lại lên trần thành công, đóng cửa ở mức 4.000 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự HNX khi lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã hồi và hãm đà rơi, qua đó giúp UPCoM-Index thu hẹp đà giảm.

Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 0,65 điểm (-0,8%), xuống 80,5 điểm với 132 mã tăng và 158 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,2 triệu đơn vị, giá trị 1.190,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 18,8 tỷ đồng.

SSN vẫn giữ mức giá trần 7.400 đồng khi chốt phiên, khớp 1,7 triệu đơn vị. C4G nới đà tăng lên 2,7%, đóng cửa ở mức 11.600 đồng, khớp 2 triệu đơn vị, DDV đảo chiều tăng 0,7% lên 14.000 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất sàn là BSR hãm đà giảm, chỉ còn mất 1,2% xuống 16.400 đồng, khớp gần 20 triệu đơn vị, so với mức giảm 3,6% của phiên sáng. OIL cũng chỉ còn giảm 2,8% xuống 14.100 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị, so với mức giảm 4,8% của phiên sáng. ABB vẫn giảm 2,8% xuống 14.000 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm, nhưng mức giảm không bằng thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 1,8% xuống 1.165,61 điểm, còn VN30F2014 đáo hạn 15/4 giảm 1,15% xuống 1.170,9 điểm với 162.190 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.005 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế so với sắc xanh như trên thị trường cơ sở. Tuy nhiên, thanh khoản không tốt khi mã có thanh khoản nhất là CVRE2007 chưa tới 0,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 20% về giá, xuống 320 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ