Giao dịch chứng khoán chiều 1/6: Thị trường phân hóa, VN-Index chưa thể qua ải 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lấy lại đà tăng sau nhịp điều chỉnh nhẹ hôm qua nhờ sự hỗ trợ của VCB, MSN và GAS, nhưng một lần nữa thất bại với thử thách 1.300 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 1/6: Thị trường phân hóa, VN-Index chưa thể qua ải 1.300 điểm

Sự thận trọng của nhà đầu tư sau chuỗi hồi phục ấn tượng khiến thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên sáng. Có lúc VN-Index tiến lên test lại ngưỡng 1.300 điểm nhưng bất thành khi dòng tiền không quá mạnh. Nhóm dầu khí, phân bón hạ nhiệt và có sự phân hóa, chứ không đồng loạt khởi sắc như phiên hôm qua, trong khi nhóm ngân hàng sau phút lóe sáng nửa đầu phiên đã lần lượt quay đầu, ngoại trừ “anh cả” VCB.

Bước vào phiên chiều, thị trường bị kéo xuống đầu phiên khi nhóm dầu khí, đặc biệt là GAS hạ nhiệt, nhưng nhanh chóng, VN-Index được kéo ngược trở lại nhờ sự bứt lên của VCB và MSN. Thậm chí, có lúc chỉ số này còn được kéo qua ải 1.300 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 11/5. Tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng cải tâm lý mạnh với VN-Index trong nhịp hồi phục này, nên chỉ số đã bị đẩy ngược trở lại, nhưng không quá xa khi đóng cửa chỉ cách ải này chưa tới 1 bước chân.

Chiều nay, giá xăng đã tăng thêm hơn 920 đồng, lên hơn 31.500 đồng/lít, tạo thêm áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thông tin này dường như không mấy ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm nay. Thậm chí, đây lại là tin vui với cổ đông dầu khí khi nhóm này tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên hôm nay, dù không quá mạnh như phiên hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,53%), lên 1.299,52 điểm với 175 mã tăng (13 mã trần), số mã giảm còn 275 mã so với 330 mã của phiên sáng, trong đó có 5 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 573,6 triệu đơn vị, giá trị 16.049 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 68 triệu đơn vị, giá trị 2.194 tỷ đồng.

Đà tăng của GAS bị hãm lại khi đóng cửa với mức tăng 2,8% lên 121.000 đồng, so với mức tăng hơn 4% của phiên sáng, khớp 1,74 triệu đơn vị. Trong khi đó, VCB lại nới đà tăng thành hơn 2%, lên mức cao nhất ngày 80.500 đồng. Cùng với đó, MSN cũng bật lên với mức tăng 2,3%, cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày 115.000 đồng. Ngoài ra, còn kể đến sự hỗ trợ của VHM, VIC, FPT, PLX, PNJ, POW…

Ở chiều ngược lại, ACB, TPB và HPG là 3 mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30, nhưng cũng chỉ giảm hơn 1%.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB, chỉ có thêm OCB, SHB và HDB đóng cửa với sắc xanh, nhưng mức tăng khiêm tốn, dưới 0,5%, còn lại là đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không lớn.

Nhóm chứng khoán có VND, VCI và HCM lấy lại sắc xanh nhạt, CTS trở lại tham chiếu, còn lại vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó SSI chỉ còn giảm nhẹ 0,3% xuống 29.550 đồng.

Nhóm thép HPG vẫn giảm 1% xuống 34.350 đồng, khớp lớn nhất sàn với 21,6 triệu đơn vị, trong khi NKG vẫn là mã giảm mạnh nhất nhóm này với -3,8% xuống 28.800 đồng.

Trong nhóm dầu khí, ngoài GAS, PVD cũng đảo chiều tăng tốt trở lại khi đóng cửa tăng 3,5% lên 23.700 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm phân bón lại lấy lại được phong độ với DCM tăng 5,2% lên 39.200 đồng, DPM tăng 3,9% lên 61.900 đồng.

Trong khi đó, POW lại có giao dịch khởi sắc cả về giá và thanh khoản hôm nay khi đóng cửa tăng 3% lớn nhất trong nhóm VN30 lên 13.950 đồng, khớp gần 19,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, IDI nhảy vọt lên mức trần 26.200 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần. “Người anh” ASM cũng đảo chiều thành công với mức tăng mạnh 6,1% lên 19.100 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Trong khi đó, họ FLC lại giảm mạnh, trong đó ROS và HAI giảm kịch sàn về 3.830 đồng, HAI về 3.000 đồng và còn dư bán sàn. Trong khi FLC cũng mất 4,1% giá trị về 5.860 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị.

Các mã khác cũng đa số đóng cửa trong sắc đỏ, như HQC giảm 1,1% xuống 6.140 đồng, khớp 14,27 triệu đơn vị, DIG giảm 3,1% xuống 58.500 đồng, khớp 9,35 triệu đơn vị. ITA, TTF, DLG… cũng giảm trên dưới 3%.

Trên HNX, sau nhịp nhúng xuống tạo đáy trong ngày đầu phiên chiều cũng đã bật trở lại và đóng cửa chỉ còn mức giảm nhẹ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,12%), xuống 315,37 điểm với 91 mã tăng, gấp hơn 2 lần phiên sáng, trong khi có 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,6 triệu đơn vị, giá trị 1.879 tỷ đồng, giảm 11,7% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 127 tỷ đồng.

Các mã bluechip, nhiều mã đảo chiều thành công, như PVS đảo chiều từ mức giảm 1% của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 3,9% lên 31.900 đồng, khớp 13,54 triệu đơn vị; SHS cũng đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1,1% lên 18.400 đồng, khớp 8,66 triệu đơn vị; PVC cũng tăng 2% lên 25.800 đồng, khớp 2,79 triệu đơn vị.

Trong khi CEO lại nới đà giảm, đóng cửa giảm 3,8% xuống 42.500 đồng, khớp 5,66 triệu đơn vị; HUT chỉ còn giảm 1,6% xuống 30.500 đồng, khớp 2,64 triệu đơn vị; IDC giảm 0,4% xuống 54.200 đồng, khớp 2,11 triệu đơn vị…

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu than như TVD, NBC, TC6, THT, MDC đóng cửa với sắc tím.

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi xác lập đáy của ngày đầu phiên chiều, sau đó thu hẹp dần và chỉ đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,36%), xuống 95,1 điểm với 126 mã tăng và 141 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,4 triệu đơn vị, giá trị 970,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.

BSR nới đà tăng từ mức 2,3% của phiên sáng, đóng cửa tăng 5,3% lên 27.600 đồng, khớp 15,6 triệu đơn vị, cao nhất trên UPCoM. OIL cũng lấy lại đà tăng với mức 2% lên 15.300 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị.

Một mã lớn khác là VGT cũng tăng 4,1% lên 20.100 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. Trong khi C4G cũng kịp về tham chiếu 15.000 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. Còn mã khớp lớn thứ 2 là VHG vẫn giảm nhẹ 1,8% xuống 5.500 đồng, khớp 2,51 triệu đơn vị, phiên sáng giảm 5,4%.

Trên thị trường phái sinh, giao dịch vẫn sôi động khi khoảng 326.000 đồng hợp đồng giao dịch, trong đó chủ yếu là hợp đồng đáo hạn tháng 6 và tất cả đều tăng giá theo thị trường cơ sở. Cụ thể, hợp đồng đáo hạn tháng 6 tăng 5,5 điểm (+0,42%), lên 1.326 điểm với 325.936 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 30.521 hợp đồng. Trong khi VN30-Index tăng 2,9 điểm (+0,22%), lên 1.335,49 điểm với 14 mã tăng 15 mã giảm và 1 mã đứng giá.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng và giảm khá cân bằng, trong đó hôm nay có nhiều mã tăng, giảm rất mạnh. Cụ thể, giảm mạnh nhất là 2 mã do MBS phát hành là CVRE2202 và CHDB2202 với mức giảm lần lượt là 66,7% xuống 20 đồng và 50% xuống 30 đồng, thanh khoản 212.800 đơn vị và 160.700 đơn vị. Tiếp đến là 3 mã do HSC phát hành và đều là chứng quyền của các mã ngân hàng, trong đó có 2 mã giảm kịch sàn là CSTB2210 và CVPB2206 với mức giảm 47,8% xuống 840 đồng, thanh khoản 555.800 đơn vị và 42,3% xuống 1.460 đồng, thanh khoản chỉ 900 đơn vị.

Hôm nay có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CMSN2203 do KIS phát hành có thanh khoản tốt nhất gần 1,81 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 12,2% lên 550 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục