Sau cú đạp mạnh đầu phiên tạo gap giảm, thị trường đã ổn định hơn trong nửa cuối phiên sáng cuối tuần ngày 18/2 với diễn biến phân hóa khá mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank giảm trả lại sau phiên kéo ATC hôm qua.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục rung lắc, nhưng dòng tiền hoạt động tích cực hơn, nhất là nhóm bất động sản vừa và nhỏ, cổ phiếu thép, chứng khoán, giúp chỉ số VN-Index hãm đà giảm và một lần nữa bảo vệ thành công ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Cụ thể, sau gần 30 phút mở cửa và để thủng vùng giá này, lực cầu đã tăng mạnh giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index có thời điểm áp sát mốc tham chiếu nhưng vẫn chưa thể hồi phục do thiếu sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu bluechip.
Đóng cửa, sàn HOSE có 243 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,21%) xuống 1.504,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 615,8 triệu đơn vị, giá trị 19.463,1 tỷ đồng, cùng tăng hơn 13% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25 triệu đơn vị, giá trị hơn 921 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, sau phiên kéo ATC hôm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay đã trả lại, nên đồng loạt quay đầu giảm. Trong đó, cổ phiếu BID vẫn là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 2,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 44.700 đồng/CP. Ngoài ra, MBB giảm 1,7%, STB giảm 1,6%, ACB giảm 1,3%, TCB và VPB cùng giảm 1,1%... Cổ phiếu VIB vẫn là mã duy nhất trong ngành giữ được sắc xanh nhưng mức tăng chỉ 0,1%.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng gia tăng gánh nặng lên thị trường như VHM giảm 1,4%, VIC giảm 1,1%, GVR giảm 1,2%, GAS giảm 1,4%...
Trái lại, nhóm cổ phiếu vận tải là điểm sáng với sự dẫn đầu từ cổ phiếu VJC tăng 5,2% và kết phiên lên mức giá cao nhất ngày 149.000 đồng/CP, TMS tăng trần, các mã HVN, GMD, STG đều tăng hơn 1%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế cũng không tỏ ra thua kém với DHG tăng gần hết biên độ, đạt 6,9% lên sát trần 108.900 đồng/CP, DBT và PME cùng tăng kịch trần, IMP và DCL cùng tăng 2%, AMV tăng 4,27%, TNH tăng hơn 5%, JVC tăng 5,24%...
Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, ngoại trừ sự cản trở của nhóm cổ phiếu ngân hàng, còn lại các mã chứng khoán và thép vẫn duy trì diễn biến tích cực.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu thép với các mã HPG, HSG, TLH, SMC đều tăng trên dưới 2%, cổ phiếu NKG tiếp tục tăng tốt nhất ngành khi kết phiên tăng 4% lên mức 41.400 đồng/CP.
Đặc biệt là nhóm chứng khoán, sau nhịp hồi ở cuối phiên sáng, hầu hết các cổ phiếu đã đua nhau nới rộng biên độ tăng. Đáng kể như VDS tăng sát trần với biên độ tăng 6,5% lên mức giá cao nhất ngày 39.400 đồng/CP, BSI tăng 5,4% lên 43.200 đồng/CP. Các mã lớn trong ngành như SSI tăng nhẹ 0,4%, HCM tăng 1,9%, VND tăng 1,4%, VCI tăng 2,4%.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa khá mạnh, trong khi các mã lớn như VHM, VIC, NVL, BCM, KDH, PDR giao dịch trong sắc đỏ, thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại chứng kiến sự trở lại của hàng loạt mã nóng.
Cụ thể, bên cạnh các mã CII, DAH, DPG, VRC… tăng kịch trần, các mã khác như DIG, LDG, LGC tăng trên dưới 6%, OGC, QCG, VPH, DRH tăng hơn 5%...
Trên sàn HNX, dòng tiền sôi động tiếp sức cho thị trường nới rộng đà tăng điểm lên mức giá cao nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 139 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 5,37 điểm (+1,25%), lên 435,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,6 triệu đơn vị, giá trị 2.334,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 105,9 tỷ đồng.
Mặc dù không leo lên được mức giá trần và cũng không giữ được giá cao nhất trong ngày nhưng CEO đã đóng góp tích cực vào đà tăng của thị trường khi tăng tốc trong phiên giao dịch chiều. Kết phiên, CEO tăng 7,4% lên mức giá 71.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, người anh cùng ngành là IDC cũng giữ nhiệt khi kết phiên tăng 4,7% lên mức 71.800 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt 3,15 triệu đơn vị. Ngoài ra, cặp IDV và LHC cũng ghi nhận mức tăng hơn 4%.
Ngoài sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận phiên khởi sắc với MBS tăng 3,8% lên mức 35.300 đồng/CP, SHS tăng 2,9% lên mức 42.400 đồng/CP, BVS tăng 2,2% lên 37.400 đồng/CP, VIG tăng 5,2% lên 14.200 đồng/CP, APS tăng 1,5%...
Trong khi đó, nhóm dầu khí giao dịch không mấy tích cực với PVB giảm 2,1%, PVC và PVS cùng giảm 0,7% xuống gần mức giá thấp nhất ngày. Trong đó, PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 6,27 triệu đơn vị khớp lệnh.
Không chỉ trên HOSE, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên HNX cũng có phiên khởi sắc. Bên cạnh BII kéo trần thành công, các mã khác như KLF, ART, AMV, PVL, MBG, OCH… kết phiên tăng điểm.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,27%), lên 112,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107,96 triệu đơn vị, giá trị 1.397,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 03,72 triệu đơn vị, giá trị 35,13 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHG tiếp tục nới rộng đà tăng với biên độ tăng 3,3%, kết phiên đứng tại mức giá cao nhất ngày 9.500 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt xấp xỉ 8,9 triệu đơn vị.
Các mã vừa và nhỏ khác giao dịch khởi sắc và sôi động như SBS tăng 1,5% lên mức 13.700 đồng/CP và khớp hơn 5,7 triệu đơn vị, C4G tăng 1,9% lên 21.700 đồng/CP và khớp 4,23 triệu đơn vị, HVG tăng 4,8% lên 4.400 đồng/CP và khớp 4,15 triệu đơn vị. Ngoài ra, DPS, AVF, SPP, PFL, PVR, ATG, VST đồng loạt tăng kịch trần với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.
Một số mã lớn tiếp sức cho đà hồi phục của thị trường như VGT tăng 1,9%, VGI tăng 3,1%, MSR tăng 1,2%, MCM tăng 5,6%...
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất ngày 17/3/2022 giảm 5 điểm (-0,3%) xuống 1.525 điểm, khớp 129.495 đơn vị, khối lượng mở hơn 14.910 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm đa số, với CNVL2201 phiên này giao dịch sôi động nhất với 114.810 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 1,5% xuống 660 đồng/CP.
Tiếp theo là CVRE2113 khớp 101.920 đơn vị và kết phiên giảm 10,2% xuống mức 880 đồng/CQ.