Giao dịch chứng khoán chiều 16/12: Sắc xanh ngập tràn, VN-Index lập đỉnh mới

(ĐTCK) Sau khi đã lấy lại hết những gì đã mất ở phiên hôm qua trong phiên sáng, sự hào hứng của nhà đầu tư được đẩy lên cao trong phiên chiều, giúp thị trường có phiên khởi sắc với VN-Index lập đỉnh mới trong năm.

Trong phiên sáng, với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc xanh đã lan tỏa ra khắp bảng điện tử, giúp VN-Index lấy lại hết những gì đã mất trong phiên chốt lời ngắn hạn hôm qua của khối ngoại.

Bước vào phiên chiều, sự hào hứng của nhà đầu tư được đẩy lên cao, dòng tiền theo đó tiếp tục chảy mạnh giúp đà tăng của VN-Index được nới rộng hơn, ngưỡng 1.065 điểm dễ dàng được chinh phục chỉ trong ít phút đầu phiên chiều.

Dù có chút rung lắc nhẹ sau đó, nhưng lực cầu mạnh đã nhanh chóng đưa VN-Index trở lại và chốt phiên ở mức cao nhất ngày và cũng là đỉnh mới trong năm nay, thậm chí đây cũng là vùng cao nhất trong gần 2 năm rưỡi qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 11,72 điểm (+1,11%), lên 1.066,99 điểm với 296 mã tăng, trong khi chỉ có 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 591,6 triệu đơn vị, giá trị 11.861,6 tỷ đồng, giảm hơn 12% về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35 triệu đơn vị, giá trị 917,4 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm tìm đến của dòng tiền khi không còn mã nào giảm giá trên cả 3 sàn. Trong đó, trên HOSE, lực cầu lớn đã kéo TCB trở lại mức trần 27.960 đồng với hơn 29 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị.

Dù không giữ được vị trí thứ 2 về thanh khoản, nhưng STB vẫn có lượng khớp lớn với gần 24 triệu đơn vị và đóng cửa cũng tăng tốt 4,07% lên 16.650 đồng.

Hai mã LPB và MBB vẫn giữ được sự sôi động trong phiên chiều với tổng khớp lần lượt là 19,5 triệu đơn vị và 18,6 triệu đơn vị. Đóng cửa tăng mạnh 3,49% lên 22.250 đồng và 3% lên 12.050 đồng.

Một mã ngân hàng khác cũng hút mạnh dòng tiền hôm nay là ACB với gần 10,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,89% lên 28.250 đồng.

Hỗ trợ cho đà tăng mạnh của VN-Index trong phiên chiều ngoài TCB còn phải kể đến VCB khi nới rộng đà tăng lên 2,15%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 99.900 đồng. Bên cạnh đó còn phải kể đến BID tăng 2,82% lên 47.400 đồng; CTG tăng 1,14% lên 35.400 đồng; VPB tăng 4,27% lên 29.300 đồng; HDB tăng 0,67% lên 22.400 đồng; VIB tăng 1,41% lên 32.400 đồng; TPB tăng 2,25% lên 22.700 đồng, còn EIB về tham chiếu.

Ngoài nhóm ngân hàng, sắc xanh cũng bao phủ ở hàng loạt mã bluechip khác, ngoại trừ PLX giảm nhẹ, trong đó cặp đôi cổ phiếu hàng không VJC và HVN cũng tăng tốt từ gần 2,5% đến gần 3%. Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn không có nhiều thay đổi so với phiên sáng khi sắc đỏ chiếm ưu thế.

Không chỉ nhóm ngân hàng, nhiều mã nhỏ cũng giao dịch khởi sắc trong phiên hôm nay. Trong đó, ITA nhận lực cầu tốt vượt qua nhiều mã trở thành mã có thanh khoản tốt thứ 2 thị trường, đứng trên STB với gần 24,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,28% lên 5.670 đồng. HAG cũng giữ được sức hút với hơn 20 triệu đơn vị được khớp, đứng sau STB và đóng cửa tăng 5,05% lên 5.200 đồng. Thậm chí, người anh em sắp ra ở riêng HNG còn tăng trần lên 15.200 đồng, khớp 8,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh ở nhiều mã như HPG, PAN, VRE, GEX, POW, SSI, HDB, LCG, nhưng chỉ trừ SSI, còn lại đều tăng giá khi nhận lực cầu nội rất tốt, trong đó thậm chí PAN còn đóng cửa ở mức giá trần 24.800 đồng và còn dư mua giá trần khá lớn, khớp gần 5,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HNX-Index dường như đã hết dư địa nên chỉ số này chỉ lình xình quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,75 điểm (+2,23%), lên 171,62 điểm với 130 mã tăng, trong khi chỉ có 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93 triệu đơn vị, giá trị 1.252 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,7 triệu đơn vị, giá trị 345,4 tỷ đồng.

Trong khi Top 5 mã vốn hóa có đà tăng bị thu hẹp lại, ngoại trừ VCG, thì thị trường được hỗ trợ khi mã vốn hóa thứ 6 là PVI có sắc xanh, dù đà tăng không lớn.

Cụ thể, SHB tăng 0,59% lên 17.100 đồng, khớp 6,66 triệu đơn vị; VCG tăng 2,89% lên 42.700 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị; VCS tăng 0,48% lên 82.900 đồng, khớp 0,33 triệu đơn vị; IDC tăng 1,43% lên 35.500 đồng, khớp 1,12 triệu đơn vị; PVS tăng 1,91% lên 16.000 đồng, khớp 9,58 triệu đơn vị; PVI tăng 0,99% lên 30.700 đồng, khớp chưa tới 100.000 đơn vị.

2 mã nhỏ HUT và VIG vẫn yên vị ở mức trần 3.300 đồng và 1.400 đồng do lực cung không còn nhiều, trong khi bên mua thả lệnh mua trần rất lớn. Chốt phiên, HUT khớp hơn 5,3 triệu đơn vị, dư mua trần lên tới hơn 11 triệu đơn vị; VIG khớp hơn 4,56 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 0,7 triệu đơn vị.

Ngoài VIG, một số mã chứng khoán nhỏ khác trên sàn này tăng trần, trái ngược với các mã lớn trên HOSE như APS, WSS, HBS, nhưng thanh khoản kém hơn nhiều.

UPCoM cũng nới rộng đà tăng trong phiên chiều nay với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,91%), lên 70,25 điểm với 142 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,6 triệu đơn vị, giá trị 696 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,9 triệu đơn vị, giá trị 51,9 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản lớn nhất trên thị trường với 4,97 triệu đơn vị và đóng cửa đúng bằng mức giá phiên sáng 8.600 đồng, giảm 1,15%. Trong khi đó, mã có thanh khoản thứ 2 là SBS với gần 2 triệu đơn vị, bằng với phiên sáng khi không có thêm lực cung trong phiên chiều, nên đóng cửa vẫn ở mức trần 2.800 đồng và còn dư mua giá trần hơn 1,91 triệu đơn vị.

Ngoài 2 mã trên, UPCoM hôm nay còn có thêm 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có các mã lớn đáng chú ý như MSR, VGI, CTR, VGT, BVB, trong số này chỉ có VGI đóng cửa trong sắc đỏ, còn lại đều tăng giá.

Trên thị trường phái sinh, cũng như chỉ số VN30-Index, toàn bộ hợp đồng tương lai chỉ số này đều tăng khá mạnh. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,65% lên 1.029,72 điểm, còn hợp đồng tương lai đáo hạn vào ngày mai (17/12) VN30F2012 tăng 1,31% lên 1.028 điểm với 132.991 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.186 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, trong đó các chứng quyền TCB tăng mạnh theo chứng khoán cơ sở. Cụ thể, CTCB2007 tăng trần 29% lên 4.000 đồng, CTCB2009 tăng trần 33,9% lên 7.110 đồng, CTCB2010 tăng 30,6% lên 3.800 đồng, CTCB2011 tăng 34,1% lên 6.100 đồng, CTCB2008 tăng 20% lên 3.600 đồng. Về thanh khoản, CFPT2011 vượt lên dẫn đầu với 0,97 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 2.390 đồng, tiếp theo là CTCB2010 với 0,93 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục