Giao dịch chứng khoán chiều 18/8: Nhóm trụ yếu đà, VN-Index có thêm phiên điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp sau khi trở lại test ngưỡng 1.370 bất thành đầu phiên chiều khi áp lực chốt lời chuyển hướng sang nhóm ngân hàng và VIC. 
Giao dịch chứng khoán chiều 18/8: Nhóm trụ yếu đà, VN-Index có thêm phiên điều chỉnh

Trong phiên sáng nay, VN-Index giằng co quanh tham chiếu khi áp lực bán ra tại VHM tiếp tục gây áp lực lên thị trường, nhưng bù lại MSN, VCB và VIC trở thành đối trọng, giúp thị trường cân bằng, thậm chí đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên giao dịch chiều nay, diễn biến những phút đầu vẫn không có gì thay đổi khi thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Tuy nhiên, sau gần 1 tiếng giao dịch, lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã giúp VHM bật tăng hơn 2,2% lên ngưỡng 113.500 đồng, trước khi quay đầu giảm trở lại trước áp lực chốt lời vẫn lớn.

Phút lóe sáng của VHM cũng kéo VN-Index lên test lại vùng 1.370 điểm, sau đó nhanh chóng quay đầu giảm trở lại theo đà của VHM, thậm chí chỉ số này còn bị giảm gần 14 điểm, từ ngưỡng 1.370 điểm cao nhất phiên xuống xuống mức 1.356 điểm, xác lập đáy của ngày trước khi hồi trở lại gần sát tham chiếu.

Tuy nhiên, giống như phiên hôm qua, khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ theo đà bật trở lại lên trên tham chiếu như phiên cuối tuần trước, thì đợt bán ra ở đợt ATC khiến VN-Index lùi trở lại, đóng cửa ghi nhận phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp, với giá đóng cửa gần như ngang bằng giá mở cửa.

Thị trường có thêm phiên thứ 7 tích lũy trong vùng 1.350 - 1.380 điểm tương ứng với 2 ngưỡng Fibo 61,8 và 78,6 phục hồi từ vùng đáy 1.240 điểm. Hiện VN-Index nằm đúng trên đường giá trung bình 5 ngày (MA5), tạo hy vọng về khả năng phục hồi của thị trường ngay phiên ngày mai.

Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm nhẹ 2,15 điểm (-0,15%), xuống 1.360,94 điểm với 172 mã tăng và 197 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 689,8 triệu đơn vị, giá trị 24.406,7 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 5,3% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 48 triệu đơn vị, giá trị 1.858 tỷ đồng. Việc khối lượng giảm mạnh hơn giá trị do hôm nay thanh khoản VHM tăng mạnh hơn so với hôm qua và là phiên thanh khoản kỷ lục của mã này kể từ khi lên sàn.

Trong 3 phiên giảm gần nhất, thanh khoản của VHM tăng mạnh cho thấy áp lực chốt lời mã này rất lớn, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, diễn biến phiên hôm nay, nhất là phiên chiều nay cho thấy, lực cầu bắt đáy khá tự tin, nhất là khi giá về sát dưới mây Ichimoku. Lực cầu bắt đáy giúp giá VHM trở lại trong mây, thậm chí có lúc đã lên trên đường trung bình MA20.

Chốt phiên, VHM giảm nhẹ 0,9% xuống 110.000 đồng, khớp 23,5 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE.

Trong khi VHM hãm đà giảm, thì VIC lại quay đầu điều chỉnh, đóng cửa giảm 1% xuống 97.900 đồng và trở thành mã níu kéo VN-Index lớn nhất hôm nay. Cặp đôi VHM và VIC hôm nay lấy đi của VN-Index 1,78 điểm, nhưng vẫn còn khiêm tốn hơn nhất nhiều so với những gì VHM tác động lên VN-Index trong 2 phiên đầu tuần.

Cùng với cặp đôi này, nhóm ngân hàng hôm nay cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới VN-Index khi trong 10 mã kìm hãm thị trường lớn nhất hôm nay có tới 6 mã ngân hàng là VPB, TCB, BID, VIB, SSB và MSB. Trong khi VCB cùng VIC và VNM phiên sáng hỗ trợ cho VN-Index cũng không giữ được đà tăng khi đóng cửa ở tham chiếu 101.000 đồng.

Ngoài các mã trên, nhóm ngân hàng hôm nay không còn mã nào giữ được sắc xanh, trong đó giảm mạnh nhất là MSB giảm 1,91% xuống 30.800 đồng, tiếp đến là VPB giảm 1,69% xuống 64.000 đồng, VIB và LPB là 2 mã tiếp theo giảm trên 1%, còn lại đều giảm nhẹ dưới 1%.

Không chỉ nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng bị chốt lời phiên chiều nay, nên không còn có sắc xanh ở tất cả như phiên sáng, trong đó mã lớn nhất nhóm SSI quay đầu giảm 1,49% xuống 60.200 đồng, FTS cũng đảo chiều giảm nhẹ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngoài APG, có thêm VIX đóng cửa ở mức trần 26.300 đồng. Các mã lớn khác như VCI, HCM đều giữ được đà tăng.

HPG, PLX cũng chỉ đứng ở tham chiếu. Ở chiều ngược lại, may mắn cho VN-Index là MSN vẫn giữ được phong độ với mức tăng 1,51% lên 134.500 đồng, đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Cùng với đó là VNM cũng giữ được đà tăng 0,78% lên 90.000 đồng, cùng với MSN đóng góp 1 điểm cho VN-Index hôm nay.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ của một số mã trụ khác như GVR tăng 0,13% lên 37.550 đồng, SAB tăng 0,34% lên 146.000 đồng, GAS tăng 0,22% lên 92.600 đồng, MWG tăng 1,53% lên 172.500 đồng, VJC tăng 0,6% lên 118.000 đồng, FPT tăng 0,21% lên 94.000 đồng…

Các mã thị trường hôm nay cũng có sự phân hóa, dù dòng tiền vẫn chảy khá tốt, trong đó FIT khớp hơn 20 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 20.100 đồng, KBC tăng 0,4% lên 36.650 đồng, khớp 8 triệu đơn vị, trong khi ITA, ROS, FLC… đóng cửa trong sắc đỏ, thanh khoản cũng trên dưới 10 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản ngoài các mã trụ, các mã vừa và nhỏ còn lại đều giữ được đà tăng như KDH, HDG, SJS, HPX, DIG…, trong đó DIG có biên độ dao động khá lớn khi từ mức 31.900 đồng tới mức trần 34.400 đồng, trước khi đóng cửa tăng 5,8% lên 34.000 đồng.

Trong các nhóm khác, nhóm vận tải biển tiếp tục bị chốt lời, trong đó VOS giảm sàn, trong khi nhóm dược, y tế lại khởi sắc với hàng loạt sắc tím như BDB, VMD, DBT, JVC, SPM (nếu kể cả trên UPCoM và HNX có thêm DDN, UPH, TW3, HDP, PPP, AMV), các mã khác như VDP, IMP, DHG cũng đóng cửa với sắc xanh.

Trên HNX, sau ít phút đầu giằng co, HNX-Index bất ngờ bị đẩy mạnh trong ít phút cuối phiên trước khi lấy lại được đà tăng trong đợt ATC.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,5%), lên 344,82 điểm với 123 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,3 triệu đơn vị, giá trị 4.217,2 tỷ đồng, giảm 9,6% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 295,4 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán vẫn giữ được đà tăng tốt trong phiên chiều nay, dù có lúc gặp chút rung lắc do áp lực chốt lời, trong khi nhóm ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn khi chỉ có BAB đứng tham chiếu, còn lại SHB và NVB giảm, dù mức giảm không lớn.

Chốt phiên, trong nhóm chứng khoán, TVB và EVS vẫn giữ được sắc tím, VND tăng 1,14% lên 53.300 đồng, khớp 14,1 triệu đơn vị, SHS tăng 1,72% lên 53.100 đồng, khớp 9,54 triệu đơn vị. Tuy nhiên, 2 mã này đã bị PVS vượt qua về thanh khoản khi khớp 18,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 27.300 đồng.

Trong khi đó, SHB giảm 0,3% xuống 29.400 đồng, khớp 11,5 triệu đơn vị, NVB giảm 1,36% xuống 29.100 đồng. Một mã chứng khoán khác tăng mạnh là MBS tăng 3,42% lên 36.300 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Mã vốn hóa lớn nhất là THD vẫn duy trì đà tăng nhẹ nhàng 0,23% lên 214.000 đồng.

Ngoài nhóm dược và 2 mã chứng khoán TVB, EVS, mã BII vẫn duy trì sắc tím 10.700 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần rất lớn.

Trên thị trường UPCoM, lực bán gia tăng trong phiên chiều ở một số mã lớn khiến chỉ số chính của thị trường hãm đà tăng, thậm chí có lúc bị đẩy về sát tham chiếu, trước khi nhích nhẹ trở lại cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,3%), lên 94,48 điểm với 169 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75 triệu đơn vị, giá trị 1.559 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4 triệu đơn vị, giá trị 79 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất cho thị trường UPCoM hôm nay là MCH với mức tăng 2,15% lên 128.500 đồng, tiếp đó là SSH với mức tăng 6,93% lên 112.700 đồng. Kể từ khi lên UPCoM ngày 4/8 tới nay, SSH đã có chuỗi tăng trần liên tiếp, trước khi hạ nhiệt trong phiên hôm nay, đưa giá cổ phiếu này từ mức tham chiếu lúc chào sàn là 21.600 đồng, lên 112.700 đồng lúc đóng cửa phiên hôm nay, nếu tính giá trung bình phiên hôm nay là 119.810 đồng, tương đương mức tăng gần 455% sau 2 tuần.

Về thanh khoản BSR đã trở lại vị trí số 1 với 8,37 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa lùi về tham chiếu 19.400 đồng. Trong khi VGT tiếp tục giữ được đà tăng 1% lên 20.500 đồng, khớp 7,15t riệu đơn vị.

Hai mã chứng khoán SBS và ORS vẫn giữ được đà tăng tốt 2,0% lên 15.300 đồng, khớp 5,77 triệu đơn vị bà 7,1% lên 27.300 đồng, khớp 3,63 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HHV có giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều với thanh khoản 4,95 triệu đơn vị, đứng trên ORS, nhưng đóng cửa lại giảm 1,5% xuống 20.200 đồng.

Trên thị trường phái sinh, chỉ có 1 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 12 tăng nhẹ, còn lại giảm theo thị trường cơ sở. Cụ thể, chốt phiên VN30-Index giảm 4,58 điểm (-0,31%), xuống 1.489,54 điểm với 11 mã tăng, 16 mã giảm và 3 mã đứng giá. Hợp đồng đáo hạn ngày mai là VN30F2108 giảm 2,1 điểm (-0,14%), xuống 1.490,9 điểm, thanh khoản 232.749 hợp đồng, khối lượng mở 33.614 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm ưu thế so với số mã tăng, trong đó tăng mạnh nhất là CMSN2102 do KIS phát hành cũng chỉ tăng 7,5% lên 1.730 đồng, thanh khoản 67.400 đồng, trong khi giảm mạnh nhất là CPDR2101 cũng do KIS phát hành giảm 37,3% xuống 790 đồng, thanh khoản 742.900 đơn vị, đứng đầu về thanh khoản. Bốn mã giảm mạnh liền sau cũng đều do KIS phát hành với mức giảm từ hơn 11% đến hơn 18%. Trong đó, mã liên sau cũng là chứng quyền của PDR là CPDR2102 giảm 18,8% xuống 2.200 đồng, thanh khoản 737.700 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ