Giao dịch chứng khoán chiều 22/4: VN-Index tăng 9 điểm, nhóm thủy sản bị chốt lời ồ ạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu hoạt động tích cực đã giúp nhiều mã tăng mạnh trở lại, giúp thị trường có phiên hồi phục ngày cuối tuần 22/4. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu thủy sản bị chốt lời ồ ạt sau chuỗi phiên tăng mạnh. Bị bán mạnh còn có nhóm dệt may, phân bón, bán lẻ.
Giao dịch chứng khoán chiều 22/4: VN-Index tăng 9 điểm, nhóm thủy sản bị chốt lời ồ ạt

Sau 6 phiên giảm mạnh liên tiếp, thị trường đã hồi phục khá mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, với tâm lý vẫn còn bi quan và lo ngại rủi ro thị trường đón thêm tin tiêu cực trong những ngày cuối tuần khiến VN-Index hạ nhiệt.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu lớn không giữ được phong độ, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lực bán cũng dâng cao đã đẩy chỉ số về vùng giá thấp nhất trong phiên khi tạm dừng phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nỗi lo kịch bản cũ tái diễn khiến thị trường nhanh chóng quay đầu điều chỉnh sau mỗi nhịp hồi. Chỉ số VN-Index giằng co và liên tục lên xuống trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.

Những tưởng “lời nguyền” 14h lại diễn ra khi gần đến thời điểm này, áp lực bán dâng cao khiến các cổ phiếu lớn bé đua nhau giảm điểm, đẩy VN-Index về sát ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm, nhưng điều này đã bị phá vỡ. Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường bật ngược đi lên và dần lấy lại sắc xanh.

Chỉ số VN-Index đã kết phiên tăng hơn 9 điểm, áp sát mốc 1.380 điểm và đi lần đầu tiên trong tuần này, đi vào trong bolliger. Dù nhiều mã đã tăng trở lại, trong đó có nhiều mã có tính đầu cơ trở lại sắc tím, nhưng đà hồi phục của thị trường hôm nay chủ yếu vẫn nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu bluechip là chính.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 202 mã tăng (11 mã trần) và 256 mã giảm (54 mã giảm sàn), VN-Index tăng 9,02 điểm (+0,66%) lên 1.379,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 834,4 triệu đơn vị, giá trị 24.790,24 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,94% về khối lượng và 4,22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,66 triệu đơn vị, giá trị 1.798 tỷ đồng.

Cổ phiếu GAS có pha quay đầu khá ngoạn mục sau diễn biến phần lớn thời gian rung lắc và điều chỉnh, đã hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của thị trường. Kết phiên, GAS tăng 7% lên mức giá trần 112.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,34 triệu đơn vị.

Ngoài GAS, một số mã lớn khác cũng có phiên khởi sắc như VCB tăng 4,8%, hay VNM, VHM, HPG đều tăng hơn 1%.

Trái lại, rổ VN30 chỉ còn 5 mã giao dịch trong sắc đỏ. Đáng kể là BVH và GVR có thời điểm giảm sàn và đã bật ngược về cuối phiên. Đóng cửa, BVH giảm 5,3% xuống mức 63.000 đồng/CP, còn GVR cùng PNJ đều giảm 3,3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu họ FLC là điểm sáng của thị trường. Trong đó, FLC đã lấy lại sắc tím khi kết phiên tăng 6,9% lên mức 6.620 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 40,58 triệu đơn vị; tiếp theo là ROS tăng 6,4% lên sát mức giá trần 4.000 đồng/CP và khớp 32,65 triệu đơn vị. Còn AMD và HAI cũng đều tăng mạnh.

Xét về nhóm ngành, dòng bank là tâm điểm chính của thị trường trong phiên hôm nay. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành VCB có mức tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 4,8% lên mức 82.200 đồng/CP; tiếp theo là STB tăng 4,2%, VPB tăng 3,7%, ACB tăng 2,5%..., ngoại trừ duy nhất SSB giảm nhẹ 0,5% cùng BID và MBB đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán hầu hết đều đuối sức sau pha hồi phục ở phiên sáng, với các mã đầu ngành như SHS đứng giá tham chiếu, HCM, VND, VCI, FTS, BSI… đảo chiều giảm. Cổ phiếu TVB dù có tín hiệu tích cực ở cuối phiên sáng nhưng lực bán tiếp tục dâng cao khiến cổ phiếu này trở lại mức giá sàn 11.350 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi bên cạnh sự đuối sức của những cổ phiếu lớn, nhiều mã khác trong ngành như VCG, HDG, NLG đảo chiều giảm, thậm chí nằm sàn hoặc sát sàn như DIG, LHG, HDC, CTD, NBB, VPH…

Đáng chú ý, sau thời gian dài tăng nóng, nhóm cổ phiếu thủy sản đã bị chốt lời ồ ạt trong phiên hôm nay, đẩy hàng loạt mã giảm sàn như AAM, ACL, AGM, ANV, IDI, VHC, FMC, CMX đều nằm sàn, ASM sát sàn…

Một số nhóm cổ phiếu khác như phân bón, dệt may, công nghệ, bán lẻ cũng đua nhau giảm sàn. Cụ thể như nhóm phân bón có DPM, DCM, BFC; bán lẻ FRT, PET, DGW…, may mặc có GMC, MSH, công nghệ có ELC, ICT…

Trên sàn HNX, gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường tiếp tục có thêm phiên giảm sâu.

Chốt phiên, sàn HNX có 127 mã tăng và 109 mã giảm, HNX-Index giảm 7,49 điểm (-2,04%), xuống 359,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 113,52 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.441 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,82 triệu đơn vị, giá trị gần 250,7 tỷ đồng.

Dù số mã tăng giảm không chênh lệch quá nhiều với 17 mã đỏ điểm và 11 mã tăng, nhưng nhóm HNX30 giảm tới hơn 19 điểm khi có tới 5 mã giảm sàn gồm L14, CEO, TNG, LAS, PVC.

Ngoài ra nhiều mã khác cũng có mức giảm sâu trên 7% như TAR giảm 9%, TVC giảm 8,7%, SHN giảm 8,5%, PVB giảm 7,6%, THD giảm 7,1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NRC có mức tăng tốt nhất là 9,1%, đóng cửa tại vùng giá cao nhất ngày 19.200 đồng/CP. Cổ phiếu lớn bất động sản là IDC kết phiên tăng 2,1% lên mức 59.500 đồng/CP.

Cổ phiếu đáng chú ý trên sàn HNX là PVS có thanh khoản vượt trội, đạt 23,71 triệu đơn vị, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là TNG đạt 8,15 triệu đơn vị. Dù lực cầu khá mạnh nhưng chưa đủ sức để giúp PVS hồi phục, kết phiên cổ phiếu này giảm 3,7% xuống mức 23.700 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhà FLC là KLF và ART vẫn giữ được sắc tím, trong đó KLF đứng thứ 3 về thanh khoản thị trường với hơn 7,4 triệu đơn vị khớp lệnh, còn ART khớp 2,54 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường ngừng rơi và thu hẹp đà giảm đáng kể.

Chốt phiên, với 221 mã tăng và 219 mã giảm (70 mã giảm sàn), UpCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,7%), xuống 104,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,14 triệu đơn vị, giá trị 1.142,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,7 triệu đơn vị, giá trị 155,77 tỷ đồng.

Cặp dầu khí BSR và OIL thu hẹp đà giảm đáng kể, thậm chí có lúc khởi sắc thành công nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Trong đó, BSR giảm nhẹ 0,4% xuống 22.300 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8,56 triệu đơn vị; còn OIL giảm 2,9% xuống 13.600 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu phân bón, DDV tiếp tục đi ngược xu hướng của ngành khi nới rộng biên độ tăng lên vùng giá gần cao nhất ngày. Kết phiên, DDV tăng 11% lên 21.200 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng khởi sắc với ABB tăng 5,6%, BVB tăng 2,5%, VAB tăng 5,3%, NAB tăng 2,9%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG không có được sắc tím nhưng tăng khá tốt với biên độ 12,8%, kết phiên sát mức giá trần 5.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,17 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tương lai tăng. Trong đó, VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 5 điểm (-0,3%) xuống 1.445 điểm, với khối lượng khớp hơn 226.790 đơn vị, khối lượng mở hơn 21.410 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, trong đó CVHM2111 dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 2,43 triệu đơn vị và kết phiên giảm 33,3% xuống 20 đồng/CQ.

Tiếp theo là CSTB2110 khớp 2,23 triệu đơn vị và kết phiên cũng giảm 33,3% xuống 20 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục