Giao dịch chứng khoán chiều 19/7: Cầu bắt đáy quá yếu, thị trường rơi mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như bằng giờ này tuần trước (12/7), nhà đầu tư hào hứng bắt đáy khi thị trường lao dốc với giá trị cả phiên riêng HOSE vượt trên 30.000 tỷ đồng, thì phiên chiều nay VN-Index dù mất điểm mạnh tới hơn 4% thì lực cầu bắt đáy chỉ còn hơn phân nửa.
Giao dịch chứng khoán chiều 19/7: Cầu bắt đáy quá yếu, thị trường rơi mạnh

Giống như trái bóng khi tuột tay rơi xuống đất, nhịp nảy lại đầu tiên luôn là mạnh nhất, những nhà đầu tư cầm tiền thường chọn nhịp này để mua vào và chờ bán ra khi hàng về (T+3), những nhịp nảy lại sau đó sẽ không được ưu tiên vì độ bật lại yếu hơn.

Có lẽ vì vậy, phiên chiều nay khi rất nhiều mã về giá sàn nhưng không nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư cầm tiền khiến VN-Index chỉ bật lên rất nhẹ sau mỗi nhịp giảm và rồi... giảm tiếp.

Để có lực cầu trở lại, có lẽ cần thêm một nhịp giảm nữa, đủ đưa giá về vùng sâu hơn nữa, và giá bớt biến động hơn. Giống như một trái bóng, các cầu thủ thường đánh đầu tốt nhất khi chọn trúng điểm rơi, và bắt vô lê chuẩn xác nhất khi động lực di chuyển trái bóng giảm xuống thấp nhất...

Câu hỏi là VN-Index sẽ xuống vùng nào? Câu trả lời được nhắc rất nhiều từ khi thị trường đảo chiều giảm điểm tuần trước nữa. Mốc 1.200 (+/-), đó là mốc cứng hoặc xấu hơn nữa là mốc quanh khoảng 1.160 điểm tương ứng với đường trung bình MA 200.

Điều này có nghĩa thị trường hết phiên ngày hôm nay (19/7) đã về rất gần đáy dự kiến, và một phiên giảm điểm như hôm nay nữa thị trường sẽ về những mốc này.

Vậy tại sao lực bán vẫn mạnh?

Câu trả lời nằm ở chính những lý do vừa đề cập. Dịch bệnh chỉ là cái cớ, nhưng không đủ mạnh để những người nắm giữ bán ra bằng mọi giá. Thực ra, lực cung giá thấp ở những phiên cuối tuần trước đã giảm đi mạnh mẽ, và phiên hôm nay có tăng lên, tăng nhưng không bán ra ồ ạt với mọi giá, thể hiện ở việc không có quá nhiều mã dư bán giá sàn.

Lý do lớn nhất nằm ở lực cầu, lực cầu đã yếu đi từ 2 phiên cuối tuần trước với thanh khoản chỉ quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng trên HOSE, bất chấp chỉ số đã tăng lên. Phiên hôm nay khi giá giảm, có lúc giảm mạnh, lực cầu như đề cập không xuất hiện khiến thị trường vỡ mốc hỗ trợ 1.700 điểm. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm thì quá dễ để dự đoán thị trường sẽ còn giảm, việc bán ra có lợi hơn mua vào.

Trong phiên ATC, lực mua vào có mạnh lên đôi chút nhưng cũng chỉ giúp thanh khoản toàn sàn HOSE đạt gần 22.000 tỷ đồng, ở mức thấp so với giai đoạn trước.

Và lực cầu sẽ là chìa khóa để trả lời đâu là đáy của VN-Index. Những người theo trường phái kỹ thuật, không cần quá siêu, cũng dễ dàng chỉ ra được các mốc hỗ trợ, các ngưỡng cản, điểm bán, điểm mua trên một vài công cụ cơ bản như BB, MACD, MA 20, MA 50, mây Ichimoku,... Nhưng dù chỉ số nào thì cũng lưu ý rằng giá cổ phiếu lên được, xuống được là do chênh lệch cung cầu về tiền.

Dòng tiền mua vào tiếp tục giảm thì đáy thị trường vẫn còn rất xa.

Trong diễn biến phiên chiều nay, chiều mà Hà Nội có mưa, diễn biến đáng chú ý so với phiên sáng đó là MSN không còn giữ được mức giá xanh, trong nhóm VN30 còn duy nhất Nhà Khang Điền (KDH) tăng điểm. Việc cổ phiếu trụ như MSN giảm điểm đã góp thêm màu đỏ cho VN30 và VN-Index phiên chiều nay.

Điểm nhẫn toàn thị trường vẫn như phiên sáng đó là nhóm cổ phiếu y tế và dược phẩm tăng điểm. Trong nhóm này, Dược Bến Tre (DBT) thậm chí còn giữ được sắc tím đến cuối phiên. Còn toàn HOSE số mã có giá tích cực quá ít bởi chỉ có 50 mã tăng điểm, 21 mã giữ được giá tham chiếu, còn lại thì...

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 50 mã tăng và 346 mã giảm (71 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống mức 1.243,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 731 triệu đơn vị, giá trị 21.848,32 tỷ đồng, tăng 57% về khối lượng và 41,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.801 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán diễn biến khá tiêu cực với hàng loạt mã giảm sàn như CTG, LPB, TCB, TPB, VIB, VPB hay AGR, APG, CTS, HCM, VCI, VDS, VIG, VIX, còn lại phần lớn cũng không thoát khỏi đà giảm sâu như MBB, SSI, BID, SSB… giảm trên 6%; VCB, HDB, EIB, ACB, STB… giảm trên dưới 4%.

Ngoài ra, hàng loạt mã bluechip khác trong nhóm VN30 cũng có mức giảm khá sâu như BVH, HPG đều giảm hơn 5%; MWG về sát mức giá sàn khi giảm tới 6,9%; VHM, PLX, PNJ, VRE giảm trên 3-4%...

Các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản và dầu khí cũng có những thành viên kết phiên trong sắc xanh mắt mèo như NKG, TLH, POM, PVD, PVT, IJC, DIG…

Trái lại, ở nhóm cổ phiếu ngành dược, ngoài DBT kết phiên trong sắc tím, các mã khác trong nhóm như IMP, DHG, TRA đều tăng khá tốt, DMC tăng 6,1% lên sát mức giá trần 50.200 đồng/CP.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechip, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường. Cụ thể, FLC, ROS, HNG, HQC, FIT, ITA, DLG, HAI, TSC, AMD… đua nhau giảm sàn. Trong đó, FLC vẫn giao dịch sôi động nhất của nhóm này với 37,45 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Về thanh khoản thị trường, dẫn đầu là HPG khớp 39,43 triệu đơn vị. Tiếp theo là TCB khớp 39,33 triệu đơn vị và STB khớp 38,56 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán tháo cũng diễn ra trong phiên chiều khiến thị trường cắm đầu đi xuống.

Đóng cửa, sàn HNX có 41 mã tăng và 186 mã giảm, HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 115m98 triệu đơn vị, giá trị 2.435,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,27 triệu đơn vị, giá trị 351,7 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 cũng giảm mạnh, đáng kể có PVC, MBS, KLF đóng cửa tại mức giá sàn. Còn các mã SHB, PVS, PVB, NVB, SHS giảm trên dưới 9%; các mã khác như BVS, CEO, NBC, TNG… giảm trên 6%.

Bên cạnh các cổ phiếu ngân hàng, các mã bluechip giảm sâu, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau nằm sàn như APS, ART, PSI, HBS…

Về thanh khoản, top 5 mã dẫn đầu gồm SHB khớp hơn 19 triệu đơn vị, PVS khớp 16,47 triệu đơn vị, SHS khớp 9,74 triệu đơn vị, KLF khớp 7,8 triệu đơn vị, VND khớp 6,82 triệu đơn vị.

Trên UPCOM, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,74 điểm (-3,21%) xuống 82,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,74 triệu đơn vị, giá trị 997,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,2 triệu đơn vị, giá trị gần 319 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng đăng ký trên UPCOM cũng giảm mạnh với các mã ABB, BVB giảm trên 11%; NAB, PGB, SGB giảm trên 8-10%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như BSR, ACB, VEA, VGT, VGI… đều giảm sâu. Trong đó, BSR giảm 7,2% xuống mức 16.700 đồng/CP và vẫn dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch vượt trội đạ 16,54 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sâu khi đóng cửa, trong đó, phiên đáo hạn của VN30F2107 đã giảm 72 điểm (-5%) xuống 1.368 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 307.730 đơn vị, khối lượng mở 24.135 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn, trong đó CPNJ2102 dẫn đầu thanh khoản hôm nay, đạt 74.810 đơn vị đã đóng cửa giảm 30,8% xuống 2.700 đồng/CQ.

Trong khi đó, CHPG2108 đứng thứ 2 về thanh khoản khi khớp 34.540 đơn vị và kết phiên giảm 1,3% xuống 3.040 đồng/CQ.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ