Dường như diễn biến giằng co nhẹ trong phiên sáng khiến nhiều nhà đầu tư cầm được hàng trong phiên lao dốc ngày 19/1 đã mất kiên nhẫn và đẩy mạnh bán ra ngay khi bước vào phiên chiều. Áp lực bán dâng cao khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.160 điểm chỉ sau 15 phút đầu giao dịch.
Tuy nhiên, lực bán không dữ dội cùng sự hỗ trợ của bluechip đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục. Điều đáng chú ý trong phiên hôm nay chính là thanh khoản tiếp tục sụt giảm, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nhập cuộc sau phiên lao dốc mạnh ngày 19/1.
Kết phiên, sàn HOSE phân hóa với 211 mã tăng và 233 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,57 điểm (+0,22%), lên 1.166,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 758,32 triệu đơn vị, giá trị 16.021 tỷ đồng, giảm 2,5% về khối lượng và 8,33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42 triệu đơn vị, giá trị 1.330 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 có 17 mã tăng và 10 mã giảm, trong đó một số mã ngân hàng đã hồi phục như TCB, HDB, VPB hoặc VCB đã lấy lại mốc tham chiếu. Ngoài ra, các mã bluechip khác như VHM, VRE, MSN, FPT… cũng giữ đà tăng điểm.
Đáng chú ý, cổ phiếu TCH vẫn giữ phong độ khá tốt cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, TCH tăng 2,2% lên 25.900 đồng/CP với khối lượng khớp 8,74 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, lực cản chính đến từ một số mã như VNM giảm 1,5% xuống mức thấp nhất ngày 108.700 đồng/CP, GAS và PLX cùng giảm hơn 1%, HPG giảm 1,2% xuống 43.650 đồng/CP.
Mặc dù không thuộc nhóm VN30 nhưng một số mã lớn khác tăng tốt, hỗ trợ giúp thị trường bảo toàn sắc xanh như BCM hay VGC đều tăng kịch trần.
Điểm nhấn thị trường thuộc về cặp đôi FLC và ROS, trong đó FLC xác lập mức tăng trần cùng thanh khoản tăng vọt, với con số ấn tượng 57,38 triệu đơn vị, trong khi ROS vẫn giữ vững đà tăng trần với thanh khoản theo sát người anh em, đạt 51,62 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, thị trường còn đón nhận những đợt sóng đến từ nhóm cổ phiếu khu công nghiệp với BCM và KBC cùng giữ mức tăng trần; ở nhóm cổ phiếu cao su công nghiệp có DRC, CSM và SRC đều khoe sắc tím, cổ phiếu bất động sản, xây dựng với nhiều mã tăng như DXG, FCN, HBC, HDC, HDG, PDR, NLG, PC1…
Trên sàn HNX, thị trường diễn biến rung lắc và HNX-Index đã quay đầu điều chỉnh nhẹ do lực bán chốt lời gia tăng.
Đóng cửa, sàn HNX có 87 mã tăng và 122 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,07%), xuống 240,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 153,14 triệu đơn vị, giá trị 2.127 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,67 triệu đơn vị, giá trị 174,6 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, cặp đôi TNG và NRC vẫn trong trạng thái dư mua trần, trong đó TNG giao dịch sôi động với hơn 5,2 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trái lại, 2 mã thuộc dòng bank là SHB và NVB vẫn chưa có dấu hiệu tích cực với SHB duy trì mức giảm 2,2% xuống 17.400 đồng/CP, còn NVB giảm 2,9% xuống 13.600 đồng/CP. Trong đó, SHB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên HNX, đạt 22,67 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng đua nhau đảo chiều với SHS giảm 1,7% xuống 29.400 đồng/CP, MBS giảm 2,6% xuống 22.500 đồng/CP, BVS giảm 4,7% xuống 22.300 đồng/CP…
Nhóm dầu khí cũng kém tích cực với PVS giảm 2% xuống 19.900 đồng/CP, PVB giảm 1,5% xuống 19.900 đồng/CP, PVC giảm 2,3% xuống 8.500 đồng/CP.
Trên UPCoM, giao dịch đi ngang trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,17%), lên 77,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 105,3 triệu đơn vị, giá trị 1.006 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 79,77 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVX đóng cửa tăng 13% lên mức giá trần 2.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 15,17 triệu đơn vị và dư mua trần 3,75 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã nhỏ khác như AVF, VHG, SBS, GTT, TOP, PPI, HLA, ATB, NTB, PFL, SKS cũng kết phiên trong sắc tím với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị.
Các cổ phiếu lớn giúp thị trường duy trì đà tăng điểm như VGT tăng 8% lên 18.900 đồng/CP, MSR tăng 3,9% lên 23.700 đồng/CP, VEA tăng 2,4% lên 47.500 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm và 1 tăng, trong đó, VN30F2101 giảm 0,6% xuống 1.173,5 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 186.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.860 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản cao nhất thuộc về CFPT2011 với hơn 0,91 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 3,1% lên 4.020 đồng/cq.