Mặc dù có chút thận trọng và thăm dò nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số bluechip đã giúp thị trường duy trì được sắc xanh, chỉ số VN-Index giữ được mốc 870 điểm dù có chút rung lắc nhẹ vào giữa phiên.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên khiến biên độ tăng dần thu hẹp và VN-Index một lần nữa bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu sau hơn 20 phút giao dịch.
Cũng như phiên sáng, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều hồi phục nhờ một số mã lớn nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa của thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu bluechip nói riêng khiến VN-Index khó bật cao. Chỉ số này đi ngang dưới mốc 870 điểm trong gần suốt thời gian còn lại và chỉ vượt qua vùng giá này trong ít phút trước khi kết thúc phiên giao dịch.
Chốt phiên, sàn HOSE có 205 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index tăng 2,72 điểm (+0,31%), lên 871,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 350,37 triệu đơn vị, giá trị 5.349,89 tỷ đồng, giảm 20,37% về khối lượng và 29,68% về giá trị so với phiên cuối tuần trước 19/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19 triệu đơn vị, giá trị gần 997 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 11 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó hầu hết các mã đều chỉ giảm trên dưới 0,5%, ngoại trừ BVH và HDB giảm hơn 1%.
Trái lại, các mã vốn hóa lớn như VNM, VCB, TCB, CTG, GAS đều giao dịch nhẹ trên mốc tham chiếu, đáng kể VHM thay thế VIC làm trụ đỡ chính khi tiếp tục nới rộng biên độ tăng 2,35% và kết phiên tại mức giá 78.300 đồng/CP.
CTD vẫn bảo toàn sắc tím trước nghị quyết HĐQT về việc nhận đơn xin từ chức thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 của ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc CTD và ông Trần Quyết Thắng.
Đồng thời, 2 cá nhân được bổ nhiệm thay thế là ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Việt Nam và ông Herwig Guido H. Van Hove – Giám đốc điều hành The8th Pte Ltd đều là đại diện cho hai tổ chức là cổ đông lớn của CTD.
Quyết định này sẽ được thông qua tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 30/6 tới đây. Như vậy, HĐQT CTD có 6 thành viên, ngoài 2 thành viên mới các thành viên nhiệm kỳ 2017-2022 gồm ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTD; ông Tan Chin Tiong, ông Nguyễn Quốc Hiệp là hai thành viên HĐQT độc lập và các ông Talgat Turumbayev là Giám đốc Kusto Real Estate Capital Private Ltd, ông Yerkin Tatishev Chủ tịch HĐQT Kusto Real Estate Capital Pte. Ltd.
Kết phiên hôm nay, CTD đứng tại mức giá trần 67.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,68 triệu đơn vị và dư mua trần 0,26 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HQC chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm sàn trong phiên giao dịch chiều, xuống mức giá 2.040 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 30,39 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sóng lớn ở nhiều mã khác vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, ITA kết phiên tại mức giá trần 5.670 đồng/CP với khối lượng khớp 20,21 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, SJF, SCR, TNI, MHC… cũng kết phiên trong sắc tím.
Nhóm cổ phiếu phân bón cũng là một trong những điểm sáng thị trường hôm nay với các mã DPM, DCM, VAF đều được kéo tăng kịch trần, BFC +6,3% lên sát trần 13.500 đồng/CP, LAS +4,5% lên 7.000 đồng/CP.
Không chỉ tăng vọt về giá, giao dịch của nhóm này cùng sôi động với DPM khớp 8,82 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,68 triệu đơn vị, DCM khớp 6,14 triệu đơn vị và dư mua trần 1,33 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, trạng thái rung lắc tiếp tục duy trì khi bước sang phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm bluechip khiến thị trường nhanh chóng dừng xu hướng này và chuyển sang trạng thái đỏ.
Đóng cửa, sàn HNX có 82 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,55%), xuống 114,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,41 triệu đơn vị, giá trị 511,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 68,34 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng đều lùi sâu hơn với ACB -1,2% xuống 24.100 đồng/CP, SHB -1,4% xuống 14.500 đồng/CP, NVB -1,1% xuống 8.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều bluechip khác cũng nới rộng biên độ giảm như DGC -1,3% xuống 38.800 đồng/CP, PVI -1,3% xuống 30.600 đồng/CP, VCG -1,1% xuống 27.100 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi MBG và DST bảo toàn sắc tím với giao dịch tiếp tục gia tăng, trong đó MBG khớp 8,48 triệu đơn vị và DST khớp 4,84 triệu đơn vị… Trong khi đó, HUT, KLF đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp tương ứng 4,78 triệu đơn vị và 3 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch không có nhiều biến động, chỉ số UPCoM-Index vẫn đứng vững trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,6%), lên 56,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,9 triệu đơn vị, giá trị 240,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1,41 triệu đơn vị, giá trị 16,19 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn vẫn đóng vai trò là trụ đỡ chính cho thị trường với ACV +1% lên 63.400 đồng/CP, VEA +4,7% lên 46.400 đồng/CP, VGI +2,1% lên 28.900 đồng/CP, BCM +1,1% lên 36.700 đồng/CP, MML +0,8% lên 49.000 đồng/CP…
Các cổ phiếu thanh khoản tốt trên thị trường UPCoM gồm LPB đạt 6,71 triệu đơn vị, BSR với hơn 3,34 triệu đơn vị, G36 đạt 1,37 triệu đơn vị và PXL với hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều điều chỉnh nhẹ, trong đó VN30F2007 đáo hạn gần nhất ngày 16/7/2020 giảm nhẹ xuống 797,9 điểm, khớp 156.049 đơn vị, khối lượng mở 18.979 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền khá cân bằng với 32 mã tăng, 31 mã giảm và 2 mã đứng giá. Mã CVRE2001 được giao dịch nhiều nhất với 38.724 đơn vị khớp lệnh, và kết phiên đứng giá tham chiếu 180 đồng/cq.