Giao dịch chứng khoán chiều 20/9: Thị trường điều chỉnh, họ Louis đua nhau tăng trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ thì nhóm cổ phiếu nhà Louis lại đi ngược xu hướng khi đồng loạt đua nhau kéo trần.
Giao dịch chứng khoán chiều 20/9: Thị trường điều chỉnh, họ Louis đua nhau tăng trần

Sau khi bật cao và chạm mốc 1.365 điểm ngay đầu phiên chiều, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng khiến thị trường hạ độ cao và đảo chiều giảm nhẹ về cuối phiên.

Dẫn dắt thị trường phiên hôm nay vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, trái với nhiều lo ngại về khả năng bùng lên rồi tắt sớm như đã từng xảy ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay có nhịp tăng khá tốt với thanh khoản tăng so với cuối tuần trước. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này có được mức tăng ấn tượng, xác nhận kết thúc giai đoạn đi ngang và bước vào chu kỳ tăng giá ngắn hạn.

Sự vững giá của nhóm ngân hàng cũng là điểm chặn khiến VN-Index không bị rơi mạnh trong phiên chiều khi hầu hết cổ phiếu lớn trong rổ VN30 đều quay đầu giảm điểm như MSN, FPT, NVL, PLX, SAB,...

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index ngày hôm nay đã xác nhận thoát khỏi mô hình tam giác cờ đuôi nheo hướng lên, mở ra cơ hội tăng điểm tiếp tục trong tuần này.

Việc chỉ số bị đảo mạnh trong phiên chiều sau khi chạm cạnh trên của dải Bolliger Bands không phải là điều quá đáng ngại bởi việc điều chỉnh này giúp chỉ số không tăng quá nóng, đồng thời lấp GAP tạo ra khi mở cửa phiên sáng. Điều đáng chú ý là ngưỡng hỗ trợ 1.350 đã chứng minh hiệu quả trong thực tế khi VN-Index chạm ngưỡng này đã bật lên.

Với thanh khoản được duy trì tốt, khả năng thị trường sẽ có một nhịp tích lũy ngắn trong 1-2 phiên tới rồi mới có thể bứt phá, kiểm nghiệm lại các ngưỡng kháng cự cao hơn là 1.375 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 197 mã 234 mã giảm, VN-Index giảm 2,16 điểm (-0,16%) xuống 1.350,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 894,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 24.533 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng nhưng giảm 5,44% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,98 triệu đơn vị, giá trị 1.606 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm sáng của thị trường dù có một vài mã như BID, TPB, EIB không giữ được sắc xanh và quay đầu điều chỉnh nhẹ, còn lại vẫn giao dịch khởi sắc. Đặc biệt là VIB bất ngờ có phiên giao dịch bùng nổ.

Ngay khi bước vào phiên chiều, VIB đã bật mạnh và nhanh chóng chạm mức giá trần 38.500 đồng/CP, tăng 6,9%, đồng thời thanh khoản cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 4 triệu đơn vị, gấp khoảng 5 lần so với những phiên gần đây.

Bên cạnh đó, các mã khác cũng giữ đà tăng tốt như VCB tăng gần 2,5%, TCB tăng hơn 1,9%, OCB tăng 3,9%, LPB tăng 4,7%; MBB, ACB, STB tăng hơn 1%.

Ngoài dòng bank, một số mã khác trong nhóm VN30 cũng giữ phong độ như PDR tăng 3,6% lên 82.900 đồng/CP, VNM tăng 2,5% lên 88.700 đồng/CP, BVH và KDH tăng nhẹ.

Trái lại, sắc đỏ trong rổ VN30 có phần chiếm ưu thế hơn, với các mã giảm mạnh như GAS giảm 3,4% xuống 88.800 đồng/CP, GVR giảm 3% xuống 37.400 đồng/CP, MSN giảm 2,1% xuống 143.000 đồng/CP; FPT, PLX, PNJ, SAB đều giảm trên 1%.

Sau tín hiệu điều chỉnh trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều, với HPG giảm 1%, HSG giảm 4,3% xuống mức giá thấp nhất ngày 45.000 đồng/CP, NKG giảm 3,4% xuống 43.550 đồng/CP, TLH giảm 4,9% xuống 22.200 đồng/CP…

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh các mã lớn như VIC, VHM, NVL giảm nhẹ, đáng kể nhiều mã giảm sâu về mức giá thấp nhất ngày như DIG giảm 6% xuống mức 32.000 đồng/CP, KBC giảm 3% xuống 41.000 đồng/CP, IJC giảm 2,7% xuống mức 28.300 đồng/CP, LCG giảm 3,5% xuống 18.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường. Trong đó, điểm nóng vẫn thuộc về họ Louis khi đồng loạt trở lại đà tăng mạnh, bất chấp thị trường quay đầu điều chỉnh. Cụ thể, bên cạnh TGG, TDH và VKC tăng trần, trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của các thành viên khác là APG, DDV, BII, còn lại SMT và AGM tăng sát trần.

Về thanh khoản thị trường, dẫn đầu là cặp đôi vừa và nhỏ ITA và HQC. Trong đó, ITA kết phiên vẫn giữ sắc tím khi tăng 6,9% lên mức 7.610 đồng/CP và khớp 38,11 triệu đơn vị, còn HQC tăng 6,4% lên mức 3,840 đồng/CP và khớp 32,82 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường rung lắc, nhưng HNX-Index đã may mắn lấy lại sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HNX có 132 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,25%), lên 358,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 184,3 triệu đơn vị, giá trị 3.666,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,67 triệu đơn vị, giá trị 513,74 tỷ đồng, trong đó IDC thỏa thuận 10,14 triệu đơn vị, giá trị 423,35 tỷ đồng.

Không chỉ thỏa thuận lớn, IDC cũng có phiên giao dịch khá tích cực. Kết phiên, IDC tăng 2,4% lên mức 47.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,69 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản lớn nhất trên sàn HNX.

Các cổ phiếu dầu khí đang gia tăng sức ép lên thị trường, đáng kể là PVS giảm 4,3% xuống mức 27.000 đồng/CP, PVC giảm 3,6% xuống 10.600 đồng/CP, PVB giảm 2% xuống 14.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng nới rộng đà giảm như LAS, MBS, SHS, BVS giảm trên dưới 2%, VCS giảm 1,1%, TNG giảm 4,3% xuống mức 31.000 đồng/CP, CEO giảm 2,7% xuống 10.700 đồng/CP…

Trong khi đó, KLF vẫn là cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ này khi ghi nhận mức tăng 4,5% lên 4.600 đồng/CP; tiếp theo là CAP và TVC tăng hơn 3%.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là SHB vẫn chỉ nhích nhẹ và NVB duy trì mức tăng hơn 2%.

Về thanh khoản, top 3 cổ phiếu dẫn đầu gồm PVS khớp 18,94 triệu đơn vị, SHb khớp 14,93 triệu đơn vị, KLF khớp 12,64 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán trong nửa cuối phiên chiều cũng khiến thị trường rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 97,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 135,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.553,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,12 triệu đơn vị, giá trị 103,85 tỷ đồng.

Cũng như sàn niêm yết, cặp đôi cổ phiếu dầu khí trên UPCoM là BSR và OIL cũng giảm sâu. Trong đó, BSR giảm 4,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 18.200 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 16,79 triệu đơn vị được giao dịch thành công; còn OIL giảm 2,2% xuống 13.400 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc nhóm thép là TVN cũng giảm sâu 5,8% xuống mức giá 17.800 đồng/Cp và khớp 3,74 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là màn đảo chiều của thành viên họ Louis – DDV khi nhanh chóng lấy lại đà tăng trần sau 2 phiên điều chỉnh. Kết phiên, DDV đứng tại mức giá trần 38.600 đồng/CP và khớp 2,79 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng phái sinh tăng và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2110 dẫn đầu thanh khoản với gần 141.120 đơn vị được khớp lệnh, khối lượng mở, gần 30.070 đơn vị và đóng cửa giảm 4,8 điểm (-0,3%) xuống 1.452 điểm.

Trên thị chứng quyền, phiên này CHPG2111 hút giao dịch nhất với 293.160 đơn vị khớp lệnh, và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 2.590 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ