Ngay khi mở cửa phiên sáng nay 16/6, VN-Index bất ngờ bật tăng mạnh trở lại mốc 850 điểm, tương ứng tăng hơn 17 điểm. Dòng tiền đổ vào tranh mua giúp sắc xanh lan tỏa khắp bảng điện tử, thanh khoản ở mức khá cao với hơn 4.000 tỷ đồng. Diễn biến này dường như đã xóa nhòa dư âm từ phiên giảm sốc trước đó khi VN-Index mất tới hơn 31 điểm chỉ trong phiên giao dịch chiều.
Trong phiên chiều, đà tăng cũng như thanh khoản thị trường đã chậm lại một phần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn trước sự thay đổi quá nhanh của thị trường. Tuy nhiên, với phiên tăng tích cực này, VN-Index gần như lấy lại những đã mất trong phiên trước đó.
Đóng cửa, với 307 mã tăng và 94 mã giảm, VN-Index tăng 23,66 điểm (+2,84%) lên 856,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 412,44 triệu đơn vị, giá trị 5.610,16 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 117,9 triệu đơn vị, giá trị gần 2.887 tỷ đồng. So với phiên giao dịch đột biến hôm qua, rõ ràng thanh khoản phiên này giảm rất mạnh (giảm 42% về khối lượng và 75% về giá trị), nhưng nếu tính bình quân những phiên gần đầy thì vẫn khá cao.
Có thể nói, nhóm cổ phiếu họ Vingroup đóng vai trò dẫn dắt thị trường phiên hôm nay. Tăng mạnh từ phiên sáng, nhưng bộ ba cổ phiếu nhà Vin vẫn chịu không ít áp lực khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin chính thức về thương vụ chuyển nhượng hơn 201 triệu cổ phiếu VHM trong phiên hôm qua.
Bước vào phiên chiều, ngay khi thông tin chính thức được đưa ra là nhóm nhà đầu tư nước ngoài do quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) dẫn đầu (trong đó bao gồm Temasek) đã bỏ ra hơn 15.000 tỷ đồng (650 triệu USD) để sở hữu hơn 6% cổ phần VHM, cả 3 cổ phiếu VHM, VRE vfa VIC đều bật tăng mạnh.
Trong đó, VHM và VRE cùng tăng kịch biên độ trong phiên, lên 74.900 đồng và 26.750 đồng, cùng khớp lệnh gần 3,1 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua giá trần. VIC cũng tăng tới 4,9% lên 93.400 đồng và khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.
Đà khởi sắc từ cổ phiếu họ Vin đã lan tỏa ra các mã bluechip khác. Trong rổ VN30 chỉ có 3 mã giảm (STB, EIB và VJC) và 1 mã đứng giá (HDB), còn lại đều tăng, trong đó tăng từ 4% trở lên có VNM, CTG, BVH…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS đã tăng trở lại 3.100 đồng (+4%), qua đó chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị.
Nhiều mã cũng có được đà tăng tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản như FLC, HAG, DXG, AMD, HHS…
Trong khi đó, một số mã nóng khác như ITA, DLG, HBC, TNI… đã quay đầu điều chỉnh. ITA khớp 22,3 triệu đơn vị, DLG khớp 16 triệu đơn vị, HBC 9 triệu đơn vị…
DBC sau chuỗi giảm sàn đã tăng trần phiên này lên 45.450 đồng, khớp lệnh 2,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu chứng khoán VND, APG cũng tăng trần.
Các mã TTF, EVG, TSC, JVC, MHC, TDG, HID… duy trì sắc tím, thanh khoản từ 1-3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX và UPCoM, đà tăng tích cực cũng được duy trì trong suốt phiên giao dịch, song đều ghi nhận sự sụt giảm về thanh khoản
Đóng cửa, với 93 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 1,67 điểm (+1,46%) lên 115,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,50 triệu đơn vị, giá trị 598,99 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 15/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 21 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,97%) lên 56,08 điểm với 121 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,73 triệu đơn vị, giá trị 284,44 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 15/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị gần 66 tỷ đồng.
Trên 2 sàn này, đa phần nhóm cổ phiếu lớn đều tăng để đẩy chỉ số, thanh khoản cũng tập trung tại nhóm cổ phiếu này.
Trên HNX, mã HUT dẫn đầu thanh khoản với hơn 9 triệu đơn vị, tăng 3,7% lên 2.800 đồng. Tiếp đó là SHB với 8,2 triệu đơn vị, tăng 1,9% lên 16.100 đồng, ACB với 4,19 triệu đơn vị, tăng 2,1% lên 23.800 đồng. PVS +3,4% lên 12.300 đồng, khớp lệnh 3,6 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, có 3 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó LPB khớp lệnh mạnh nhất sàn với 6,16 triệu đơn vị, đứng giá 9.000 đồng. BSR và SBS khớp lần lượt 3,2 triệu và 1,02 triệu đơn vị, BSR tăng 2,9% lên 7.100 đồng và SBS đứng giá 1.500 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm. Trong đó, VN30F2006 tăng xấp xỉ 3% lên 798 điểm và được giao dịch mạnh nhất với 212.214 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 23.131 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, có 16 mã giảm (3 mã giảm sàn), 6 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, CSTB2001 đứng đầu về thanh khoản với 70.880 đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên giảm 71,42% về 20 đồng/CQ.