Giao dịch chứng khoán chiều 19/5: Sóng ngân hàng kéo dài, VN-Index lấy lại đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoại trừ VCB và BID, tất cả các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại trên HOSE đều tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng mạnh, giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau 2 phiên giảm điểm, dù sắc đỏ chiếm ưu thế.
Giao dịch chứng khoán chiều 19/5: Sóng ngân hàng kéo dài, VN-Index lấy lại đà tăng

Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu khi các mã trên bảng điện tử có sự phân hóa rõ nét. Dù vậy, chỉ số này vẫn đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và một vài mã lớn trong nhóm thép, cùng các mã bluechip khác.

Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và một vài mã bluechip khác kéo nhiều mã tăng mạnh, qua đó kéo VN-Index nới rộng đà tăng, vượt qua mốc 1.260 điểm, lên mức cao nhất ngày trước khi lùi nhẹ một chút khi chốt phiên dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.

Chốt phiên chiều, VN-Index tăng 9,81 điểm (+0,78%) lên 1.262,49 điểm với 183 mã tăng và 235 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 694,4 triệu đơn vị, giá trị 21.593,9 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,4 triệu đơn vị, giá trị 1.588,4 tỷ đồng.

Như đã đề cập, đà tăng của thị trường hôm nay nhờ phần lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi ngoại trừ 2 “ông lớn” VCB và BID có sức ỳ lớn, còn lại đều tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng mạnh như STB, MBB, TCB, VIB, CTG, HDB.

Sau giai đoạn bùng nổ 2003 - 2008, cổ phiếu ngân hàng đang bước vào làn sóng thứ 2 khi tăng mạnh kể từ nửa cuối năm 2020 tới nay, trong đó có nhiều mã tăng gấp đôi như VIB, SHB… Dù đã tăng mạnh, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có triển vọng, bên cạnh các nhóm thép, logistics, bất động sản…

Trở lại với phiên hôm nay, nhóm ngân hàng tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường khi đồng loạt tăng mạnh.

Cụ thể, STB tăng 4,4% lên 28.500 đồng, khớp 41,5 triệu đơn vị, MBB tăng 3,6% lên 34.500 đồng, khớp 27,4 triệu đơn vị, TCB tăng 3,6% lên 50.100 đồng, khớp 14,9 triệu đơn vị, VIB tăng 3,2% lên 60.500 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, CTG tăng 3,1% lên 48.000 đồng, khớp 15,6 triệu đơn vị. HDB tăng 2,8% lên 31.450 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị. Với mức giá này, vốn hóa của HDB vượt mức 50.000 tỷ đồng.

Các mã khác trong nhóm tăng hơn 2% có TPB, LPB, các mã tăng hơn 1% có EIB và ACB. Chỉ có VCB giảm nhẹ 0,3% xuống 94.300 đồng và BID đứng giá tham chiếu 40.900 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, một số mã bluechip khác tăng tốt hôm nay là FPT tăng 4,4% lên 90.800 đồng, MSN tăng 2,8% lên 108.000 đồng, HPG tăng 4,3% lên 66.100 đồng, khớp 28,4 triệu đơn vị. Ngoài ra còn có VHM, GVR, NVL, PLX.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường lại có sự phân hóa. Trong đó, cặp đôi FLC - ROS vẫn duy trì đà tăng tốt và sức hút với dòng tiền. Cụ thể, FLC tăng 2,8% lên 12.800 đồng, khớp 36,9 triệu đơn vị. ROS tăng 2,8% lên 7.270 đồng, khớp 23,3 triệu đơn vị. Đặc biệt, FIT tăng trần lên 10.750 đồng và còn dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã như HQC, ITA, DLG, LDG, HAI… đóng cửa trong sắc đỏ.

Giao dịch tích cực trên sàn HOSE cũng tác động đến sàn HNX, giúp chỉ số chính của sàn này đảo chiều đi lên vào nửa cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên chiều, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,21%), lên 295,25 điểm với 86 mã tăng, trong khi có 133 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 130,8 triệu đơn vị, giá trị 2.914 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và hơn 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,8 triệu đơn vị, giá trị 96,7 tỷ đồng.

SHB dù cũng có sức hút lớn nhất với dòng tiền trên sàn này, nhưng cũng chỉ đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 29.400 đồng, khớp 26 triệu đơn vị. Mã đứng thứ 2 là SHS với 12,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 4,3% lên 31.400 đồng. Trong khi đó, NVB giảm 2,3% xuống 16.800 đồng, khớp 8,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, giao dịch trên UPCoM lại kém tích cực hơn 2 sàn niêm yết khi chỉ số chính của sàn này bị đẩy xuống mức đáy của ngày trong nửa đầu phiên giao dịch, trước khi hồi trở lại, nhưng không thể thoát khỏi sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,24%), xuống 79,81 điểm với 129 mã tăng và 141 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,9 triệu đơn vị, giá trị 613 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 0,9 triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường này, nhưng đóng cửa giảm 0,7% xuống 15.100 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị.

KSH dù có lúc tăng trần lên 3.400 đồng, nhưng đóng cửa chỉ ở mức tham chiếu 3.000 đồng, khớp 3 triệu đơn vị.

Các mã tăng mạnh nhất trên thị trường này đều có thanh khoản rất thấp, nhiều mã tăng trần với chỉ 1 lệnh khớp duy nhất.

Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng có thời hạn đáo hạn vào tháng 12/2021 có mức tăng thấp hơn, 3 hợp đồng còn lại đều tăng hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,68% lên 1.401,71 điểm, các hợp đồng còn lại tăng từ 1,83% đến 2,17%, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 5 tăng mạnh nhất 2,17% lên 1.404,9 điểm với 181.035 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 22.522 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, các mã tăng mạnh nhất đều do KIS và MBS phát hành, chủ yếu là chứng quyền của PDR, NVL, VNM, STB, HPG. Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG2108 cũng do KIS phát hành với hơn 1,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng trần 13,2% lên 7.560 đồng. Ngoài ra, còn có 3 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị cũng đều do KIS phát hành là CVRE2009, CNVL2003 và CVNM2011, trong đó CNVL2003 tăng 3% lên 7.920 đồng, còn lại 2 mã kia đều giảm mạnh hơn 21%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ