Giao dịch chứng khoán chiều 16/11: Bluechip giảm sâu, VN-Index lao dốc

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau tuần khởi sắc với nhiều mã bluechip tăng mạnh, thị trường bước vào tuần giao dịch mới bất ngờ có lý do để "tay to" ra hàng, đẩy VN-Index lao dốc mạnh.

Giao dịch chứng khoán chiều 16/11: Bluechip giảm sâu, VN-Index lao dốc

Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà khởi sắc trong nửa đầu phiên sáng, thậm chí có thời điểm vượt qua mốc 970 điểm, nhưng áp lực bán nhanh chóng gia tăng sau thông tin Hà Nội có ca tái nhiễm Covid-19, khiến VN-Index quay đầu và lùi về dưới mốc 960 điểm khi chốt phiên.

Theo đánh giá của giới đầu tư, thông tin trên chỉ là cái cớ khá hợp lý và một số khác kỳ vọng thị trường sẽ sớm quay đầu hồi phục sau 14h như những phiên giao dịch gần đây.

Không nằm ngoài dự báo trên, sau giờ nghỉ trưa, thông tin ca tái dương tính với SARS-CoV-2 tại Hà Nội lại cho kết quả âm tính đã phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, lực cầu đã gia tăng giúp thị trường bật ngược đi lên và sau khoảng 30 phút giao dịch dần le lói sắc xanh.

Tuy nhiên, tia hy vọng xanh nhanh chóng bị dập tắt trước áp lực bán gia tăng mạnh. Sắc đỏ dần lan rộng cùng với sự nổi loạn của cặp đôi lớn VIC và MSN, đã đẩy thị trường giảm sâu, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 15 điểm và lùi về mốc 950 điểm.

Kết phiên, sàn HOSE có 146 mã tăng và 305 mã giảm, VN-Index giảm 15,5 điểm (-1,6%), xuống 950,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 518,93 triệu đơn vị, giá trị 10.230,54 tỷ đồng, tăng 13,35% về khối lượng và 27,53% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 13/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,75 triệu đơn vị, giá trị 658,66 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường khi chỉ còn duy nhất HPG nhích nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều giảm điểm.

Đáng kể là cặp đôi lớn VIC và MSN có màn lao dốc mạnh, cụ thể, VIC giảm 5% xuống 102.000 đồng/CP, còn MSN giảm 6,9% xuống sát mức giá sàn 83.900 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng có mức giảm 1-2% như BID, GAS, PLX, SAB, VCB, VJC, VRE; hay VHM giảm 2,17% xuống 76.600 đồng/CP, BVH vẫn giữ mức giảm 2,2% xuống 54.000 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, không chỉ HPG vẫn giữ được sắc xanh với khối lượng khớp lệnh hơn 25,5 triệu đơn vị, các mã khác cùng ngành thép cũng đi ngược xu hướng thị trường như HSG tăng nhẹ và khớp hơn 15 triệu đơn vị, NKG tăng trần lên mức 10.700 đồng/CP và khớp gần 10 triệu đơn vị, POM và VIC cũng tăng trần, TLH tăng 2,8% lên 4.800 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 40,8 triệu đơn vị được khớp lệnh và giá cổ phiếu tiếp tục lùi sâu hơn trong phiên chiều khi kết phiên giảm 4,76% xuống mức 4.400 đồng/CP.

Trên sàn HNX, mặc dù khá nỗ lực để tìm lại mốc tham chiếu nhưng áp lực bán khá lớn và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường không thoát khỏi phiên giảm khá mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 57 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,96%), xuống 143,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị hơn 833 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,9 triệu đơn vị, giá trị 61,6 tỷ đồng.

Trong khi NVB vẫn giữ đà tăng nhẹ, thì cặp đôi lớn cùng ngành là ACB và SHB tiếp tục để mất 1-2%, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt hơn 3 triệu đơn vị, 2,9 triệu đơn vị và gần 9 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã bluechip khác cũng gia tăng sức ép lên thị trường như PVS giảm 2% xuống 14.800 đồng/Cp, VCS giảm 1,3% xuống 75.000 đồng/CP..

Về thanh khoản thị trường, PVS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trên sàn HNX với 10,84 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trên UPCoM, sắc xanh vẫn được bảo toàn trong suốt cả phiên chiều dù có thời điểm bị đẩy xuống sát mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,22%), lên 64,85 điểm với 99 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,13 triệu đơn vị, giá trị 269,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,33 triệu đơn vị, giá trị 147,44 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc nhưng đã hồi nhẹ khi kết phiên tăng 1,45% lên mức 7.000 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng giao dịch hơn 2,96 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là G36 có khối lượng giao dịch gần 1,6 triệu đơn vị và AAS khớp 1,11 triệu đơn vị. Cả 2 mã này kết phiên đều tăng khá tốt với G36 tăng 4,67% lên 11.200 đồng/CP và AAS tăng 10,53% lên 6.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm điểm, trong đó, VNF30F2011 giảm 2,03% xuống 916,9 điểm, với khối lượng khớp lệnh 183.716 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.510 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVHM2006 là mã được giao dịch nhiều nhất với 234.067 đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 14,81% xuống 460 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2017 khớp lệnh 152.183 đơn vị, đóng cửa tăng 3,03% lên 1.350 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục