Giao dịch chứng khoán chiều 22/3: Giữ vững đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dòng tiền vẫn tỏ ra dè dặt, nhưng bên bán cũng tiết cung giá thấp giúp thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm, VN-Index trở lại thử thách ngưỡng cản ngắn hạn MA20, nhưng thanh khoản vẫn ở ngưỡng thấp nhất tháng.
Giao dịch chứng khoán chiều 22/3: Giữ vững đà tăng

Tiếp nối đà tăng điểm của phiên hôm qua, thị trường mở cửa phiên sáng nay vẫn duy trì sắc xanh, nhưng giao dịch khá ảm đạm khi cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, giao dịch không có nhiều thay đổi khi sự thận trọng vẫn được cả 2 bên duy trì, khiến diễn biến thị trường diễn ra chậm. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của một số mã lớn như VCB và VHM nên VN-Index có lúc được kéo lên trên ngưỡng cản MA20 (1.040). Tuy nhiên, do thiếu động lực nên chỉ số này không thể bứt phá đi lên, mà bị đẩy ngược trở lại, trước khi kịp đóng cửa ngay đường trung bình động ngắn hạn này.

Sự thận trọng khiến thanh khoản thị trường không được cải thiện so với phiên hôm qua khi ở ngưỡng thấp nhất tháng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 8,11 điểm (+0,79%), lên 1.040,54 điểm với 203 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 458,8 triệu đơn vị, giá trị 8.647,7 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 76 triệu đơn vị, giá trị 1.584 tỷ đồng.

Dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng đà tăng vững của thị trường hôm nay chủ yếu nhờ vào sự trợ giúp của các mã lớn, trong đó đáng chú ý là dòng ngân hàng khi sắc xanh chiếm thế áp đảo trong nhóm này, chỉ có 3 mã giảm nhẹ là TCB, ACB và VIB, cùng OCB, SSB đứng giá tham chiếu. Trong đó, mã đầu ngành về vốn hóa là VCB tăng 2,9% lên 89.000 đồng, đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index. Tuy nhiên, VPB mới là mã tăng mạnh nhất nhóm với mức tăng 3,2% lên 21.000 đồng và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 42 triệu đơn vị. Một mã ngân hàng khác cũng có giao dịch sôi động hôm nay, chỉ đứng sau VPB là STB với 16,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,8% lên 24.800 đồng.

Các mã ngân hàng khác tăng khá tốt hôm nay có EIB tăng 2,4% lên 19.000 đồng, BID tăng 1,7% lên 46.100 đồng, HDB tăng 1,4% lên 17.650 đồng…

Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm bất động sản hôm nay cũng có giao dịch tích cực, trong đó “đại gia” của ngành là VHM tăng mạnh nhất 5% lên 47.650 đồng, đóng góp điểm số nhiều thứ 2 cho VN-Index, sau VCB. Thanh khoản của VHM hôm nay cũng khá tốt với gần 4,4 triệu đơn vị, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom vào khi mua ròng 1,6 triệu đơn vị.

Cũng tăng tốt trong nhóm bất động sản, xây dựng có CTD tăng 3,6% lên 38.600 đồng, VRC tăng 3,4% lên 8.410 đồng, PDR tăng 2,6% lên 11.900 đồng… Dù khiêm tốn hơn, nhưng NVL cũng có sắc xanh khi tăng 0,5% lên 11.100 đồng, khớp hơn 5,7 triệu đơn vị. DIG cũng tăng 1,7% lên 12.250 đồng, khớp gần 11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán và thép lại giao dịch kém tích cực hơn. Trong nhóm chứng khoán các mã tăng chủ yếu là mã nhỏ và mức tăng cũng không lớn, chỉ có VCI là nhóm bluechip có sắc xanh khi tăng 0,5% lên 29.450 đồng, còn VND đứng tham chiếu 14.800 đồng. Các mã giảm cũng chỉ giảm nhẹ, trong đó SSI giảm 0,8% xuống 19.850 đồng, HCM giảm 0,2% xuống 23.850 đồng. Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất là VND với 16,3 triệu đơn vị, tiếp đến là SSI khớp 12,3 triệu đơn vị.

Nhóm thép còn kém tích cực hơn khi chỉ có 1 mã xanh nhạt, 2 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, HPG giảm 0,7% xuống 20.300 đồng, khớp 12,9 triệu đơn vị, HSG giảm 1,6% xuống 15.850 đồng, khớp 8,7 triệu đơn vị, NKG giảm 1,3% xuống 15.600 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đà tăng của sàn HNX lại thu hẹp dần trong phiên chiều, có lúc bị đẩy xuống sát tham chiếu gần cuối phiên, trước khi kịp quay xe trở lại, nhưng đóng cửa vẫn thấp hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,42%), lên 203,96 điểm với 80 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,2 triệu đơn vị, giá trị 929,6 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và 16,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,2 triệu đơn vị, giá trị 201,8 tỷ đồng.

Trên sàn này, CEO là mã có giao dịch sôi động nhất với lượng khớp 11,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 21.400 đồng. Tiếp đến là SHS nhưng chỉ khớp gần 6 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 8.500 đồng. PVS khớp 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,6% lên 24.700 đồng, IDC khớp 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,3% lên 38.300 đồng.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của sàn này lình xình dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch chiều, nhưng cuối phiên đã kịp ngoi lên trên tham chiếu, trái ngược với phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,3%), lên 75,9 điểm với 148 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,5 triệu đơn vị, giá trị 222,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 8,6 tỷ đồng.

Rất bất ngờ khi hôm nay LMH lại có giao dịch sôi động, vượt qua cả BSR trở thành mã có thanh khoản tốt nhất với 3,7 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 5,1% xuống 3.700 đồng. BSR đứng ở vị trí thứ 2 với 3,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 15.100 đồng. C4G là mã cuối cùng trên UPCoM có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,9 triệu đơn vị), đóng cửa giảm 1,9% xuống 10.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng thấp hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2304 tăng 4 điểm (+0,4%), lên 1.034,5 điểm với 369.960 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 60.314 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh và đỏ khá cân bằng, trong đó mã tăng mạnh nhất là CVRE2215 do SSI phát hành với mức 53,3% lên 230 đồng, thanh khoản hơn 1,22 triệu đơn vị. Trong khi đó, mã giảm mạnh nhất là CPOW2204 do KIS phát hành giảm kịch sàn 66,7% xuống 10 đồng, thanh khoản 264.300 đơn vị. Về thanh khoản, ngoài CVRE2215, có thêm 3 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó lớn nhất là CSTB2215 do KIS phát hành với 1,94 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,4% lên 500 đồng; tiếp đến là CMWG2215 do HSC phát hành với 1,63 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,5% xuống 550 đồng; CVHM2218 do ACBS là mã còn lại với 1,12 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 25% lên 250 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục